• Zalo

Bí ẩn kho vàng khổng lồ chôn dưới gốc cây chùa Hoa Tiên

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 08/10/2016 07:05:00 +07:00Google News

Chùa Hoa Tiên hiện vẫn còn lưu giữ pho tượng phật lồi đầy bí ẩn và câu chuyện “kho vàng Hời” của người Chăm chôn dưới gốc cây cốc đại thụ được “canh giữ”...

Nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ pho tượng phật lồi đầy bí ẩn và câu chuyện “kho vàng Hời” của người Chăm chôn dưới gốc cây cốc đại thụ được “canh giữ” bởi cặp rắn khổng lồ và niêm phong bằng “trận đồ bát quái”.

Ngôi chùa cổ kính

Vừa đặt chân tới chùa Hoa Tiên, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là 2 cây xà cừ cao lớn trước cổng chùa, gốc cây to nổi nhiều u sần sùi giống như 2 “thần mộc” đang đứng canh gác, bảo vệ, che bóng mát quanh năm cho ngôi chùa.

Theo thi sĩ Quách Tấn, tác giả "Xứ trầm hương", chùa Hoa Tiên vốn là quan tự, được xây dựng từ năm Gia Long thứ 10, tức năm 1811. Chùa ngày xưa thờ Quan Thánh đời Tam quốc, ở gian giữa thờ bà Thiên Y A Na ở bên hữu, thờ phật ở bên tả.

Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), chùa được giao cho làng quản lý. Kể từ đó, chùa trở thành địa chỉ tâm linh quan trọng của người dân trong vùng. Đến thời Bảo Đại (1924-1945), hưởng ứng phong trào chấn hưng phật giáo, làng bèn đổi chùa thờ thánh thành chùa thờ phật.

665x448_13-43-57_1

 Chùa Hoa Tiên ngày nay vẫn giữ nét cổ kính

Ban đầu, một số hào mục không chịu, nhưng sau Quan Thánh giáng cơ, phán rằng: Việc dùng chùa ngài thờ phật là việc chính đáng, bởi phật là đấng chí tôn. Huống hồ ngài cũng đã quy y tam bảo. Thế là, kể từ đó làng bèn thỉnh tượng phật vào thờ gian giữa, rước tượng thánh sang thờ gian tả, còn gian hữu vẫn thờ bà Thiên Y A Na.

Tiếp chúng tôi là nhà sư Thích Chơn Đạo, trụ trì chùa Hoa Tiên và nhiều phật tử ở chùa. Qua trò chuyện được biết, tính đến nay ngôi chùa đã trải qua 8 đời nhà sư trụ trì. Trải qua thời gian, cảnh vật ở chùa đã khá nhiều biến đổi và đã được trùng tu nhưng vẫn giữ được vẻ Á Đông cổ kính.

13-43-57_2

 Chùa trước đây hướng Tây Bắc và trước mặt là con sông Cái nước chảy từ Tây xuống Đông

13-43-57_3

 Sau này chùa Hoa Tiên mở hướng quay ra QL 1A để thuận tiện đi lại

Trước kia, chùa hướng về Tây Bắc. Trước mặt, con sông Cái nước chảy từ Tây sang Đông, mở vọng cảnh của chùa thêm rộng. Vườn chùa cũng khá rộng, lại nhiều cây cao rậm nên quang cảnh từ trong ra ngoài đều đượm khí vị thiền lâm. Ngày nay, chùa mở hướng Đông giáp QL 1A nhằm thuận tiện cho việc đi lại cho các tăng ni, phật tử.

“Trước đây chùa rất rộng, bao quanh chùa là cây đại thụ, tán lá um tùm và vườn cây ăn quả nên quang cảnh trong ngoài đượm khí vị chốn thiền lâm. Nhưng qua bao biến chuyển của thời gian, thời cuộc nên ngôi chùa giờ đã bị thu hẹp dần”, nhà sư Thích Chơn Đạo tâm sự.

Chuyện pho tượng phật lồi

Trò chuyện với sư thầy và các phật tử, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện ly kỳ và đầy huyền bí liên quan đến chùa. Nhà sư Thích Chơn Đạo cho biết, chùa Hoa Tiên vốn đã nổi tiếng từ xưa đến nay và hiếm có ngôi cổ tự nào ở huyện còn lưu giữ được nhiều huyền tích ly kỳ và những dấu ấn hàng trăm năm như chùa Hoa Tiên.

Ở chùa hiện còn giữ nhiều sắc phong, câu đối sơn son thếp vàng được các triều vua Nguyễn sắc tặng và nhiều pho tượng cổ tương truyền được nhiều vị quan, hoàng thân quốc thích, nhà giàu có dâng cúng phật và bà Thiên Y A Na. Ngoài ra, còn có pho tượng phật được đẽo tạc bằng đá xanh hiếm thấy trên đời.

Nhắc đến pho tượng phật lồi, nhà sư Thích Chơn Đạo cho kể, 2 pho tượng này được người dân trong vùng phát hiện trong quá trình đào giếng xây chùa. Pho tượng đá có nét mặt người đàn bà giống chân dung của thần nữ Ponagar nên thỉnh vào chùa thờ phụng. Vì tin bà Thiên Y là Bồ Tát như đức Quán Thế Âm nên dân làng đặt tên tượng là Phật Tỉnh.

13-43-57_4

 Nhà sư Thích Chơn Đạo, trụ trì chùa Hoa Tiên

Khi được chiêm ngưỡng chúng tôi thấy 2 pho tượng phật này quả là “có một không hai” như lời đồn đại. Hiện nhà chùa đặt pho tượng ở vị trí trang nghiêm thờ phụng và được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, đáng chú ý có một pho tượng đầu rời khỏi cổ. Hỏi các sư thầy vì sao pho tượng lạ kỳ này lại không có đầu? Các sư thầy cho biết, trước đây pho tượng cổ này rất nguyên vẹn chứ không phải như hiện nay.

Tương truyền rằng, hàng trăm năm trước khi tượng phật lồi từ gốc cây cốc nhoi lên mặt đất nên nhà sư đã mang vào chùa thờ. Không ngờ đến nửa đêm thì tượng phật bỗng dưng rơi xuống đất, đầu lìa khỏi thân như không muốn rời xa cây cốc cổ thụ kia. Theo thời gian, chiếc đầu đã bị ai đó lấy mất, nên pho tượng hiện chỉ còn bán thân.

13-43-57_6

 Một trong những pho tượng Phật lồi đang được thờ phụng ở chùa.

Kho vàng chôn dưới gốc cây cốc?

Nhắc đến chuyện cây cốc, chúng tôi liên tưởng đến “kho vàng Hời” được người dân đồn thổi chôn dưới gốc cây này có đường kính đến cả chục người ôm mới xuể.

Tương truyền rằng, đây là khó báu của người Chăm với vô số ngọc ngà, châu báu gồm tượng vàng, cau vàng, chuối vàng… được canh giữ bởi cặp rắn “khổng lồ” và “trận đồ bát quái” bất khả xâm phạm. Nhiều người dân trong làng vẫn thường xuyên thấy chúng lúc ẩn lúc hiện bò xung quanh gốc cây cốc để trấn thủ. Rồi những đồng tiền vàng cứ bay qua bay lại lấp lánh vào những đêm trăng rằm.

Cũng nghe kể rằng có một số người may mắn nhặt được những những đồng tiền vàng, cau vàng, bông cau vàng… Tuy nhiên, nghe đâu kẻ thì chết bất đắc kỳ tử, kẻ thì lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh nên người dân mới khiếp đảm chẳng ai còn dám mơ tưởng đến kho báu ấy nữa.

Về những câu chuyện nói trên, theo nhà sư Thích Chơn Đạo, năm thầy lên mười đã từng giáp mặt cặp rắn này (năm nay sư thầy 42 tuổi) trong lúc dạo chơi khuôn viên chùa. Rắn này to lắm, có 3 màu lấp lánh: đen, vàng, trắng và trên đầu có mồng. Lúc thấy thầy Đạo rất sợ nên liền bỏ chạy thật nhanh về hỏi sư phụ và sư phụ của thầy cũng bảo là đã từng thấy.

13-43-57_7

 Xưa kia trong quá trình đào giếng để lập chùa phát hiện có pho tượng Phật.

Còn về thực hư “kho vàng Hời” thì sao? Nhà sư Thích Chơn Đạo xác nhận là có lời đồn này, bởi xưa kia vùng này là khu trung tâm đúc vàng, đồng của người Chăm và họ rất giỏi về thuật dùng bùa ngải để cất giấu những đồ quý giá.

Và, sở dĩ chúng tôi tin vào câu chuyện này bởi cũng được nói đến trong “Xứ trầm hương” của thi sĩ Quách Tấn, có ghi rằng: "Ban đêm, người quanh vùng thường thấy "vàng đi ăn", ánh vàng sáng rực”.

Vào thời Pháp thuộc, Công sứ Bréda khi nghe tin có kho vàng chôn dưới gốc cây cốc cũng đòi bứng cây để tìm kho vàng. Tuy nhiên do người dân phản đối quyết liệt vì sợ tai họa ấp đến nên viên công sứ kia đành bỏ ý định tìm vàng. Thế nhưng cũng có lời đồn rằng, chính những lời nguyền của bùa ngải và pho tượng lồi huyền linh kia đã báo mộng cho viên công sứ Pháp nếu xâm hại kho vàng sẽ bị vật chết nên hoảng sợ rồi bỏ cuộc.

Thời sau này, một số người Chăm ở Phan Rang (Ninh Thuận) và Tánh Linh (Bình Thuận) cũng tìm đến chùa, trưng giấy tờ của ông bà để lại và xin được phép bới gốc cây cốc để tìm của. Nhưng chùa nhất định khước từ. Trải qua bao bể dâu, câu chuyện trong dân gian về "kho vàng Hời" chôn dưới gốc cây cốc đến nay vẫn còn hư hư thực thực. 

Nguồn: Huỳnh Kim Sơ(Nông nghiệp VN)

Bình luận
vtcnews.vn