Sinh thời, người hâm mộ biết đến Lý Tiểu Long trong vai trò một ngôi sao màn bạc, một bậc thầy võ thuật. Với sở trường là Vịnh Xuân, võ sư họ Lý đã sáng tạo ra môn võ riêng mang tên Triệt quyền đạo với triết lý “chiến đấu mà như không chiến đấu”.
Được coi là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển của làng võ thuật thế giới, nội công thật sư của Lý Tiểu Long đến nay vẫn là một dấu hỏi bởi ông hiếm khi tham gia vào những trận thực chiến.
Video hiếm hoi của Lý Tiểu Long trong trận thực chiến võ sĩ MMA
Và màn so tài giữa Lý Tiểu Long và nhà vô địch quyền anh nghiệp dư Gary Elms được cho là cơ sở để đánh giá phần nào khả năng thực sự của ông vua võ thuật một thời.
4 trận đấu quyền anh trong một ngày của Lý Tiểu LongVào năm 1956, Lý Tiểu Long có cơ hội ghi danh vào trường cấp ba St. Francis Xavier’s College tại quê nhà Hong Kong. Trong những năm tháng học tại ngôi trường này, cậu bé họ Lý thường xuyên vướng vào các cuộc xô xát trên đường phố.
Nhận thấy niềm đam mê võ thuật của cậu học trò, thầy giáo Brother Edwards đã gợi ý cho Lý Tiểu Long tham gia vào đội boxing của trường. Mong muốn đưa tinh thần đấu võ của mình theo đúng khuôn khổ, Lý Tiểu Long nhanh chóng đồng ý với lời đề nghị của ông Edwards.
Dù vậy, theo những lời kể lại, trong phòng gym, Lý Tiểu Long dành rất ít thời gian cho boxing. Huyền thoại võ thuật thích thú hơn với Vịnh Xuân và vẫn duy trì lịch tập đều đặn cùng hai sư phụ Hoàng Thuần Lương và William Cheung. Lý Tiểu Long tin rằng sức mạnh từ những đòn cận chiến của Vịnh Xuân có thể áp chế được lối đánh vũ bão, biến hóa của quyền anh.
Thời điểm đó, hàng năm đều diễn ra giải vô địch boxing giữa 12 trường trong khu vực. Tại giải đấu này, đối thủ chính của trường Lý Tiểu Long là trường King George V (KGV), nơi tập trung nhiều học sinh ngoại quốc thường xuyên sang Francis Xavier’s College trêu chọc người bản địa.
Cái tên nguy hiểm nhất bên phía KGV là một học sinh người Anh có tên Gary Elms, tay đấm chưa từng bị đánh bại và đã vô địch 3 năm liên tiếp.
Vào ngày 29/3/1958, giải đấu chính thức được khởi tranh theo thể thức loại trực tiếp. Lý Tiểu Long thể hiện phong độ ấn tượng với chuỗi 3 chiến thắng bằng knock-out. Kỹ năng đi quyền của cậu học sinh 17 tuổi được nhận xét là “có nhiều điểm khác biệt so với bộ môn Vịnh Xuân truyền thống".
Những chiến thắng liên tiếp giúp Lý Tiểu Long có mặt trong trận chung kết. Đối khủ không ai khác chính là Gary Elms.
Màn so tài nảy lửa giữa Lý Tiểu Long và nhà vô địch quyền anh bất bạiĐúng như dự đoán, trận chung kết đã diễn ra rất hấp dẫn. Dù chỉ là một trận đấu nghiệp dư kéo dài 3 hiệp, cả hai võ sĩ đều thể hiện được kỹ thuật khá tốt.
Với lợi thế về thể hình và kinh nghiệm, Gary Elms chiếm ưu thế ở hiệp đầu tiên. Những combo đòn liên tiếp của tay đấm người Anh đẩy Lý Tiểu Long vào góc võ đài. Nỗ lực tung ra các pha móc sở trường của Tiểu Long bị thất bại do khoảng cách quá gần.
Hiệp đấu thứ 2 chứng kiến sự thay đổi trong cách tiếp cận của Lý Tiểu Long. Võ sĩ họ Lý sử dụng nhiều hơn các thế đánh của Vịnh Xuân để khóa chặt các tổ hợp trái phải của đối thủ. Không còn bị đẩy vào dây đai võ đài, Lý Tiểu Long phản công mạnh mẽ và buộc đối thủ phải lùi sâu.
Hiệp cuối cùng là show diễn của Lý Tiểu Long. Nhận thấy sơ hở của nhà vô địch mỗi khi ra đòn, cậu học sinh 17 tuổi tận dụng tốc độ để phản công tức thì. Một cú đấm thẳng đã giúp Lý Tiểu Long knock-out thành công đối thủ và đem về chức vô địch cho trường Francis Xavier’s College.
Một trận đấu cho thấy phẩm chất võ thuật thượng thừa của Lý Tiểu Long. Ở tuổi 17, ông đã biết cách điều chỉnh chiến thuật cho phù hợp và thể hiện sức mạnh bằng việc hạ đo ván những đối thủ to lớn đến từ phương Tây.
Khi khai sinh ra Triệt quyền đạo, Lý Tiểu Long cũng áp dụng tâm pháp nền tảng này để tạo nên hệ thống các đòn thế giúp "lấy nhỏ thắng lớn".
Về sau, Lý Tiểu Long không tham dự một giải đấu nào liên quan đến boxing tại trường cấp ba nữa. Ông rời Hong Kong sang Mỹ vào năm 1959 và cũng ít khi đề cập đến màn so tài cùng Gary Elms.
Đến nay, trận đấu của Lý Tiểu Long với tay đấm bất bại người Anh vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số cho rằng huyền thoại võ thuật thắng nhờ điểm số trước Gary Elms thay vì knock-out. Quan điểm khác lại tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại của Elms khi nhân vật này chưa từng xuất hiện trước truyền thông.
Dù vậy, với những tư liệu được ghi lại, đa số vẫn thừa nhận cuộc đối đầu với Gary Elms là một trong ba trận thực chiến nổi tiếng nhất của Lý Tiểu Long, bên cạnh màn thư hùng với võ sư đai đen Judo năm 1962 và Hoàng Trạch Dân (Wong Jack Man) năm 1964.
Bình luận