Giữa tiết trời đang vào Xuân, đón chuyến phà vượt sông Trường Giang từ xã Tam Quang sang xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi cảm nhận được cuộc sống thanh bình, đậm chất dân dã của người dân nơi đây.
Giếng cổ linh thiêng giữa ốc đảo
Xã đảo Tam Hải “hút hồn” du khách gần xa nhờ bãi biển trong xanh trải dài hình vòng cung, những hàng dừa xanh rợp bóng nghiêng mình về phía biển và bởi vô vàn phiến đá gập ghềnh xếp chồng lên nhau tạo nên khung cảnh kỳ vĩ.
Con đường nhỏ uốn lượn qua những căn nhà nằm san sát, càng tới gần ngôi giếng cổ, không gian yên tĩnh bị phá tan bởi tiếng sóng vỗ xô ghềnh đá Bàn Than, kèm theo âm thanh í ới chuyện trò của những người phụ nữ đang tranh thủ xách, kéo từng gàu nước trong veo, ngọt lịm.
Dẫn chúng tôi tham quan hai giếng cổ, ông Nguyễn Tấn Chinh (76 tuổi, thôn Thuận An, xã Tam Hải) cho hay, không biết chính xác các giếng cổ được xây dựng từ khi nào. Đằng sau mỗi giếng có tấm bia đá cẩm thạch cổ, nhưng bị thời gian bào mòn, giờ không nhìn rõ chữ.
“Trong cuốn gia phả của làng, không có nhắc tới giếng cổ, nên thông tin về nó đến bây giờ chỉ là lời phỏng đoán của người dân”, ông Chinh nói và cho rằng, có lẽ 2 giếng cổ này đã tồn tại mấy trăm năm, được xây dựng từ thời Chiêm Thành mà người dân ở đây vẫn thường gọi là giếng của người Chăm Pa.
Hai giếng cổ có kiến trúc giống nhau, nằm cách nhau chừng 500m, cách bờ biển khoảng một cây số và ngăn cách bởi đồi đất sét. Giếng được thiết kế theo hình tròn, rộng chừng 2m, có độ sâu từ 10-12m; xây dựng bằng những phiến đá tổ ong lớn xếp chồng lên nhau, tạo nên một hệ thống vững chắc, không có sự xâm thực của nước biển từ ngoài vào.
Mặc dù trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt, bị giày xéo bởi bom mìn, hai giếng cổ vẫn còn nguyên vẹn.
Theo các cụ cao niên, năm 1964, nghe tiếng nước giếng cổ ngọt ngon, quân Mỹ đóng tại Tam Hải đã tìm cách đào thêm giếng cạnh đó, nhưng không như mong muốn. Đến năm 1970, một sư đoàn của Việt Nam Cộng hòa cũng đào một cái giếng tương tự nhưng cũng không bắt được mạch nước như giếng cổ. Từ năm 1934 đến nay, giếng cổ được dân làng Thuận An bốn lần trùng tu.
Ông Chinh trầm ngâm: "Chắc có sự bảo hộ liêng thiêng của chủ nhân (người Chăm) nên nó vẫn còn nguyên vẹn, dù cho trải qua những thăng trầm lịch sử và biến thiên của thời gian. Mọi cư dân trong làng đều xem hai giếng cổ như “bầu sữa mẹ”, nuôi lớn bao thế hệ”.
Hạn hán cỡ nào cũng không cạn
Giếng có mạch nước ngầm rỉ ra từ chân núi Bàn Than nên suốt bốn mùa nước giếng luôn trong veo, đặc biệt có vị rất ngọt. Mùa hè nước cạn hơn những mùa khác.
Bà Huỳnh Thị Thức (48 tuổi, thôn Thuận An) cho biết, bao năm qua, bà sử dụng nguồn nước từ giếng cổ để đun nấu, dù gia đình có đào giếng máy nhưng chỉ phục vụ tắm giặt. Nước giếng trong veo, ngọt lành, dùng uống trà hay nấu rượu thì không gì bằng.
“Đặc biệt giếng này chưa khi nào cạn. Mùa hè, khi mực nước xuống thấp nhất sẽ có các em đoàn viên thanh niên trong xã đến vệ sinh đáy giếng. Chúng tôi luôn ý thức giữ gìn “báu vật” của đảo, mạch nguồn nuôi sống bao thế hệ”, bà Thức chia sẻ.
Theo hương ước, văn hóa làng thì hai giếng này chỉ được dùng để nấu ăn, đun uống chứ tuyệt đối không được tắm giặt.
Nhà ông Huỳnh Thân (70 tuổi) cách giếng cổ chừng 40m, cũng có một giếng được đào sâu hơn chục mét. Tuy nhiên, giống như bất kỳ giếng nào trên xã đảo, nước từ giếng nhà ông Thân không thể sánh được với nước giếng cổ.
“Có thể người đào giếng cổ rất tinh thông về địa lý, về nguyên lý của mạch nước ngầm. Mùa hè, hàng trăm người xếp hàng dài cả cây số để lấy nước, có những người phải thức dậy từ nửa đêm để gánh vài chục lít nước về uống”, ông Thân nói.
Trước kia chỉ có mỗi người dân làng Thuận An dùng nước giếng cổ, nhưng từ khoảng năm 2007 tới nay, cả xã Tam Hải đều tìm đến nguồn nước đặc biệt ngọt lành.
Để quản lý tốt tài sản vô giá này, người dân xã đảo Tam Hải tự thỏa thuận và cắt cử nhau bảo vệ giếng, phân phối nguồn nước.
Những hộ dân quanh khu vực giếng được dùng miễn phí, người ở xa tới thì đóng góp 1.000 đồng cho mỗi lần lấy nước. Số tiền góp được sẽ dùng để tu bổ giếng theo từng năm.
Xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành cách TP Tam Kỳ hơn 30km về phía Đông Nam. Diện tích xã đảo Tam Hải khoảng 1.500ha với ba mặt giáp biển, một mặt giáp sông nên có hơn 50% diện tích là mặt nước.
Tam Hải thu hút du khách bởi bãi biển chạy dài hình vòng cung; những hàng dừa cao vút rợp bóng, nghiêng mình về phía biển cùng vô vàn phiến đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau.
Bình luận