Chùa Một Cột nổi tiếng ở Hà Nội, tương truyền là tên được các vua nhà Lý đem theo từ ngôi chùa Nhất Trụ ở Hoa Lư (Ninh Bình). Nằm trong quần thể khu di tích Cố đô Hoa Lư ngày nay vẫn trường tồn ngôi chùa Nhất Trụ. Đến chùa Nhất Trụ, không ai có thể bỏ qua cột kinh Phật độc đáo được làm bằng đá đầy bí ẩn này.
Bố cục chữ Đinh
Chùa Nhất Trụ, còn được gọi là chùa Một Cột, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, nằm trong quần thể khu di tích Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên cùng với đình Yên Thành, đền thờ công chúa và đền vua Lê Đại Hành, là di tích có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của kinh đô Hoa Lư xưa.
Chùa tọa lạc trên khoảng đất rộng hơn 3.000m2, quay về hướng Tây với các hạng mục kiến trúc gồm: chùa chính theo bố cục chữ Đinh gồm Tiền đường và Thượng điện, nhà Tổ, nhà Khách, khu vườn tháp và các công trình phụ trợ.
Cổng tam quan chùa Nhất Trụ |
Cổng vào chùa được xây dựng ngay bên phải sân chùa theo kiểu 2 tầng 8 mái, mặt ngoài là đại tự khắc 3 chữ Hán “Nhất Trụ Tự” (chùa Nhất Trụ). Tòa Tiền đường 5 gian được làm kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì nóc kiểu kèo kẻ giá chiêng chủ yếu được bào trơn đóng bén với một số mảng chạm khắc lá lật, vân xoắn trên đầu xà hoặc chạm chữ thọ trong vòng tròn mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn.
Tòa Thượng điện 3 gian nối liền với gian giữa Tiền đường cũng có kết cấu tương tự. Đây chính là không gian cho việc bài trí tượng Phật trong chùa với các lớp tượng: Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm tọa sơn, Thích Ca sơ sinh… Ngoài ra còn có tượng Tổ, tượng Thị giả được bày ở nhà Tổ của chùa.
Hệ thống di vật ở chùa khá phong phú nhưng nổi bật là quả chuông đồng đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) với những lời răn dạy mang đậm chất nhân văn của Phật giáo: “Làm việc thiện sẽ gặp trăm điều tốt lành… Nhà làm việc thiện thì tấm lòng luôn vui vẻ không dừng, luật nhân quả tỏ rõ”. Đặc biệt nhất trong hệ thống di vật của chùa phải kể đến là Thạch kinh, tức cột kinh Phật ở sân trước chùa.
Độc đáo cột kinh bằng đá
Trong thuật ngữ Phật giáo, gọi đó là kinh Lăng Nghiêm có kiểu dáng tương tự những cột kinh Đinh Liễn tìm thấy ven bờ sông Hoàng Long. Điểm khác nhau là cột kinh chùa Nhất Trụ có kích thước lớn hơn nhiều, mặt khác có một vòng cánh sen bao quanh đế cột, trong khi cột kinh Đinh Liễn không có hoa văn.
Cột kinh chùa Nhất Trụ có hình bát giác cao 4,16m, gồm 6 bộ phận gá lắp với nhau bởi các ngõng, bao gồm: tảng đế vuông, đế tròn, thân bát giác, bông hoa đá tám cánh và đỉnh hồ lô.
Tất cả các bộ phận gắn với nhau hoàn toàn không sử dụng chất kết dính, nhưng rất vững trãi dù đã trải qua nghìn năm mưa gió. Theo ghi chép của chùa Nhất Trụ, tảng đế dưới cùng có hình gần vuông góc mỗi chiều 140cm, dày 30cm; lỗ mộng tròn ở giữa tảng có đường kính 29cm, sâu 55cm. Đế tròn trên to dưới nhỏ, dày 32,5cm; đường kính phía trên 76cm, đường kính phía dưới 66cm.
Bên dưới đế có ngõng tròn đường kính 15,5cm, dài 3,5cm, ngõng lắp vừa khít vào lỗ mộng ở tảng đế vuông. Trên mặt đế tròn có lỗ mộng đường kính 34,5cm; sâu 9cm. Bao quanh đế cột có vòng cánh sen đường kính 107cm, với tổ hợp 22 cánh đơn, chiều dài mỗi cánh
15-17cm, rộng 13cm. Cánh sen thon tương tự cánh sen trên một số tảng đá làm bậc đi ở trong động Am Tiên. Tương truyền động và chùa Am Tiên là nơi vua Đinh nuôi nhốt hổ, báo để trừng trị những kẻ phản quốc hoặc có tội nặng.
Cột kinh Lăng Nghiêm là nơi giấu vàng?
Theo các nhà nghiên cứu về Phật giáo nói riêng và nghệ thuật kiến trúc nói chung thì những cánh sen xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam trong kiến trúc nghệ thuật cùng các hình thức trang trí cánh sen trong kiến trúc Lý - Trần đều bắt nguồn từ cột kinh Lăng Nghiêm.
Quan sát kỹ sẽ thấy thân cột bát giác có số đo qua tâm hai mặt đối diện là 65cm. Hai đầu cột đều có ngõng cắm vào đế và thớt. Thớt bát giác dày 13cm, có số đo qua tâm hai mặt đối diện là 61cm (ở phía dưới) và 65cm (ở phía trên), như vậy cột có dáng trên to dưới nhỏ.
Cột kinh Lăng Nghiêm |
Hai đầu cột đều có ngõng cắm vào đế và thớt: ngõng dưới dài 5cm, đường kính 16cm; ngõng trên dài 6m, đường kính 18cm. Thớt bát giác có số đo qua tâm 2 mặt đối diện là 69cm, dày 13 cm, mặt trên phẳng, mặt dưới có lỗ mộng sâu 7cm, đường kính 31cm để ngậm vào ngõng trên của thân.
Đấu cao 26cm có đường gờ miệng uốn lượn tạo nên 8 đỉnh nhọn, phía dưới được thu nhỏ tạo hình tròn, phía trên đấu có lỗ mộng tròn sâu 7cm để gắn chóp hồ lô. Chóp trên cùng đã bị mất, nhưng căn cứ vào chóp trên những cột kinh Đinh Liễn so sánh tỷ lệ với thân, các nhà khoa học đoán định chóp có hình chiếc hồ lô thóp bụng, cổ dài, miệng tù, cao 80cm, đường kính 30cm.
Trên tám mặt của thân cột khắc đầy chữ Hán, nhưng trải qua thời gian hơn 1.000 năm, nửa dưới và ba mặt nửa trên cột đã bị mờ hoàn toàn. Năm mặt nửa trên còn lại cũng không đọc được nguyên vẹn. Nếu còn nguyên vẹn, ước khoảng 2.500 chữ, giờ đây số chữ có thể khổ tâm đọc được hoặc nhận dạng là 1.200 chữ.
Theo sư thầy Thích Đàm An - Trụ trì chùa Nhất Trụ thì nội dung văn tự có 3 phần: kệ, kinh, lạc khoản. Nội dung văn tự là kinh Thủ Lăng Nghiêm, ca ngợi sự bền vững của Đức Phật, sự to lớn bao trùm của tài năng Phật Như Lai.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sang -Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên, thì từ xưa tại đài sen này đã tồn tại những câu chuyện liên quan đến việc giấu vàng của người Tàu. Minh chứng rõ nhất là phần rời của phía trên cột kinh là nơi để cho vàng vào bên trong. Tuy nhiên, truyền thuyết vẫn chỉ là những câu chuyện mang tính hư cấu nhưng nhiều người ở địa phương vẫn tin vào điều ấy.
Bình luận