• Zalo

Bí ẩn những mê cung đá 5.000 tuổi bên bờ Biển Trắng

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 25/10/2014 07:19:00 +07:00Google News

(VTC News) – Trên hòn đảo xa xôi bên bờ Biển Trắng của nước Nga, một loạt các mê cung có niên đại từ thời kỳ Đồ đá mới.

(VTC News) – Trên hòn đảo xa xôi bên bờ Biển Trắng của nước Nga, một loạt các mê cung có niên đại từ thời kỳ Đồ đá mới hiện vẫn còn gần như nguyên vẹn, cùng với những bí ẩn không lời giải.


Quần đảo Solovetsky (hay Solovki) là tập hợp những hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Onega thuộc vùng Biển Trắng của nước Nga. Khu vực xa xôi hẻo lánh này, không ai ngờ lại ẩn chứa rất nhiều những di chỉ khảo cổ có niên đại hàng ngàn năm và vẫn còn đầy bí ẩn.

Có thể gọi Solovetsky là xứ sở của những mê cung cũng chẳng sai. Bởi ở đây người ta tìm thấy có đến 35 cấu trúc mê cung bằng đá có niên đại hơn 5.000 năm tuổi. Chúng được người dân địa phương gọi là các “vavilons” (“Babylons”).

Trong số các mê cung được tìm thấy, đáng chú ý hơn cả là những cấu trúc trên hòn đảo Bolshoi Zayatsky, bao gồm 14 mê cung tại một khu vực chỉ rộng chừng 0.4 km vuông trên đảo.

Chúng được bảo quản rất tốt và đã trở thành một địa điểm nghiên cứu quen thuộc của giới khảo cổ học từ bấy lâu nay. Ấy thế mà cho đến thời điểm hiện tại, mọi thông tin về các công trình xây dựng cổ đại đáng kinh ngạc này, dường như vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.
Một mê cung đá còn khá nguyên vẹn trên đảo Bolshoi Zayatsky
Người ta không thể xác định được thế lực nào đủ khả năng, đồng thời đã bỏ ra rất nhiều công sức cùng trí tuệ để làm nên các cấu trúc kỳ lạ và đầy bí ẩn này, ngay từ buổi sơ khai của nhân loại trên trái đất, cũng như lý do mà chúng được tạo ra.

Rải rác khắp nơi trên đảo còn có rất nhiều (khoảng 850) những đống đá đổ nát “phi tự nhiên”, thậm chí còn chứa cả những mảnh xương bên trong đó.

Một số cấu trúc bằng đá khác cũng được tìm thấy ở đây, bao gồm một mô hình biểu diễn mặt trời khá hoàn chỉnh với những đường ánh sáng xuyên tâm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự tồn tại các cấu trúc mê cung thời cổ, thông thường có liên quan mật thiết với tín ngưỡng tâm linh, có thể chính là tượng trưng cho cánh cổng kết nối giữa trần gian và thế giới ngầm – nơi trú ẩn của linh hồn người chết.

Các mê cung trên đảo được tạo nên từ những bức tường bằng đá xây kiên cố trên mặt đất, những tảng đá đều được lấy từ các mỏ tại địa phương.
Những di chỉ thời kỳ đồ đá mới, đổ nát, nằm rải rác khắp nơi trên hòn đảo 
Đây là dạng mê cung có cấu trúc hình xoắn ốc với những vòng tròn đồng tâm kết hợp với nhau. Cái nhỏ nhất có đường kính chừng 6 mét trong khi lớn nhất là khoảng 25.4 mét.

Một số mê cung còn được thiết kế với dạng hai hình xoắn ốc tương giao, mô tả giống như hai con rắn cuộn tròn với phần đầu cùng chụm vào ở giữa.

Cửa vào của những mê cùng này chủ yếu nằm ở phía Nam. Và mặc dù có tới 5 biến thể khác nhau về cấu trúc mê cung, tất cả đều chỉ có một lối vào, đồng thời cũng là lối ra duy nhất.

Tất cả các mê cung trên đảo Bolshoi Zayatsky đều nằm ở phía Tây của hòn đảo. Ở phía Đông, mặc dù cũng xuất hiện rất nhiều những bức tường bằng đá, nhưng không phải mê cung.

Hiện nay, mặc dù phần lớn những bức tường đá tạo thành mê cung đều đã bị các bụi cây phát triển bao trùm lên, song vẫn dễ dàng nhận ra hình dạng ban đầu của chúng.

Nhiều giả thuyết cũng được đưa ra để lý giải nguyên nhân mà những người định cư thời đồ đá của quần đảo Solovetsky đã dành tâm huyết và nỗ lực để xây dựng các mê cung.

Trong những năm 1970, giả thuyết chiếm được nhiều ưu thế được đưa ra bởi N. Gurina, cho rằng các mê cung được tạo ra để dùng làm… bẫy cá.
Các mê cung chủ yếu được tìm thấy ở bờ biển phía Tây của đảo 
Bằng chứng xuất phát từ thực tế là tất cả các mê cung tại đây đều được xây dựng gần với mực nước biển. Và 5.000 năm trước, vào thời điểm mà người ta tin rằng các mê cung bắt đầu được xây dựng, thì mực nước cao hơn rất nhiều.

Gurina cho rằng mục đích của những người cổ đại là xây dựng một dạng “bẫy cá” khổng lồ, nơi mà cá tôm sẽ theo các lối đi vào rồi mắc kẹt lại trong mê cung, để rồi người ta có thể dễ dàng thu hoạch chúng.

Tuy nhiên lỗ hổng lớn nhất trong lập luận này là có rất nhiều các mê cung khác được tìm thấy nằm sâu trên đất liền, cả những nơi khô cằn nhất trên thế giới.

Nhà nghiên cứu L. Ershov lại có một giả thuyết khác. Ông khẳng định rằng những đường lối của mê cung chính là sự phản ánh đồng thời quỹ đạo của mặt trời và mặt trăng, nhờ đó mà chúng có chức năng giống như một dạng “lịch” của người cổ đại.

Giả thuyết này cũng vấp phải rất nhiều tranh cãi, bởi các mê cung này đều không có một lối vào có hướng phù hợp với các đặc điểm thiên văn, giống như những công trình dạng lịch khác thường có.

Một luận điểm khác cũng khá phổ biến hiện nay, đặc biệt trong giới tâm linh huyền bí, cho rằng mê cung là một biểu tượng cổ xưa có liên quan đến “sự hoàn thiện”. Nó kết hợp các hình ảnh của hình tròn và hình xoắn ốc thành một con đường uốn khúc, phức tạp nhưng có mục đích.
Cây bụi mọc phủ đầy lên những bức tường đá của mê cung 
Những người này cho rằng mê cung đại diện cho cuộc hành trình đi đến trung tâm thế giới rồi lại trở về. Đi vào mê cung có thể coi là một khởi đầu của “hành trình tri thức”.

Người ta tin rằng bước đi trên con đường của mê cung mang lại một sự thay đổi lớn lao về ý thức và nhận thức về thời gian, không gian…

Mỗi người mỗi ý, khi mà chưa có bất cứ luận chứng khoa học nào được tìm thấy trên thực tế, thì người ta vẫn tiếp tục các cuộc tranh cãi không hồi kết của mình.

Tuy nhiên, lý thuyết được giới nghiên cứu và phần lớn người dân tin tưởng nhất, cho rằng việc xây dựng các mê cung có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo của người cổ đại.

Mê cung thời tiền sử được cho là để bắt giữ và giam cầm những loài yêu ma quỷ quái, đồng thời cũng là biểu tượng cho các rào cản của thế giới này với thế giới bên kia.

Các nhà nghiên cứu cho rằng mê cung được xây nên nhằm phục vụ những nghi lễ giúp cho linh hồn của người đã chết vượt qua địa ngục.

Những mê cung này cũng từng được nhắc đến trong các truyền thuyết địa phương, như là một “cửa ngõ vào ra” của một vương quốc dưới lòng đất mà chỉ có những người biết “chìa khóa ma thuật” mới đủ khả năng khai mở.

Sự giải thích này xem ra khá phù hợp với lý thuyết “Ba thế giới” khá phổ biến trong tín ngưỡng của con người thời tiền sử.

Theo đó người xưa tin rằng vũ trụ được tách thành 3 phần: một thế giới dưới lòng đất – nơi trú ngụ của linh hồn người chết; trần gian của người sống; và một thế giới trên cao của những ngôi sao, đám mây và các vị thần.

Mãi cho đến ngày nay, các hải đảo xa xôi ở phía Bắc của nước Nga vẫn là những nơi hoang vắng và kỳ lạ nhất trên thế giới. Sự tồn tại của các mê cung đá cả ngàn năm tuổi, càng góp phần làm cho nơi đây thêm bí ẩn và thu hút sự tò mò của du khách thập phương.


Thái Hồ

Bình luận
vtcnews.vn