(VTC News) - Sau giao thừa, các thầy mo thường âm thầm đem hết hàng trăm chiếc xương hàm lợn của mình đổ ra sông suối.
Kỳ 4: Bí ẩn đống xương hàm lợn sau nhà thầy mo
Lúc nghỉ trưa trên chiếc võng dù kẽo kẹt giữa hai cây cột cái, tôi thoáng thấy bên mái nhà sàn phía bàn thờ nhà thầy mo Bùi Văn Lựng có khá nhiều thanh tre ngắn xâu chuỗi các vòng thép tròn rất lạ.
Những chiếc vòng sắt mỏng, khổ dày cỡ một phân, to như ngón chân cái. Mỗi que tre có chừng hơn 10 chiếc vòng như vậy. Thoạt trông, màu xám đen và các khuyên sắt không đều nhau khiến chúng như những xiên thịt nướng để nguội.
Những chiếc khẩu dao tại nhà thầy mo Bùi Văn Lựng |
Thấy tôi tò mò, thầy mo Lựng bật cười: “Nó là những chiếc khẩu dao, nằm tiếp giáp giữa chuôi và lưỡi dao ấy, có tác dụng giữ chặt dao khi chém mạnh không bị văng ra thôi mà. Khi diễn xướng mo Mường, nó xuất hiện trong một trường đoạn quan trọng…”.
Cứ theo lời thầy mo Lựng, mỗi khi làm lễ tang thì gia chủ đều chuẩn bị cho thầy mo một chiếc khẩu dao. Thầy mo sẽ đeo kẹp khẩu dao vào ngón chân cái, khi hành lễ sẽ dùng chân để “đá” ma tà đen đủi ra khỏi nhà.
“Nếu gia chủ là nữ, tôi sẽ đá 9 cái, gia chủ là nam, tôi đá 7 cái. Tất nhiên, nghi lễ đó phải được thể hiện cùng với lời mo. Làm xong lễ thì thầy mo đem khẩu dao về nhà. Cứ xem trên mái nhà thầy mo có bao nhiêu khẩu dao thì biết thầy mo đó đã làm chủ lễ bấy nhiêu đám tang” – mo Lựng nhẹ nhàng nói.
Nhẩm đếm, thấy có cả trăm chiếc khẩu dao giắt trên mái nhà, có nghĩa là mo Lựng đã tiễn đưa vong hồn cho hàng trăm người Mường Bi siêu thoát, thanh thản trên đường về với tổ tiên, với Mường Trời đủ đầy ấm no, hạnh phúc.
Những chiếc xương hàm trong "bộ sưu tập" rùng rợn của thầy mo Lựng |
Thầy Lựng bảo: “Mỗi một đám mo to có giết chó mổ lợn, cuối buổi thầy mo phải đem về một chiếc xương hàm dưới của lợn, không lấy hàm trên. Tục lệ cho rằng, đó là chỗ chứa những đen đủi, ma tà của gia chủ, chỉ có thầy mo mới khắc trị được, nên phải nhờ thầy mo cai quản. Ở Mường Bi, thầy mo nào cũng có một bộ sưu tập xương hàm dưới lợn.
Có nghĩa là, thầy mo rất được trân trọng trong làng bản, có lễ mo thì được chia rất nhiều lễ vật, nhưng cũng có trách nhiệm gánh vác giúp gia chủ vận hạn. Càng có nhiều xương hàm dưới của lợn, thì đồng nghĩa nơi đó tập trung nhiều vía dữ, chứa nhiều ma quỷ bên trong”.
Dù số xương không được đặt ở chỗ trang trọng, nhưng cũng không giấu kín, cứ như các thầy mo rất muốn khách đến phải nhìn thấy nó. Chắc bởi niềm tự hào rằng thầy mo càng cao tay, có uy tín thì bộ sưu tập xương hàm lợn càng nhiều, càng lớn.
Tôi hỏi: “Đó là số xương cả đời thầy mo tích cóp lại?”. “Không, chỉ trong một năm. Cuối năm thì phải đem ra sông suối rũ bỏ đi, cho nhẹ nợ. Vì dù cao tay đến mấy cũng chẳng thầy mo nào gánh hết được vận hạn cho cả thiên hạ, có khi còn chịu sự phản phúc” – mo Lựng đáp.
Thầy mo Lựng đang xem lịch Đoi cổ truyền của người Mường Bi |
Thời điểm đem đổ các sọt xương luôn được các thầy mo tính kỹ theo lịch Đoi (lịch cổ truyền thống của người Mường), chọn lúc mình đạt vía mạnh nhất thì đem đi. Thường nó vào thời điểm sau thời khắc giao thừa, trời còn tối mịt đến tảng sáng.
Lúc đó, thầy mo sẽ âm thầm đem số xương lợn của mình đổ vào bao tải, vác đi ra suối, cố gắng không để ai nhìn thấy. Chẳng may ai bắt gặp thầy mo đang đi đổ xương hàm, thì người đó sẽ lãnh đủ những đen đủi mà thầy mo muốn đổ đi, nên công việc này phải làm rất bí mật.
“Thông thường thì giờ đó cũng ít người ra đường. Nếu chẳng may vẫn nhìn thấy bóng người, thì thầy mo nên rẽ sang lối khác, tránh giáp mặt với người ta.
Còn bất thần chạm mặt, thì thầy mo phải chủ động nói: "Tôi đang đi làm việc, bác cứ đi đường bác, tôi theo đường tôi, coi như không nhìn thấy gì nhé".
Có như vậy họ mới không bị vía của đống xương này ám vào, đen đủi cả năm. Đổ xong xương ra sông suối, nhà thầy mo cũng mát mẻ, thanh thản tiếp tục công việc gánh nợ cho đời”.
Còn bất thần chạm mặt, thì thầy mo phải chủ động nói: "Tôi đang đi làm việc, bác cứ đi đường bác, tôi theo đường tôi, coi như không nhìn thấy gì nhé".
Có như vậy họ mới không bị vía của đống xương này ám vào, đen đủi cả năm. Đổ xong xương ra sông suối, nhà thầy mo cũng mát mẻ, thanh thản tiếp tục công việc gánh nợ cho đời”.
Câu chuyện về những tập tục huyền bí và nhân văn của thầy mo người Mường Bi vẫn tiếp tục. Ban đầu thì ông chỉ cho chúng tôi cách tính giờ, xem ngày theo lịch Đoi, đâu là ngày đẹp, ngày xấu, ngày có cá ăn, ngày đi buôn lỗ. Rồi đến những tâm sự thật lòng của người làm thầy mo giúp bà con được niềm vui yên cửa mát nhà...
Nhưng điều khiến thầy Lựng say sưa nhất là khi kể về những buổi mo lớn kéo dài bốn năm đêm mà thầy trực tiếp diễn xướng. Mỗi ngày ấy, gần như ông không có thời gian ngủ, chỉ chuyên tâm vào các trường đoạn mo Mường.
Núi Cột Cờ, biểu tượng của xứ sở Mường Bi cổ xưa và huyền thoại |
“Nhiều khi rất mệt mỏi, nhưng tiếng chuông, tiếng mo cất lên thì tâm trạng lại rất thanh thản, hưng phấn. Khi nghỉ ngơi, mới tranh thủ uống trà, ăn miếng thịt, nắm xôi, hay tợp một chén rượu thấm giọng, lấy lại sức.
Môi trường làm việc như vậy nên nhiều thầy mo bị nghiện rượu. Bản thân tôi trước đây cũng có những bữa uống hết hơn hai lít rượu, rồi vẫn hát mo bình thường. Nhưng rồi sức khỏe cũng yếu đi, nên tôi đã bỏ rượu lâu rồi, dùng rất hạn chế.
Cứ như ông nội, người dạy tôi thành thầy mo danh tiếng, hầu như cả đời tôi chưa thấy ông không say rượu bao giờ. Không phải tửu lượng của ông cao, mà vì khi đi mo, hầu như ông chẳng uống. Lúc khát nước, ông cũng chỉ nhấm một chén nước trắng thôi.
Có như vậy, ông mới đủ sức mo ròng rã đêm ngày đến tuổi 91. Tinh thần trách nhiệm của thầy mo chân chính là ở đấy”- đôi mắt mo Lựng xa xăm hồi tưởng. Nhưng bữa cơm để khách chia tay Mường Bi cổ xưa huyền bí, thầy mo Bùi Văn Lựng cũng phá lệ, dăm ba lần chạm cốc, chúc phúc cho khách phương xa…
Lê Quân
Bình luận