Tìm bệnh nhân nghi nhiễm
Gong Xiaohuan, 32 tuổi tới từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Thượng Hải là một trong 700 tay "thợ săn" COVID-19 ở thành phố đông dân nhất Trung Quốc.
Công việc hàng ngày của Gong là lần theo các manh mối, theo dõi, truy lùng các bệnh nhân trong thành phố, truy hỏi họ và người thân về những người mà họ từng tiếp xúc.
"Với bất cứ ai được xác nhận hoặc bị nghi nhiễm, chúng tôi sẽ hỏi họ làm gì, ở đâu, gặp ai trong vòng 14 ngày để tạo thành bức tranh về quỹ đạo hoạt động của họ. Công việc của chúng tôi rất giống việc điều tra của cảnh sát. Chúng tôi phải rất cẩn thận và kiên nhẫn", Gong nói.
Trước mùa dịch, công việc của Gong là theo dõi và điều tra các bệnh nhiễm trùng đường ruột. Tới mùa dịch, đối tượng đầu tiên mà Gong điều tra là một phụ nữ khoảng 50 tuổi, di chuyển từ Vũ Hán tới Thượng Hải để thăm con gái.
Bà này được đưa vào bệnh viện sau khi cảm thấy không khỏe. Khi Gong mặc đồ bảo hộ tới tìm hiểu về lịch trình di chuyển, người phụ nữ vẫn chưa được xác nhận nhiễm bệnh.
Các tay "thợ săn" COVID-19 như Gong tập trung vào 2 vấn đề chính: nguồn lây nhiễm và các bệnh nhân tiềm năng.
Theo thống kê của CDC Thượng Hải, khoảng 1/3 trong số 330 ca mắc COVID-19 ở thành phố này là do tiếp xúc gần với bệnh nhân. Cho tới nay, Gong điều tra hơn 80 ca mắc hoặc nghi mắc. Mỗi trường hợp thường mất khoảng từ 2-10 tiếng hoặc lâu hơn.
Theo Gong, hầu hết các bệnh nhân đều hợp tác, chỉ vài người miễn cưỡng chia sẻ thông tin vì lo ngại vấn đề riêng tư.
“Tôi nói với họ rằng, họ có nghĩa vụ phải hợp tác. Nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả pháp lý”, Gong cho biết.
Thu thập thông tin như thảm tử
Giống như các thám tử, Gong đảm bảo mọi chi tiết thu thập được thông qua phỏng vấn trực tiếp hoặc thông tin trên mạng xã hội phải chính xác. Khó khăn mà Gong và các đồng nghiệp của cô phải đối mặt là không phải ai cũng nhớ những nơi họ tới, những người họ từng tiếp xúc trong 14 ngày.
Đối mặt với vấn đề nan giải này, Gong dành thời gian giúp mọi người nhớ lại từng chút một về các di chuyển gần đây của họ. Với những người già hoặc các trường hợp nặng, cô nói chuyện với chồng/vợ hoặc con cái họ.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đơn giản.
Đầu tháng 2, Gong và các đồng nghiệp không thể tìm ra nguồn gốc lây bệnh cho 2 bệnh nhân sống ở 2 khu vực khác nhau ở Thượng Hải. Cả hai chưa từng tới Vũ Hán và cũng không tiếp xúc với bất cứ ai trở về từ Vũ Hán.
Phải mất rất nhiều thời gian, họ mới tìm ra mấu chốt nằm ở việc 2 bệnh nhân từng ăn tối với 1 người đàn ông tới từ An Huy. Người này sau đó được xác nhận nhiễm bệnh.
Ca khó khác là một bệnh nhân khoảng 70 tuổi. Bà này sống một mình, ít giao tiếp và chưa từng rời Thượng Hải, kể từ khi virus lây lan.
Cuộc điều tra dậm chân tại chỗ trong một thời gian và phải hơn 1 tuần sau đó, Gong và các đồng nghiệp mới phát hiện ra rằng, bà này từng tiếp xúc với một bệnh nhân nhiễm bệnh khi tới một trung tâm trong thành phố.
"Công việc này đòi hỏi sự kiên trì vì chúng tôi phải kiểm tra từng chi tiết", Gong nói.
Phản hồi tích cực từ người bệnh
Gong nói, một trong những điều khiến cô cảm thấy hài lòng nhất về công việc của mình là phản hồi tích cực từ phía gia đình bệnh nhân.
"Một số người nói với tôi rằng, họ cảm thấy nhẹ nhõm vì công việc của chúng tôi. Điều này nâng cao ý thức về sứ mệnh và khiến tôi cảm thấy tự hào về những gì mình làm", Gong chia sẻ.
Video: Đoàn xe rời Vũ Hán sau khi dỡ lệnh phong tỏa
Hu Shanlian, giáo sư từ Trường Y tế Công cộng tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) cho biết, các cuộc khảo sát dịch tễ là cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.
“Đây là công việc tốn thời gian và công sức, nhưng nó đặt nền tảng cơ bản trong cuộc chiến chống dịch", ông Hu cho hay.
Gong nói công việc của cô là hỗ trợ chính quyền trong việc điều chỉnh các biện pháp ứng phó dịch.
Đơn cử như việc chính quyền Thượng Hải ban đầu kêu gọi những người tiếp xúc gần với bệnh nhân ở nhà cách ly. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát dịch đã phát hiện ra rằng, việc này gây ra các cụm lây nhiễm. Do đó các trường hợp như vậy thường được khuyến cáo tới cơ sở cách ly chỉ định.
Bình luận