Lê Hoàn (vua đầu tiên nhà Tiền Lê), rồi Hồ Qúy Ly (triều Hồ), rồi cả các chúa Trịnh, chúa Nguyễn cũng đều phát tích từ vùng đất xứ Thanh.
Xứ Thanh là từ ngắn gọn để gọi Thanh Hóa, thời thời Bắc thuộc nơi đây được gọi là Cửu Chân, sau này gọi là Ái Châu. Đến thời nhà Lý, Ái Châu mới được đổi tên thành phủ Thanh Hoa, tên gọi này tồn tại đến đời nhà Nguyễn, do kiêng tên húy của bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị) nên Thanh Hoa được đổi gọi là Thanh Hóa.
Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn với nhiều tên gọi khác nhau, song vùng đất Thanh Hóa vẫn là vùng đất địa linh nhân kiệt nổi tiếng bậc nhất. Tuy nhiên, vì sao vùng đất Thanh Hóa lại trở thành vùng đất của đế vương thì cho tới nay người ta vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời thật sự thỏa đáng…
Về mặt phong thủy địa lý, những người nghiên cứu, tìm hiểu về môn này cho rằng Thanh Hóa là vùng đất có hình thế rất đắc địa, thuận lợi, vừa có núi, vừa có biển, vừa có sông lại có rừng già.
Mục “Thanh Hóa tỉnh chí” của sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn có chép về nơi này như sau: “Mặt Đông trông ra biển lớn, mặt Tây khống chế rừng dài. Bảo Sơn Châu (hoặc Sơn Thù) chăm hiểm ở phía Nam, (tục gọi là Eo Ống), giáp huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, núi Tam Điệp giăng ngang phía Bắc. Ở trong thì sông Mã, sông Lương, sông Ngọc Giáp hợp nhau; ở ngoài thì núi Chiếc Đũa, núi Biện Sơn che chở. Thực là một trọng trấn có hình thế tốt”.
Bọn xâm lược phương Bắc trong những giai đoạn đặt ách đô hộ của chúng lên đất nước ta cũng nhận thấy hình thế đắc địa của vùng đất Thanh Hóa, lo sợ nơi đây sẽ xuất hiện những bậc đế vương làm thất bại tham vọng bá chủ của chúng nên đã trấn yểm, tìm mọi cách phá bỏ phong thủy của vùng đất này bằng cách dùng những tên phù thủy, thầy địa lý đi dò xem rồi sai người đục núi, lấp sông để hòng trấn hiểm các huyệt mạch đế vương, hình thành một cuộc chiến phong thủy có một không hai trong lịch sử nước Việt.
Rồi đến đời Trần, cũng vì lo có dòng họ nổi lên thay thế cho triều đại của mình, vì thế cũng đã phá nhiều địa thế tốt. Điều này đã được ghi chép rất rõ ràng trong sách Việt sử địa dư như sau: “Trần Thái Tông niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248), sai người giỏi về phong thủy đi trấn áp vượng khí trong khắp núi sông, như núi Chiêu Bạc, sông Bà, sông Lễ ở Thanh Hóa, đều đào và đục đi. Lấp các khe kênh, mở đường ngang lối dọc không kể xiết”.
Bình luận về việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Từ khi có trời đất này, thì đã có núi sông này, mà khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời, đều có số cả. Khí trời từ Bắc chuyển xuống Nam, hết Nam rồi lại quay về Bắc.
Thánh nhân trăm năm mới sinh, đủ số lại trở lại từ đầu. Thời vận có lúc chậm lúc chóng, có khi thưa khi mau mà không đều, đại lược là thế, có can gì đến núi sông? Nếu bảo núi sông có thể lấy pháp thuật mà trấn áp, thì khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có pháp thuật gì trấn áp được không?
Ví như Tần Thủy Hoàng biết là phương Đông Nam có vượng khí thiên tử, đã mấy lần xuống phương ấy để trấn áp, mà rút cuộc Hán Cao Tổ vẫn nổi dậy, có trấn áp được đâu?” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Có thể thấy, những việc làm phá hủy mạch tốt, huyệt hay qua nhiều thời kỳ cũng chỉ như muối bỏ biển, bởi nhân tài hào kiệt vẫn nối tiếp phát ra từ xứ Thanh rồi. Quả thực địa linh tất sinh ra tuấn kiệt, người Thanh Hóa mang trong mình đặc trưng riêng biệt: “Người sinh ra ở Giao Châu và Ái Châu thì rộng rãi, có mưu trí” (An Nam chí lược), “sĩ tử thích văn học, giữ khí tiết, nông dân chăm cày cấy, thợ thì có người đẽo đá là sở trường hơn cả, ít người buôn bán” (Đại Nam nhất thống chí)…
Chính từ địa lợi, nhân hòa ấy đã góp phần cho vùng đất Ái Châu – Thanh Hóa trở thành nơi thiên thời cho việc xưng vương, dựng nước của các bậc đế vương xưa.
Trong số những bậc vua chúa ấy, riêng có triều đại do Lê Lợi sáng lập là tồn tại lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, dù có nhiều thăng trầm. Điều này có được bởi đâu, phải chăng đất phát đế vương ở Lam Sơn của nhà Hậu Lê có một sức mạnh dài, mạnh đến vậy?.
Về ngôi đất này có hai thuyết truyền tụng khác nhau. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Trước kia, tổ ba đời của vua tên húy là Hối, một hôm, đi chơi Lam Sơn, thấy đàn chim bay lượn quanh chân núi, như hình ảnh nhiều người tụ họp, bèn nói: "Đây chắc hẳn là chỗ đất tốt", rồi dời nhà đến ở đấy. Sau 3 năm thì thành sản nghiệp. Từ đó, đời đời làm quân trưởng một phương”. Chính mảnh đất Lam Sơn đã hun đúc nên bậc đế vương Lê Lợi, người khởi đầu đế nghiệp của nhà Lê.
Sách Đại Việt thông sử của Lê Qúy Đôn cũng viết tương tự như vậy: “Cụ tằng tổ của vua tên húy là Hối, sau truy tôn là Cao thượng tổ Minh Hoàng đế. Tính cụ chất phác, ngay thẳng, hiền hậu ít nói nhưng hiểu biết rất sâu xa, có thể biết trước việc từ lúc chưa thành hình. Nguyên trước ở thôn Như Áng, một hôm cụ đi chơi, thấy đàn chim lượn vòng quanh trên một khoảng đất nơi dưới núi Lam Sơn, trông hình như một đám người tụ hội.
Cụ nghĩ: “Chỗ này tất là nơi đất lành”, bèn dời nhà đến ở đấy, rồi khai phá ruộng vườn, tự chăm lo cày cấy, được 3 năm thì thành sản nghiệp, từ đấy đời đời đều là hùng trưởng một phương. Sau này vua dựng đô mở nước, thực cũng gây nền tự đấy”.
Đó là những sách viết sau này, còn trước đó, cuốn sách đầu tiên đề cập đến ngôi đất phát ấy chính là sách Lam Sơn thực lục. Sách ban đầu do Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sai soạn và tự viết lời tựa, trong đó có câu:
“Trẫm gặp đời nhiều hoạn nạn, mở nước, dựng nền, càng thấy khó khăn! May mà Trời cho, dân theo, gây nên được công nghiệp, ấy thực là nhờ ở các bậc Tổ tông tích lũy mãi nhân đức, mà đi tới cả! Trẫm nghĩ về chuyện đó mãi bèn chép vào sách, gọi là Lam Sơn thực lục (Sách ghi chuyện thực núi Lam) cốt là để trọng nghĩa đầu gốc. Và cũng để kể rõ sự nghiệp gian nan của Trẫm, truyền bảo lại cho con cháu vậy”.
Đến đời Lê Trung Hưng, vua Lê Hy Tông (1675-1705) sai một số đại thần đứng đầu là Hồ Sĩ Dương và Đặng công Chất chỉnh sửa lại sách Lam Sơn thực lục, trong đó cũng có phần viết về đất phát đế vương nhà Hậu Lê: “Đức Tằng tổ nhà vua, họ Lê, tên húy là Hối người thôn Như Áng, huyện Lương Giang (tức là huyện Ngụy Nguyên ngày nay) phủ Thanh Hóa.
Tính trời chất phác, ngay thẳng, giữ mình như kẻ ngu; thấy rõ việc từ lúc chưa xảy ra; biết sâu mà lo xa. Lấy bà là Nguyễn Thị Ngọc Duyên, (người trại Quần Đội, huyện Lôi Dương); … Có một hôm Ngài đi chơi, thấy các loài chim liệng quanh ở dưới ngọn Lam Sơn, như vẻ đông người hội họp, liền nói rằng:
- Chỗ này tốt đây!.
Nhân dời nhà tới ở đấy. Thế rồi dọn gai góc, mở ruộng nương, chính mình siêng năng việc cày cấy. Qua ba năm mà gây nên sản nghiệp. Con cháu ngày một đông; tôi tớ ngày một nhiều. Việc dựng nước, mở đất, thực gây nền từ đấy. Từ đó, đời đời làm chúa một miền”.
Cũng lại có thuyết nói rằng, nhà họ Lê được một nhân vật kỳ bí cho biết một huyệt đất phát vương ở động Chiêu Nghi, cũng thuộc vùng Lam Sơn. Lê Lợi sau đó đã quyết định đem di cốt của thân phụ mình chôn ở đó, nhờ vậy mà sau này mới phát tích, trở thành đế vương. Sách Lam Sơn thực lục thuật lại như sau:
“Khi ấy nhà vua (tức Lê Lợi) sai người nhà cày ruộng ở xứ Phật Hoàng động Chiêu Nghi. Chợt thấy một nhà sư già, mặc áo trắng, từ thôn Đức Tề đi ra, thở dài mà rằng:
- Quý hoá thay phiến đất này! Không có ai đáng dặn!
Người nhà thấy thế, chạy về thưa rõ với nhà vua, nhà vua liền đuổi theo tìm hỏi chuyện đó.Có người báo rằng:
- Sư già đã đi xa rồi.
Nhà vua vội đi theo đến trại Quần Đội, huyện Cổ lôi, (tức huyện Lôi Dương ngày nay) thấy một cái thẻ tre, đề chữ rằng:
Thiên đức thụ mệnh. Tuế trung tứ thập. Số chi dĩ định. Tích tai vị cập.
Nghĩa là:
Đức trời chịu mệnh. Tuổi giữa bốn mươi! Số kia đã định. Chưa tới ... tiếc thay!
Nhà vua thấy chữ đề mừng lắm, lại vội vàng đi theo. Khi ấy có rồng vàng che cho nhà vua! Bỗng nhà sư bảo nhà vua rằng:
- Tôi từ bên Lào xuống đây, họ Trịnh, tên là sư núi Đá trắng. Hôm thấy ông khí tượng khác thường tất có thể làm nên việc lớn!
Nhà vua quỳ xuống thưa rằng:
- Mạch đất ở miền đệ tử, tôi sang hèn ra thế nào xin thầy bảo rõ cho?
Nhà sư nói:
- Xứ Phật hoàng thuộc động Chiêu Nghi, có một khu đất chừng nửa sào, hình như quả quốc ấn. Phía tả có núi Thái Thất, núi Chí Linh (ở miền Lảo Mang); bên trong có đồi đất Bạn Tiên. Lấy Thiên Sơn làm án (ở xã An Khoái). Phía trước có nước Long Sơn, bên trong có nước Long Hồ là chỗ xoáy trôn ốc (ở thôn Như Ứng). Phía hữu nước vòng quanh tay Hổ. Bên ngoài núi xâu chuỗi hạt trai.
Con trai sang không thể nói được nhưng con gái phiền có chuyện thất tiết. Tôi sợ con cháu ông về sau, có thế phân cư. Ngôi vua có lúc Trung Hưng. Mệnh trời có thể biết vậy. Nếu thầy giỏi biết láng lại, thì trung hưng được năm trăm năm.
Nhà sư nói rồi, nhà vua liền đem di cốt đức Hoàng khảo táng vào chỗ ấy. Tới giờ Dần, về đến thôn Hạ Dao Xá nhà sư bèn hóa bay lên trời! Nhân lập chỗ ấy làm điện Du Tiên. Còn động Chiêu Nghi thì làm am nhỏ (tức là nơi một Phật hoàng). Đó là gốc của sự phát tích vậy”.
Các sách sử chính thống như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục hoàn toàn không chép gì về chuyện phong thủy, đất phát đế vương này. Trong sách Đại Việt thông sử của Lê Qúy Đôn thì cũng chỉ viết ngắn gọn huyền ảo rằng: “Khi vua làm phụ đạo ở Khả Lam, được hồn sư ông mặc áo trắng hiển hiện chỉ cho ngôi huyệt phát đế vương ở động Chiêu Nghi”.
Dã sử thì cho biết cụ thể là “người nhà” của Lê Lợi đi cày ruộng và gặp vị sư già ấy chính là Trịnh Vô, Võ Uy, Trương Lôi, những người gia nhân nhưng sau này trở thành tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Một bản Lam Sơn thực thục khác cũng có ghi như vậy, theo đó khi mấy người này đang làm việc thì “chợt thấy một vị sư già mặc áo trắng đi từ cầu thôn Đức Trà ra, vừa tới động Chiêu Nghi thì than rằng:
- Đây là ngôi đất quý, tiếc thay không có ai để giao phó!
Họ nghe sư già than tiếc như thế, mới chào hỏi và mời sư già về gặp vua (tức Lê Lợi). Sư già nhắc lại lời than vừa rồi và nói thêm:
- Vẫn biết các ngươi là bậc có tài, đâu phải kẻ tầm thường! Nhưng nếu không phải là việc lớn thì ta không theo về đâu.
Nói đoạn rồi nhà sư bỏ đi thẳng. Gia nhân thấy vậy liền chạy về thưa với vua, vua lập tức đi tìm, đuổi theo đến sách Quần Đội, huyện Cổ Lôi (nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) thì thấy một chiếc thẻ tre ghi cũng tựa nội dung như trên.
Vua mừng lắm lại vội vàng đuổi theo, bấy giờ có con rồng vàng ở phía trên che nắng cho ông, bỗng thấy nhà sư xuất hiện nói với vua rằng:
- Bần tăng họ Trịnh, hiệu là Bạch Thạch Sơn Tăng, từ Ai Lao đến đây, thấy ngài có khí tượng thiên tử phi thường, ắt có thể làm nên nghiệp lớn.
Vua quỳ xuống thưa:
- Địa mạch nơi đệ tử sang hèn thế nào mong thầy chỉ rõ cho.
Nhà sư nói:
- Ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi có một thửa ruộng chừng nửa sào, hình chiếc ấn vuông, toạ Khôn hướng Càn. Phía bên tả có Thái Ất là núi Chí Linh bên trong có những gò đồi tựa bầy tiên, lấy núi Chiếu Sơn làm án. Phía trước có Long Sơn, trong có Long hồ, thế đất ngoài quanh co như ruột ốc.
Bên trong, phía tả có dòng bao quanh, núi phía ngoài tựa chuỗi hạt châu. Nếu là con trai thì quý không thể nào nói hết, con gái thì hiềm nỗi có kẻ thất tiết, ngày sau con cháu bị ly tán. Nếu có bậc minh sư cải táng thì vận hội trung hưng lại có thể kéo dài thêm 500 năm nữa.
Vua bèn đem hài cốt của hoàng khảo (bố Lê Lợi) chôn vào huyệt đất đó, chôn sâu tới 3 thước 5 tấc, quan tài dùng gỗ hình bát mầu trắng. Bấy giờ khi đào lại được một pho tượng Phật, một chiếc khám và một bình đựng nước, vua liền mang về Du Sơn (còn gọi là núi Lam Sơn hay núi Dầu) phụng thờ. Lúc trời sáng, khi về tới thôn Dao Xá hạ thì mưa to sấm lớn, trời đất tối sầm, nhà sư bỗng biến mất...”.
Chuyện kể rằng mặc dù chôn di cốt vào ngôi đất phát đế vương ấy được Lê Lợi giữ bí mật, nhưng không hiểu vì lý do gì mà về sau giặc Minh vẫn biết được địa điểm này. Dã sử cho biết việc đó là do một tên phản thần tên là Ái câu kết với tên quan huyện là Đỗ Phú chỉ điểm cho giặc Minh.
Năm Mậu Tuất (1418) ngay sau khi dấy cờ khởi nghĩa, mặc dù tướng ít quân thưa nhưng Lê Lợi đã giành một số thắng lợi gây thiệt hại nhất định cho giặc khiến chúng vô cùng tức tối. Các cuộc hành binh đàn áp liên tục được thực hiện nhưng không bắt được Lê Lợi, giặc Minh bèn dùng cách đê hèn, chúng bắt vợ con, gia quyến thân thuộc của binh sĩ Lam Sơn để làm lung lay tinh thần và ý chí chiến đấu, lại cho quân đến xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi đào lấy hài cốt linh xa của Hoàng khảo (cha của Lê Lợi) là Lê Khoáng mang về treo sau một chiếc thuyền đậu giữa dòng sông để dụ Lê Lợi ra hàng, hẹn rằng nếu đến quy thuận sẽ trọng thưởng và ban quan tước lớn.
Lê Lợi sai các thân thuộc của mình gồm 14 người là Trịnh Khả, Bùi Bị. Trương Lôi, Lê Nanh, Võ Uy, Bùi Quốc Hưng, Doãn Nỗ, Lê Liễu, Lê Nhữ Lãm, Lê Khả Lãng, Lê Xa Lôi, Trịnh Võ, Lưu Trung và Trần Dĩ đi đến doanh trại của giặc lấy lại hài cốt của cha mình. Những người này đội cỏ bơi xuôi theo dòng nước, từ thượng lưu xuống, nhân lúc giặc Minh sơ hở đã lấy trộm lại được hài cốt linh xa đem về cho chủ tướng, Lê Lợi bí mật đem chôn cất ở động Chiêu Nghi như cũ.
Không rõ giặc Minh có biết được điều này hay không và Lê Lợi có chôn cất hài cốt của cha vào đúng chỗ cũ mà vị sư già đã chỉ cho hay ở nơi nào gần đó, lần cải táng này có được “bậc minh sư” nào tiến hành giúp hay không?; tất cả đều không được sách sử và dã sử cho biết.
Còn về ngôi đất ấy không thấy được nhắc gì về chuyện các vua Lê tiến hành tế lễ, xây dựng lăng tẩm miếu mạo, nó thực sự nằm ở đâu, đó là một bí ẩn lớn và chẳng rõ phát đến đâu chỉ biết rằng nhà Hậu Lê kể từ Lê Lợi lên ngôi vua năm Mậu Thân (1428) đến khi Lê Cung Hoàng bị Mạc Đăng Dung giết chết để cướp ngôi năm Đinh Hợi (1527), nhà Hậu Lê cầm quyền trị nước được 99 năm.
Và dường như vận đế vương vẫn còn, quả là nhà Hậu Lê lại trung hưng, chỉ vài năm sau khi mất quyền lực, các trung thần đã tìm con cháu họ Lê đưa lên làm vua, sử gọi giai đoạn sau là Lê Trung Hưng, kéo dài từ năm Qúy Tị (1533) đến đầu năm Kỷ Dậu (1789) được 255 năm. Tuy không liên tục, quyền bính có lúc bị ngắt quãng nhưng trước sau, xét về danh nghĩa nhà Hậu Lê là triều đại có nhiều đời vua nhất, truyền ngôi lâu dài nhất so với các triều đại trước và sau đó.
Nguồn: Lê Thái Dũng(Dân Việt)
Bình luận