• Zalo

Bí ẩn 'lời nguyền khiến triều Thanh sụp đổ trong tay Từ Hy Thái hậu'

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 25/07/2023 14:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc triều Thanh sụp đổ trong tay Từ Hy Thái hậu bị cho là sự ứng nghiệm của lời nguyền mà vị thủ lĩnh gia tộc bà phát ra trước khi bị bức tử gần 300 năm trước đó.

Từ Hy Thái hậu (1833 –1908) là một trong những phụ nữ quyền lực nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc, dù không ngồi trên ngai vàng nhưng vẫn được ví với Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên, trong khi Nữ hoàng Võ Tắc Thiên góp phần tạo nên thời đại thịnh trị thì Thái hậu Từ Hy, ngược lại, có trách nhiệm rất lớn trong sự sa sút thực lực, vị thế của Trung Quốc cuối thế kỷ 19, dẫn đến sự chấm dứt của Thanh triều cũng như chế độ phong kiến ở nước này.

Những chính sách đối nội và đối ngoại của Từ Hy trong 5 thập kỷ cầm quyền khiến Trung Quốc suy yếu, lạc hậu trong khi phương Tây phát triển như vũ bão, khiến nước này trở thành miếng mồi cho thực dân phương Tây xâu xé. Ngay lúc hấp hối, bà còn cố thực hiện nốt một hành động thao túng - đặt đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi lên ngai vàng và đứa trẻ đó trở thành vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, cũng là của Trung Quốc. Ba năm sau khi Từ Hy mất, Cách mạng Tân Hợi nổ ra và hoàng triều sụp đổ. 

Từ Hy Thái hậu là người của tộc Diệp Hách Na Lạp.

Từ Hy Thái hậu là người của tộc Diệp Hách Na Lạp.

Lời nguyền Kim Đài Cát

Trong những câu chuyện, lời bàn về cuộc đời ly kỳ của Từ Hy Thái hậu, nhiều người Trung Quốc nói rằng, sự hiện diện của bà trong cung đình và những gì xảy ra sau đó chỉ là sự ứng nghiệm một lời nguyền từ đầu thế kỷ 17, lời nguyền của Kim Đài Cát, thủ lĩnh cuối cùng của tộc Diệp Hách Na Lạp. Từ Hy xuất thân từ tộc này.

Diệp Hách Na Lạp là một trong 4 nhánh của bộ tộc Na Lạp, một trong những tộc hùng mạnh của người Nữ Chân, sinh sống chủ yếu ở khu vực Mãn Châu, Trung Quốc ngày nay. Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, Ái Tân Giác La Nỗ Nhĩ Cáp Xích – thủ lĩnh tộc Nữ Chân Kiến Châu, người khai sáng vương triều nhà Thanh - chinh phạt các bộ tộc khác để thống nhất người Nữ Chân, trở thành vị thủ lĩnh hùng mạnh nhất khu vực này.

Dù cố gắng phản kháng, nhiều bộ tộc vẫn buộc phải cầu hòa bằng cách dâng các cô gái dòng dõi cao quý của mình làm thê thiếp cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích, và Diệp Hách cũng vậy. Mạnh Cổ Triết Triết, một trong những người vợ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích và là mẹ của Hoàng Thái Cực (Thanh Thái Tông, vị vua thứ hai của triều Thanh) cũng là người của Diệp Hách Na Lạp.

Nhưng chuyện liên hôn cũng chỉ giúp trì hoãn binh đao chứ không thể chặn đứng tham vọng của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, ông lần lượt phát động binh đao và đến đầu thế kỷ 17, Diệp Hách là nhánh cuối cùng của bộ tộc Na Lạp chưa bị thôn tính nhờ lợi thế liên minh thân thiết với triều đình nhà Minh ở trung nguyên. Tuy nhiên, tộc người này cũng không thể tránh được xu thế và bị đánh gục hoàn toàn vào năm 1619.  Vị thủ lĩnh cuối cùng là Kim Đài Cát bị bức tử. Tương truyền, trước khi qua đời, ông ta thốt lên một lời nguyền: Chỉ cần một hậu duệ của tộc Diệp Hách Na Lạp còn sống, dù là nam tử hay nữ tử, người đó sẽ luôn nhớ đến mối huyết thù của tộc mình và sẽ khiến dòng họ Ái Tân Giác La sụp đổ.

Thư phi trong "Hậu cung Như Ý truyện". Nguyên mẫu của nhân vật này là Thư phi của Càn Long, một nữ tử của tộc Diệp Hách Na Lạp.

Thư phi trong "Hậu cung Như Ý truyện". Nguyên mẫu của nhân vật này là Thư phi của Càn Long, một nữ tử của tộc Diệp Hách Na Lạp.

Tương truyền, các hoàng đế nhà Thanh sau đó đều rất “để bụng” lời nguyền này nên cực kỳ dè dặt, thận trọng với người Diệp Hách Na Lạp. Trong tiểu thuyết Hậu cung Như Ý truyện có đoạn, mỹ nhân Ý Hoan khi ra mắt Càn Long lập tức khiến hoàng đế này mê mẩn, nhưng khi cô nói mình là người Diệp Hách Na Lạp thì nhà vua “điếng người”, còn các phi tần xì xào không ngớt, dùng xuất thân đó để "dìm hàng" đối thủ. Điều đó cho thấy lời nguyền Kim Đài Cát đã ám ảnh hoàng tộc Ái Tân Giác La thế nào.

Sự thực ra sao?

Thực tế thì hậu cung và triều đình của các hoàng đế nhà Thanh có không ít nhân vật nổi tiếng, được trọng dụng hoặc sủng ái, đến từ tộc Diệp Hách Na Lạp, như Thư phi của Hoàng đế Càn Long (nguyên mẫu của nhân vật Ý Hoan trong Hậu cung Như Ý truyện). Đại thần Nạp Lan Minh Châu thời Khang Hy chính là cháu nội của Kim Đài Cát. Ông được giao chức Binh bộ Thượng thư kiêm Văn Hoa điện Đại học sỹ, Lại bộ Thượng thư, Võ Anh điện Đại học sỹ, được ban hàm Thái tử Thái sư, rồi hàm Thái tử Thái bảo, tập tước Nhất đẳng Công, uy vọng rất cao trong triều. Xuất thân của ông cũng được coi là xuất thân cao quý, uy vọng gia tộc được đánh giá là hiển hách.

Con trai Nạp Lan Minh Châu - Nạp Lan Tính Đức - cũng là đại học sỹ nổi tiếng đời Khang Hy, rất được vị hoàng đế này trọng dụng, yêu mến.

Về việc lời nguyền của Kim Đài Cát ứng nghiệm vào Từ Hy Thái hậu - nữ tử của Diệp Hách Na Lạp, các nhà nghiên cứu cho biết Từ Hy tuy xuất thân từ tộc Diệp Hách nhưng thực tế bà không phải hậu duệ của Kim Đài Cát hay các thủ lĩnh khác của tộc này. Tổ tiên của Từ Hy vốn là người nơi khác, về sau mới đến vùng đất của tộc Diệp Hách, nhờ quân công mà có thành tựu ở đây, nhưng cũng không được tính là gia tộc có uy vọng lớn.

Ngoài ra, nhiều học giả cho rằng, câu chuyện về lời nguyền của Kim Đài Cát không phải được lan truyền từ mấy trăm năm trước mà mới được thêu dệt từ thời Trung Hoa Dân quốc, nghĩa là khi triều Thanh đã sụp đổ. Mặt khác, trách nhiệm về sự sụp đổ của Thanh triều cũng như sự kết thúc của chế độ phong kiến ở Trung Quốc không thể quy hết cho Từ Hy mà còn do sự mục ruỗng từ trước của vương triều này, cũng như sự phát triển của thời thế đầu thế kỷ 20. 

Vì thế, lời nguyền gia tộc gắn với Từ Hy Thái hậu cũng chỉ nên xem là câu chuyện ly kỳ để giải trí mà thôi.

Trần Lâm
Bình luận
vtcnews.vn