• Zalo

Bí ẩn địa đạo huyền thoại dài 10km giữa TP.HCM

Thời sựThứ Tư, 12/04/2017 07:22:00 +07:00Google News

Là một trong những căn cứ góp phần quan trọng cho chiến thắng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn nhưng đến nay, rất ít người biết đến sự tồn tại của địa đạo Phú Thọ Hòa.

Nằm ở số 139 đường Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM), địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng trong cuộc kháng chiến chống Pháp dưới sự chỉ đạo của Quận ủy quận Gò Vấp.

Tiền thân của địa đạo là những căn hầm bí mật dùng để bảo vệ và che giấu cán bộ cách mạng trong xã Phú Thọ Hòa. Đến năm 1947, đại tá Lâm Quốc Đăng và trung tướng Lê Thanh chủ trương chỉ đạo một số cán bộ nòng cốt về phát triển hầm bí mật ra các cấp, đào địa đạo chiến Phú Thọ Hòa để bộ đội về bám trụ chiến đấu.

Hinh anh

Đường lên xuống của địa đạo Phú Thọ Hòa. 

Lúc này, việc đào địa đạo được giao trực tiếp cho Ủy ban kháng chiến hành chính của xã Phú Thọ Hòa và những dân quân tự vệ tại địa phương. Địa điểm được chọn đào địa đạo là ấp Lộc Hòa, vì địa hình ở đây phức tạp, mô đất cao, cây cối rậm rạp.

Sau một thời gian, địa đạo Phú Thọ Hòa được hình thành với hệ thống liên xã, bắt đầu từ ấp Lộc Hòa, kéo dài sang Ấp Bình Long, Bình Đông qua Bình Hưng Hoà đến Gò Đậu…

Chiều dài địa đạo theo đường chim bay khoảng hơn 1km, chiều dài chạy theo địa hình là hơn 10km. Trên mặt đất được đào thêm hầm chiến đấu lộ thiên hình chữ L và giao thông hào, trồng thêm tre, dứa dọc theo bờ tạo thành địa hình địa vật chiến đấu liên xã gồm Phú Thọ Hoà, Bình Hưng Hòa, Tân Sơn Nhì.

Hinh anh

 Mô hình địa đạo đặt trong nhà trưng bày di tích Phú Thọ Hòa.

Địa đạo có 2 tầng và hệ thống 3 hầm được đào sâu dưới lòng đất từ 3 đến 4m, cao khoảng 1m, rộng 0,8m. Hai bên có các ngách đi nhiều hướng khác nhau và nhiều vách ngăn.

Cách bố trí vách ngăn này để phòng ngừa khi địch phát hiện hầm địa đạo thì bộ đội ta có thể chui qua hầm kế tiếp rồi bít cửa lại, ngụy trang cẩn thận để địch tưởng đây là đường cùng, hết lối.

Nắp hầm làm bằng gỗ, có đáy để đổ đất, trồng cây lên đó ngụy trang. Hầu hết miệng hầm đều được thiết kế nằm trong bụi rậm hoặc lẫn lộn trong các mô đất và gò mối khó phát hiện. Cách một đoạn hầm lại có một lỗ thông hơi được đặt ở những lũy tre.

Hinh anh  3

Lỗ thông hơi của địa đạo được đặt gần những bụi tre.

Trong địa đạo có hầm âm sức chứa từ 5 đến 7 người, bên trên bố trí nhiều ụ chiến đấu rải rác dọc theo địa đạo. Về sau đào thêm giao thông hào công khai, hình thành vòng cung bảo vệ khu địa đạo. Toàn bộ hệ thống địa đạo có ba hầm âm, trong đó một hầm được sử dụng làm phòng họp.

Khác với địa đạo Củ Chi, địa đạo Phú Thọ Hòa không có nút chặn, mìn bẩy, bếp Hoàng Cầm... chủ yếu tạo ra đường ngầm, lúc ẩn lúc hiện đánh địch. Tuy nhiên, địa đạo Phú Thọ Hòa lại bí mật hơn vì nơi đây gần đồn bốt địch, góp phần quan trọng vào những chiến thắng của quân và dân ta.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, địa đạo chiến Phú Thọ Hoà che giấu rất nhiều đơn vị bộ đội như: chi đội 12, tiểu đoàn Ký Con, tiểu đoàn Ngô Gia Tự, chi đội 13 và nhiều ban công tác thành, đồng thời là cái nơi đảm bảo cho nhiều cán bộ các cấp về hoạt động nội thành dừng chân tại đây.

Với vai trò to lớn trong kháng chiến, năm 1996, nơi đây được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”.

Thế nhưng, nếu địa đạo Củ Chi thu hút rất đông khách trong lẫn ngoài nước tham quan mỗi ngày thì ở địa đạo Phú Thọ Hòa lại vắng lặng, thậm chí là chẳng có mấy ai biết đến. Thỉnh thoảng chỉ có vài buổi tham quan của học sinh một số trường trên địa bàn quận Tân Phú.

Hinh anh  4

 Bên trong khu địa đạo vắng lặng, không một bóng người tham quan.

Điều này có thể do khu di tích chưa có nhiều người biết đến, bên cạnh đó là do khu di tích ngày càng xuống cấp và nghèo nàn về hiện vật trưng bày.

Theo quan sát, di tích địa đạo Phú Thọ Hòa nhìn từ ngoài vào như 1 bãi đất trống với vài bụi tre, nhà trưng bày di tích thì nằm khuất sang bên phải. Diện tích khu địa đạo cũng không còn đúng như ban đầu, bị thu hẹp dần qua thời gian vì dân cư đổ về đây sinh sống ngày càng nhiều.

Hinh anh  5

Nắp hầm địa đạo nằm ở một góc chơ vơ, nếu không chú ý kỹ sẽ không thấy. 

Ngoài ra, dù là 1 khu di tích từng nhiều lần bị địch tắm máu, nhưng tại đây không có một lư hương hay bia tưởng niệm nào để người đến đây có thể thắp nén nhang tưởng nhớ vong linh liệt sĩ, ngoài những nấm mồ nằm rải rác xung quanh. Địa đạo cũng chỉ là 1 đường hầm kéo dài tối tăm, không có hệ thống chiếu sáng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan khi chui hầm.

Hinh anh  6

Hiện vật trưng bày tại đây cũng quá ít và thô sơ. 

Với giá trị lịch sử to lớn, địa đạo Phú Thọ Hòa xứng đáng trở thành khu di tích lich sử quan trọng, trở thành điểm đến thu hút khách tham quan trong và ngoài nước nếu được tôn tạo lại nguyên dạng.

Điều này đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư từ nhiều ban ngành quản lý và các cấp lãnh đạo, bằng những phương pháp, định hướng cụ thể để cứu vớt 1 di tích đang gần như bị chìm vào quên lãng.

Video: Thám hiểm địa đạo hun hút ngay giữa trung tâm TP.HCM

Nhật Linh - Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn