Người nào được mang túi bùa này sẽ tránh được ma tà và được cả xứ Mường nể trọng. Túi bùa còn là tài sản lớn, vô giá được truyền từ đời này sang đời khác..
Nhà mo Lựng ở giữa bản Lầm (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình). Phía trong ngôi nhà sàn 5 gian rộng rãi, thoáng mát, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng. Trong số những đồ vật quen thuộc của người Mường được trưng bày như sừng trâu, sừng sơn dương treo ở cột nhà sàn, chúng tôi thấy ở gian ngoài cùng của ngôi nhà mo Lựng treo rất nhiều thứ. Chỗ đó còn là nơi đặt bàn thờ cúng tổ tiên của mo Lựng. Cạnh bàn thờ là vô số khâu dao được ông xỏ chúng lại vào mấy con sào.
“Khâu dao để làm vía khi đi mo đấy, chúng có tác dụng trừ âm, tạo dương khí… Khi đọc mo, tôi thường đeo chúng vào đầu ngón chân với mục đích trừ ma tà. Con dao rất quen thuộc với người Mường; đi nương, đi rẫy đám trai Mường đều dắt theo con dao bên sườn. Do vậy khâu dao có tính dương khí rất mạnh”, mo Lựng cho biết.
Túi khót thiêng và vô giá
Sau một hồi tiếp chuyện, uống với nhau vài chén rượu, hỏi han chuyện gia đình, bản quán, khi giữa chủ và khách đã không còn khoảng cách, mo Lựng mới mở lòng: "Tôi đang giữ túi khót thiêng của dòng họ Bùi ở Mường Bi. Trong số những thầy mo ở xứ Mường hiện chỉ tôi mới có đầy đủ những vật thiêng mà thầy mo cần có"…
Mo Lựng đang là người giữ gìn những vật thiêng của dòng họ Bùi |
Nghe mo Lựng nói vậy, chúng tôi nóng lòng muốn xem túi khót thiêng đó, mo Lựng giơ tay lên ngăn lại: “Ấy dà, cái này chỉ những người thân thiết lắm mới được xem. Không phải ai cũng có cơ duyên được tận mắt thấy những thứ này đâu”. Trước khi hạ túi bùa thiêng để ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà xuống, mo Lựng đã diễn xướng cho chúng tôi nghe nhiều bài mo.
Trong đó có bài đón khách đến chơi nhà, tuy không hiểu được tiếng Mường nhưng qua âm điệu êm ái và nét mặt của mo Lựng khi diễn xướng, chúng tôi cảm thấy được sự đón tiếp nồng hậu. Khi mo hết một bài, ông Lựng mới nhẹ nhàng đứng dậy, ông vuốt nếp quần áo cho phẳng rồi dùng 2 tay kính cẩn khấn vái tổ tiên, sau đó mới hạ túi khót thiêng xuống. Tất cả mọi hành động của ông đều tỏ một lòng thành kính với tổ tiên.
Những đồ vật quý được đựng trong túi lưới. Mo Lựng nhẹ nhàng mở túi lưới ra cho người khách lạ chiêm ngưỡng. Đôi bàn tay mo Lựng run run khi lấy từng đồ vật trong túi ra. Những bảo bối tưởng như đã thất truyền và rơi vào tủ trưng bày của những tay buôn đồ cổ thì mo Lựng vẫn giữ được cả. Giống như một người kiểm kê ở kho cổ vật, mo Lựng lần lượt giới thiệu, thứ có màu vàng dài gần 20cm cong vút lên kia là răng lợn lòi, rồi răng hổ, sừng sơn dương cùng nhiều hòn đá giống như các công cụ của người thời tiền sử.
Răng đười ươi |
Bộ răng lợn lòi |
Trước khi đến nhà mo Lựng, tôi may mắn được gặp mấy vị chức sắc của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, họ bảo rằng, mo Lựng có những thứ đồ cổ đến ngay cả các nhà khảo cứu văn hoá đều bất ngờ. Vì trước đây họ chỉ biết người Mường dùng đá quý, gỗ hóa thạch, rìu đồng của thời Đông Sơn và những cổ vật bằng đá để làm bùa trong nghi lễ cầu mùa, giải hạn, làm nhà mới, tang ma... chứ chưa biết những thứ đó đặc biệt hiệu nghiệm để trị liệu sức khỏe.
Mo Lựng bảo rằng: “Nhà nào có người bị ốm đau, tôi đổ các thứ đựng trong túi bùa ra chiếc chậu sạch, lấy chai nước suối đầu nguồn hoặc chai nước tinh khiết ngâm chúng và trì chú một số đoạn trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, rồi cho người bệnh rửa mặt và uống thứ nước đó”. Không những vậy, trong số những vật quý này có sừng của con sơn dương trị cảm mạo rất hiệu quả. Cách làm rất đơn giản, dùng tro nóng cho vào trong sừng sơn dương rồi áp vào trán của người bị cảm. Chỉ sau đôi lần là cảm mạo bay đi cả.
Mọ Lựng luôn tự hào rằng: “Ở cái bản Lầm này, từ trước đến nay chẳng ai phải uống thuốc cảm cả. Vì sao sừng sơn dương lại chữa được khỏi bệnh cảm, ngay cả tôi cũng không giải thích được. Các cụ trước đây bảo như vậy nên đời chúng tôi cứ thế mà theo”.
Túi bùa của dòng họ Bùi có đủ thứ đá quý độc đáo, có thể trị từ những vết thương sưng tấy đến thấp khớp. Những vật thiêng trong túi bùa của mo Lựng được lưu truyền qua rất nhiều đời nên rất cổ và nhẵn bóng. Túi bùa của mo Lựng có thạch anh trắng, nhiều đồ vật đã hóa thạch với đá cuội, lưỡi rìu xéo bằng đồng thau có pha vàng, đặc biệt là chiếc chuông đồng cổ để làm phép. Chiếc chuông này đã mòn vẹt, xung quanh khắc chữ Hán cổ. Đi cùng bộ với chiếc chuông đồng nhỏ là 1 con nghê to bằng ngón tay. Con nghê này rất nặng nghe đâu được làm từ vàng ròng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia văn hóa Phần Lan, chiếng chuông cổ có niên đại hơn 2.000 năm.
Chiếc chuông cổ niên đại hơn 2000 năm |
Trong số bảo bối dòng họ Bùi có bộ răng hàm tinh tinh hóa thạch là vật thiêng độc nhất vô nhị, cả Mường Bi không ai có.
Trong túi còn có 2 răng cửa hà mã, hàm tinh tinh, thạch anh, sừng tê giác... hoá thạch làm tăng linh khí cho con người, nhất là đàn ông yếu sinh lực.
7 đời làm thầy mo
Ông Lựng sinh ra trong một gia đình đông anh em. Ông nội của mo Lựng là đời mo thứ 6 và đến đời mo Lựng là đời thứ 7 được hưởng lộc làm thầy mo. Theo lời mo Lựng, năm 29 tuổi ông mới chính thức được truyền dạy các bài mo.
Mỗi lần ông nội đi cúng lễ ở đâu, mo Lựng được cắp tráp theo hầu. Khi ông nội đọc các bài mo, người học phải nằm ở 1 góc nhà và tự ghi nhớ lấy. Nếu chỉ học mo theo cách đơn thuần là học thuộc lòng theo sách thì rất khó nhớ. Cách học mo dễ hiểu nhất là ghi âm mo ra sách, đọc vài lần và chủ yếu là thực hành trên thực tế gắn liền với ghi lễ. Vừa đọc sách, vừa thực hành sẽ bổ trợ cho nhau rất nhiều.
Thực tế là các bài mo có khi dài vài chục nghìn câu thơ mà học thuộc lòng sẽ rất khó. Mo Lựng bảo, học được các bài mo còn được tiếp sức của các cụ tổ tiên nữa. Thường trong lúc ngủ mo Lựng được họ truyền dạy.
Chẳng thế mà trong thời gian ngắn ông đã có thể thuộc nằm lòng sử thi “Tá cần, tá cài” (Đẻ đất, đẻ nước). Độ dài của sử thi này là 500 trang sách. Với một người bình thường có học cả đời cũng không thể học thuộc lòng cuốn sử thi này. Chỉ có những người được người âm giúp mới học được. Không những thế, mo Lựng còn thuộc hàng nghìn bài mo khác.
Nguồn: Linh Nhi (NNVN)
Bình luận