Bây giờ, dịch vụ xăm trên cơ thể người nở rộ khắp nơi, họ thỏa sức vẽ trăm thứ bà rằn tây, tàu lẫn lộn trên xác thân mình và đồng loại. Thậm chí người ta còn xăm những hình thù quái dị và hư đốn nhất ở những nơi tưởng như tuyệt mật của da thịt người.
Còn những hình xăm đến từ cổ xưa, đầy bí ẩn, với ý nghĩa nguyên thủy nhất của nó thì ít lắm. Chỉ vài người, hoặc già cả ở biên thùy xa ngái, hoặc các nhóm người ở nơi thượng nguồn heo hút là còn sót lại mấy hình xăm lạ lùng.
Trong các chuyến khám phá Việt Nam mê mải và kỳ khu của mình, thảng hoặc, chúng tôi gặp những gương mặt chi chít vẽ đủ thứ hoa văn, khi hình quả trám, lúc hình chim chóc, lúc lại là cả các vòng tròn bí ẩn kéo ngang trán, trườn dọc xuống hai má, bao quanh cằm… khiến cho gương mặt như chít khăn, như bó buộc bằng dây vải đen tuyền! Nhiều khoang miệng còn đen sậm với những ô vuông ô chéo kỳ dị đến mức ai đó đã gọi nôm na đây là thủ tục “xăm cằm”, “rọ mồm” người phụ nữ. Đó là một số phụ nữ dân tộc Mảng ở Lai Châu, là đàn bà con gái dân tộc Brâu ở ngã ba Đông Dương.
Cà răng, căng tai, “vẽ nhọ bôi hề”
Một điều bất ngờ là: ở bản Đắc Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum - nơi tôi đã sửng sốt gặp những người đàn bà Brâu xăm mặt chi chít chằng chịt nhom nhem đen nhoáy - bà con rất tự hào vì những hình xăm như “vẽ nhọ bôi hề” đó. Các hình họa ngộ nghĩnh kia mãi mãi còn là dấu hỏi thách thức sự khám phá của giới khoa học. Với người Brâu, đó là biểu hiện của sự quý tộc, quyến rũ, quyền lực và giàu có.
Dân tộc Brâu còn nặng chế độ mẫu hệ, người nào có đủ năng lực ưu việt đến mức lấy được… nhiều chồng, thì người đó sẽ có nhiều hình xăm hơn.
Bà Nang Grâu, một người Brâu ở Đắc Mế đã rất già, hiện còn lưu giữ hình xăm viền quanh gương mặt, tự hào khoe: “Phụ nữ người Brâu ai cũng họ Nang, và đàn ông thì ai cũng họ Thao. Xưa kia, đàn bà Đắc Mế, cũng như đàn bà Brâu ở cả bên Lào, bên Campuchia láng giềng, ai cũng xăm mặt. Cái mặt đẹp thì phải có hình xăm chứ. Bà Grâu lấy hai chồng mà!”.
Bà cụ cười hiền khô, cái tai bà bị căng suốt từ lúc mới 5 tuổi đầu (lễ xâu tai) rồi đeo đủ thứ vòng vèo trang sức nặng trĩu, đến nay đã ngoại tám chục tuổi giời, đôi vành tai thõng chảy đó đã rộng đến mức đút vừa cả cái cốc uống bia hơi. Theo thói quen, vành tai người phụ nữ giàu thì được nong vào đó một miếng ngà voi tròn, to làm vật trang trí. Bà Grâu cũng từng đeo miếng ngà voi, nhưng vì nghèo, bà đã bán nốt cả cái miếng ngà từng gắn bó với mình hơn 70 năm ròng để lấy tiền đong gạo.
Trong làng Đắc Mế, nhiều người lỗ căng tai bé hơn bà Grâu cũng bán mất miếng ngà voi đã gắn bó như da thịt mình bao năm kia, họ nhét cái nút chai Lavie trăng trắng vào cho đỡ trống trải. Căng tai, căng đến độ vành tai chảy thõng thượt xuống tận bả vai, vắt chéo thì có thể chạm vào… hàm răng mình, như thế người đàn bà Brâu mới coi là đẹp đẽ, quyền quý, giàu sang.
“Cà răng căng tai” là tục lệ mà người Brâu và không ít dân tộc khác ở Tây Nguyên luôn tự hào. Họ tuân thủ một cách đắm đuối. Họ lấy đá mài răng mình, mài mòn vẹt đi, có người răng chỉ cao hơn chân lợi một tí thôi, rồi phải liên tục lấy nhựa cây “nhuộm răng vẽ mặt” ngậm suốt mấy tháng ròng, ngậm bao giờ răng đen bóng “vĩnh cửu” thì thôi.
Như thế được coi là đẹp, là đáng để lúc làm duyên thì phô đôi hàm ngọc đen nhoáy. Có nhà khoa học giải thích: bà con theo nghi lễ nông nghiệp, thờ thần lúa và con trâu cày ruộng gọi mùa màng về, nên họ phải cà răng để cho răng mình giống răng con trâu mòn và bằng phẳng. Họ làm lễ đâm trâu cũng trong suy nghĩ ấy.
Niềm tin tâm linh hay là sự hành hạ thân xác?
Những người phụ nữ Brâu luôn có cảm hứng khoe các “thành quả” tín ngưỡng, các quan niệm rất hồn nhiên và nguyên thủy ấy. Thế nhưng, nhìn hàm răng mòn sát chân lợi, lại nhìn vòng lỗ tai bị dùi thủng và nong rộng của họ, tôi luôn có cảm giác xót xa. Nó giống như một điều gì hơi phản nhân văn, hơi nhẫn tâm với tấm thân ngà ngọc của người đàn bà Brâu côi cút trong rừng già Ngã ba Đông Dương chăng?
Trước khi có lễ xăm mặt diễn ra, người phụ nữ của buôn làng phải vào rừng sâu lấy gai to và nhọn, họ chọn những loại lá bí hiểm về ngâm tẩm. Họ bóc vỏ, giã nhỏ, ngâm lá và vỏ cây với nước, gạn chắt chưng cất để thành mực xăm. Sau nghi thức cúng thần linh cẩn trọng và rườm rà, người ta trói cô gái bị “hành lễ” vào một sàn mới dựng gồm nhiều cây gỗ tươi buộc lại, bên trên trải đệm bông lau hoặc chăn chiên truyền thống.
Giàn gỗ dựng cao ngang ngực người lớn, thường là ở đầu bản làng. Bốn người lực lưỡng đứng dưới đất, thò tay giữ hai tay hai chân cô gái lại (dù lúc đó tứ chi của nàng đã bị trói) để đề phòng khi đau đớn quá thiếu nữ có thể vùng vẫy ra được. Lúc đó các nhát đâm gai chệch sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Có thể nàng bị chọc mù mắt. Chắc chắn sẽ bị chư thần quở trách. Và, người đàn bà “phù thủy” có tài xăm trổ được bản làng bầu chọn ra bắt đầu tự tin quỳ trên giàn gỗ, ngay kề hai đầu gối bà là gương mặt non tơ của cô gái mới lớn. Bà đâm và chọc rất rất bạo tay. Máu chảy đầm đìa, tiếng gào thét rợn óc.
Xăm xong, suốt thời gian dài, ngồi bên bếp lửa, người phụ nữ lại kỳ công chọn cây gỗ nào đó mà khi đốt bọt và nước chảy xèo xèo, sùi ra đen nhánh, rồi quệt lấy nước ấy bôi lên hình xăm trên mặt mình, quệt vào các chân răng đã bị đá suối mài cho mòn vẹt. Cả răng và hình xăm đều cần phải đen hơn nữa thì mới đẹp. Suốt mấy tháng cô gái không được rửa mặt! Làm như vậy thì màu đen như vành khăn, như diềm đăng ten giăng mắc bí ẩn trên mặt cô gái ấy nó mới bền màu.
Khác với xăm thẩm mỹ chỉ khơi khơi bới bới trên biểu bì da mà vẫn phải gây mê cục bộ bây giờ, người vùng sâu vùng xa, họ xăm mặt theo phong tục cổ xưa. Họ xăm thật, chọc thật, không có thuốc gây mê, không có hóa chất hay công nghệ hiện đại nào hỗ trợ. Nó là một sự hành xác, bên cạnh các ý nghĩa tâm linh khác.
Gương mặt người đàn bà như hoa như phấn trở nên sưng tấy, có khi hai ba tuần vẫn còn đau đớn, có khi mưng mủ tưởng như chết đi sống lại. Nhiều người không biết ý nghĩa của các hình xăm, họ chỉ hồn nhiên tin rằng, phải như thế thì mới được là gái ngoan gái đảm, đắt chồng và quyền quý. Bởi xăm là một đẳng cấp của buôn làng, ai muốn xăm phải được hội đồng già làng đồng ý.
Một dân tộc khác cũng có tục xăm mặt là dân tộc Mảng. Nhận thấy “nét văn hóa” xăm cằm (xăm mặt) của người dân tộc Mảng có nguy cơ thất truyền, vừa qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã tổ chức phục dựng lễ xăm mặt độc đáo theo nghi thức truyền thống tại xã Bum Nưa, huyện Mường Tè. Buổi lễ trang nghiêm, với quan niệm vạn vật hữu linh, bà con thành kính xin phép trời đất, thần linh, tổ tiên để được… dựng sàn gỗ, trói một cô gái lại, bốn người giữ hai tay và hai chân, rồi người đàn bà có kinh nghiệm xăm mặt nhất bản tiến hành công việc khá rùng rợn. Cô gái trẻ trung, hiền thục nhất cứ run lên vì đau đớn…
Câu chuyện về xăm mặt cổ xưa được người già dân tộc Mảng kể lại: họ phải lấy lá cây la hủy trong rừng sâu, bóc vỏ ngâm vào nước để lấy thứ mực xăm đen kịt. Họ dùng 8 cái gai rừng to lớn, chọc vào tận… xương cằm, xương má, chọc qua má chạm vào tận… răng của cô gái. Lỗ chọc càng to, càng sâu, thì khi phết nước cây la hủy vào, hình càng rõ, màu càng bền chặt. Các hình vẽ sẽ theo cô gái đi hết cuộc đời. Người Mảng tin rằng, với hình xăm trên mặt, họ sẽ không bị thú dữ ăn thịt.
Theo truyện cổ dân tộc Mảng, có người vợ hư hỏng, đấng thần linh bày kế cho chồng phải khâu mồm vợ lại thì sẽ thuận hòa, anh chồng nghĩ đi nghĩ lại vừa trách lại vừa thương vợ lắm. Anh chỉ còn cách dùng gai chấm những nốt giống như kim châm, vạch những đường như chỉ nối màu đen quanh miệng, quanh mặt vợ thì Thần linh sẽ nghĩ rằng người vợ đã được khâu mồm. Mà bùa phép ấy làm cho vợ ngoan vẫn ứng nghiệm. Từ đó họ tin, khi người vợ có hình xăm, vợ chồng họ sẽ thương yêu nhau hơn (cũng từ tích đó, có thể hiểu hình xăm vốn là sự trừng phạt, sự hành xác!). Họ sẽ được trời đất chở che.
Họ lại sợ rằng, nếu phụ nữ không xăm mặt sẽ không được về với tổ tiên khi hết tuổi trần. Họ sẽ bị trừng trị đeo một chiếc cối đá dùng để giã ngô, mà quai đeo cối là con rắn hổ mang khổng lồ cuồn cuộn, họ phải đi qua cây cầu lắt lẻo làm bằng một cây luồng mà không hề có tay vịn. Dường như, với bà con, xăm là một tục lệ nguyên thủy, là một tín ngưỡng của người Mảng. Chị Chơn ở bản Pá On là người cuối cùng đánh dấu sự cáo chung của tục xăm mặt nguyên bản từ ngàn năm truyền lại.
Năm 1990, người ta trói chị lại khi chị vừa về nhà chồng được vài ngày, những chiếc gai rừng sắc nhọn và to lớn được từ từ găm khắp khoang miệng và gò má chị, máu chảy lêu lao. Chị vùng vẫy đến kiệt sức, cho dù trước đó vài phút, chị tự nguyện vẽ mặt để giống tổ tiên mình, để khẳng định đẳng cấp của mình.
Vượt lên trên cái bát nháo loạn xị ngậu của những hình xăm phố thị thời mới, các vết mực gai rừng, lá núi ỏn sót, mờ mịt và chứa nhiều bí ẩn trên gương mặt người đàn bà các dân tộc Mảng, Brâu ở nơi xa thăm thẳm biên thùy nước Việt kia luôn gợi cho chúng ta thật nhiều suy ngẫm và trải nghiệm thấm thía. Dường như, tục lệ nguyên thủy ấy, vẻ đẹp cổ sơ ấy vẫn còn thách thức kho tàng hiểu biết và cả những xúc cảm thương mến của mỗi chúng ta.
Nguồn: Đỗ Doãn Hoàng(Công an nhân dân)
Bình luận