Lầu Năm Góc là một trong những tòa nhà quan trọng bậc nhất của nước Mỹ. Tòa nhà đồ sộ được thiết kế theo hình ngũ giác này chính là nơi đặt cơ quan đầu não của Bộ Quốc phòng Mỹ, quyết định mọi vấn đề liên quan đến an ninh và quân sự quốc gia. Trong nhiều trường hợp, quyền lực của Lầu Năm Góc không hề thua kém gì Nhà Trắng. Chính vì thế nhiều người cho rằng, kết cấu phong thủy của Lầu Năm Góc có một mối liên hệ mật thiết đến vận hạn của nước Mỹ trong những năm vừa qua.
Một số nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng hàng loạt những thiết kế và bố trí của Lầu Năm Góc có liên quan mật thiết đến con số 5. Không chỉ được thiết kế theo hình ngũ giác (5 cạnh), có 5 dãy nhà song song mỗi cạnh, người ta còn tìm thấy sự hiện diện của con số 5 một cách ngẫu nhiên và trùng hợp trong nhiều bố trí khác.
Thiết kế… không bình thường
Kiến trúc sư George Edwin Bergstrom. |
Điều này đặt ra một yêu cầu bức thiết chưa từng có: Bộ Chiến tranh của nước Mỹ, do đã phát triển tới một quy mô quá lớn, nên phải có một trụ sở chỉ huy mới. Henry Stimson, Bộ trưởng Chiến tranh khi đó, đã gặp riêng Tổng thống Roosevelt và đưa ra đề xuất “tăng thêm không gian cho hoạt động của Bộ”. Từ đây, chính phủ Mỹ bắt đầu nhen nhóm kế hoạch xây dựng Lầu Năm Góc.
Thiếu tướng Brehon Sommervell được giao trọng trách thi công tòa nhà đặc biệt này. Khi nhận nhiệm vụ, ông Brehon chỉ có 4 ngày để hoàn thiện bản thiết kế và trình lên chính phủ một phương án xây dựng một tòa nhà hành chính có thể chứa được ít nhất 40,000 người.
Các quan chức trong chính phủ Mỹ thống nhất là trụ sở mới của Bộ Chiến tranh nên được xây dựng ở Arlington, Virginia nằm dọc theo con sông Potomac. Khi đó, ông Brehon nêu ra hai phương án về địa điểm xây dựng Lầu Năm Góc: một là nông trại Arlington nằm gần nghĩa trang quốc gia; và hai là sân bay Washington Hoover.
Ban đầu, chính phủ Mỹ lựa chọn nông trại Arlington làm căn cứ mới cho Bộ Chiến tranh, yêu cầu kiến trúc sư George Edwin Bergstrom thiết kế tòa nhà theo hình ngũ giác “méo” để tận dụng hết diện tích của địa điểm. Tuy nhiên, cuối cùng Tổng thống Roosevelt lại không đồng ý địa điểm này vì ông không muốn công trình xây dựng mới sẽ che lấp tầm nhìn của Washington D.C về phía nghĩa trang quốc gia.
Tòa nhà được di chuyển sang xây dựng ở địa điểm thứ hai, sân bay Washington Hoover, với thiết kế ban đầu không hề thay đổi vì ông Roosevelt thích bản thiết kế hình ngũ giác độc đáo của kiến trúc sư Bergstrom.
Không còn phụ thuộc vào địa hình, thiết kế Lầu Năm Góc “méo” sau đó đã được George Edwin Bergstrom sửa lại thành hình ngũ giác đều như hiện nay. Lúc mới đề xuất bản thiết kế, hình dáng quái dị của tòa nhà đã gây ra không ít những phiền toái và bị chê bởi “tính thẩm mỹ chưa xứng tầm với nước Mỹ”. Tuy nhiên về sau, nhiều kiến trúc sư hàng đầu thế giới cho rằng, phương án thiết kế tòa nhà theo hình ngũ giác là lựa chọn tối ưu cho một tòa nhà như vậy, trên một diện tích đất không quá lớn.
Xét về vị trí địa lý, nếu như Nhà Trắng - nơi ở và làm việc của Tổng thống nằm ở bờ phía bắc của dòng sông Potomac - thì Lầu Năm Góc gần như nằm ở phía đối diện ở bờ phía nam của con sông này. Cũng nhìn ra sông Potomac, tuy nhiên, hướng nhìn của Lầu Năm Góc lại không hề bị chặn bởi tượng đài Washington như đối với Nhà Trắng.
Ưu thế vượt trội về mặt phong thủy của Lầu Năm Góc so với Nhà Trắng khiến các nhà phong thủy đưa ra rất nhiều kết luận. Ví dụ như, kể từ khi Lầu Năm Góc xuất hiện, Nhà Trắng không những không thể khống chế được những chủ trương của họ thậm chí ngược lại, chính Lầu Năm Góc lại khống chế dinh tổng thống. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, chính mối liên hệ về phong thủy giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng khiến cho bất cứ vị Tổng thống Mỹ nào không muốn phát động chiến tranh sẽ khó mà ngồi lâu dài trên chiếc ghế này.
Không chỉ có bề ngoài “dị dạng”, kết cấu bên trong của Lầu Năm Góc cũng rất đặc biệt. Năm cạnh bằng nhau của hình ngũ giác là năm mặt của tòa nhà, mỗi mặt lại có 5 dãy nhà được xây dựng song song. Ở trung tâm của tòa nhà là một khoảng sân rộng và cũng có hình ngũ giác. Từ các góc của khoảng sân này, 10 hành lang lớn tỏa ra như hình nan hoa nối liền các phần khác nhau của tòa nhà. Nhờ những hành lang này, người ta có thể đi đến bất cứ điểm nào trong tòa nhà chỉ trong vòng chưa đầy 7 phút.
Nhìn từ trên cao, toàn thể tòa nhà giống như một khối ngũ giác khổng lồ. Những dãy nhà song song, xếp tầng và những hành lang được xây dựng theo dạng nan hoa trong một khuôn hình ngũ giác đã tạo nên một hình ảnh độc đáo có một không hai cho tòa nhà và biến nó trở thành biểu tượng cho sức mạnh quân sự nước Mỹ.
Cái tên Lầu Năm Góc nổi tiếng tới mức, giống như khi nhắc tới Nhà Trắng là nhắc tới chính quyền Mỹ thay vì gọi tên Bộ Quốc phòng Mỹ, người ta gọi cơ quan đầu não về an ninh và quân sự của Mỹ bằng cái tên Lầu Năm Góc. Thế nhưng, cũng chính địa điểm và kết cấu kỳ lạ ấy của Lầu Năm Góc đã tiềm tàng những vận hạn của nước Mỹ về sau này.
Số 5 kỳ lạ và những vận hạn
Việc xây dựng Lầu Năm Góc gắn liền với sự xuất hiện kỳ lạ của con số 5. Chẳng hạn, mỗi dãy nhà được xây cao vừa đúng 5 tầng, nếu không tính các tầng hầm và khoảng sân ở trung tâm khu nhà có diện tích vừa đúng 5 arce (khoảng 2 ha). Rồi trong thảm họa khủng bố nước Mỹ vào ngày 11/9/2001, Lầu Năm Góc bị tấn công đã khiến 125 người ở đó thiệt mạng. Điều trùng hợp là 125 vừa đúng bằng 5x5x5. Đó là chưa kể trong số 125 người chết, vừa đúng có 55 người là binh sĩ.
Vì sao Lầu Năm Góc lại được xây dựng theo con số 5 một cách triệt để đến như vậy là điều mà chưa ai có thể lý giải được. Có ý kiến cho rằng George Edwin Bergstrom muốn công trình để đời này phải thật đặc biệt để người ta nhớ mãi đến nó, và vô tình chọn con số 5 cho phù hợp với bản thiết kế hình ngũ giác mà thôi.
Nhưng, ý kiến khác lại chỉ ra “âm mưu và ý chí muốn kiểm soát toàn bộ năm châu của Mỹ”, thông qua cơ quan đầu não quan trọng là Lầu Năm Góc. Cũng có chuyên gia nhận định George Edwin Bergstrom chịu ảnh hưởng của thuyết ngũ hành phương Đông, và muốn xây Lầu Năm Góc thành một pháo đài bất khả xâm phạm, hiện thực hóa sự tồn tại vĩnh cữu của bộ máy chiến tranh của nước Mỹ ở thế không thể bị công phá.
Lầu Năm Góc nhìn từ trên cao |
Một số người khác cho rằng, những con số 5 đó hoàn toàn không có chủ đích mà chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên của điều kiện tự nhiên và lịch sử. Tuy nhiên, dù là vì lý do gì đi chăng nữa thì tác dụng của những con số 5 này đối với bản đồ phong thủy của Lầu Năm Góc là điều không thể xem nhẹ.
Theo các nhà phong thủy, số 5 có liên quan mật thiết đến đời sống cung đình, là biểu hiện cho quyền lực của bậc đế vương. Ở các quốc gia phương Đông, trong thời phong kiến, hầu hết những công trình của hoàng cung đều có thể được xây dựng theo con số này. Theo quan niệm trên, thì việc xây dựng theo con số 5 một cách triệt để, dù vô tình hay hữu ý, đều đem lại cho Lầu Năm Góc sự thịnh vượng về quyền lực.
Thực tế đã chứng minh, quyền lực của Lầu Năm Góc có một sức ảnh hưởng khủng khiếp trong chính quyền Mỹ. Chưa ở quốc gia nào mà Bộ Quốc phòng lại được báo giới quốc tế nhắc tới nhiều và với một vai trò quan trọng như Lầu Năm Góc. Sự thịnh vượng quá mức cũng khiến Lầu Năm Góc trở thành “vật ngáng chân” đối với Nhà Trắng.
Về mặt phong thủy, Lầu Năm Góc hoàn toàn lấn át so với Nhà Trắng. Bản đồ phong thủy của Nhà Trắng vốn không phải là tốt, trong khi đó Lầu Năm Góc không chỉ có kết cấu theo con số 5 quyền lực mà các hướng phong thủy khác cũng đều rất thuận lợi.
Tất nhiên, dù có kết cấu tốt đến thế nào thì vẫn có lúc biểu tượng quân sự của Mỹ gặp những vận hạn không thể tránh được. Thảm họa khủng bố vào ngày 11/9/2001, khi Lầu Năm Góc bị bọn khủng bố tấn công, là một điển hình trong lịch sử tồn tại của tòa nhà năm cạnh này. Lầu Năm Góc bị một chiếc Boeing tấn công vào mặt tây nam của tòa nhà.
Tại sao những tòa nhà khác tương tự lại không bị tấn công mà nhất thiết lại là Lầu Năm Góc? Trong thảm họa khủng bố 11/9/2001, vì sao Nhà Trắng, tòa nhà nằm cách đó không xa lại không bị bọn khủng bố chọn làm mục tiêu tấn công?
Các nhà phong thủy cho rằng, vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào vị trí cũng như kết cấu phong thủy của mỗi công trình. Việc mặt tây nam của Lầu Năm Góc bị tấn công trong thảm họa này không phải là ngẫu nhiên. Theo tính toán, thời điểm ngày 11/9 năm đó, mặt tây nam hội tụ toàn bộ những phần xấu nhất của phong thủy Lầu Năm Góc, rất dễ gặp vận hạn. Hướng tây nam bị chi phối bởi con số 3, đại diện cho hành Mộc, xung khắc với hành Kim của những chiếc máy bay.
Trong khi đó, Nhà Trắng ở phía Tây Nam lại có đền thờ thần Dớt và một chiếc hồ nhỏ. Đền thờ và nguồn nước là hai vật mang lại sự tốt lành trong kết cấu phong thủy, do vậy, hướng tây nam của Nhà Trắng không hề xấu như hướng tây nam của Lầu Năm Góc. Đó là lý do khiến tòa pháo đài bất khả xâm phạm của nước Mỹ lại bị tấn công một cách dễ dàng đến như vậy!?
Rất bình thường khi nhiều người sẽ cảm thấy khó tin với những tính toán và suy luận của các nhà phong thủy, coi đó là những chuyện nhảm nhí, tầm phào. Mặc cho những suy luận của các nhà phong thủy có đúng hay không, thì vẫn không thể phủ nhận được rằng, Lầu Năm Góc cho tới bây giờ vẫn là một trong những tòa nhà quyền lực nhất và tham gia vào những chính sách quyết định vận mệnh của cả nước Mỹ…
TheoQuân Trần - Anh Doãn (CAND)
Bình luận