• Zalo

Bí ẩn chuyện không ai dám lấy mật ở 'cây thần' có cả trăm tổ ong

Khám pháThứ Sáu, 18/09/2015 06:43:00 +07:00Google News

Trên cây mạy nỏng, những tổ ong khoái đã có mặt từ đời nảo đời nào, không ai biết rõ.

(VTC News) - Trên cây mạy nỏng, những tổ ong khoái đã có mặt từ đời nảo đời nào, không ai biết rõ.


Kỳ 2: (Kỳ cuối): "Cây tổ ong" linh thiêng

Ngay dưới chân núi, chắn đầu con đường mòn lên phía cây tổ ong khổng lồ ở bản Púng Ngừu (Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), là ngôi nhà sàn khá lớn. Dân bản chỉ tôi vào ngôi nhà này, tìm gặp ông Tòng Văn Tính, là người sinh ra và lớn lên ở dưới chân núi, chỉ cách cây tổ ong độ 300m.

Ông Tính là người hiểu biết rõ nhất về cây tổ ong này, vì đời tổ tiên của ông sinh ra ở đây, rồi đến ông, đã lớn lên bên cạnh cây tổ ong này 75 năm rồi. Thế nhưng, tôi đến nhà, thì ông Tính đi vắng. Bà vợ ngồi bên khung cửa, nhẩn nha tõe ngô bằng đôi tay chai sần. Hỏi gì, bà cũng lắc đầu bảo không biết. Hóa ra, bà không nói được tiếng phổ thông.

Lát sau, con trai và con dâu bà về. Anh Tòng Văn Quang bảo rằng, bố anh, ông Tòng Văn Tính, vào rừng từ sáng sớm, đến đêm khuya mới về. Gia đình có đàn trâu, thả trong rừng sâu, thi thoảng bố con thay nhau vào rừng, đem muối cho trâu ăn, để chúng nhớ vị mặn, mà không đi xa. Đường xa, rừng sâu, ông Tính cơm nắm đi từ sáng sớm, đến nửa đêm mới về, hoặc phải ngủ lại lán trại trong rừng.

Anh Tòng Văn Quang chỉ cây tổ ong khổng lồ
Anh Tòng Văn Quang chỉ cây tổ ong khổng lồ 

Tuy nhiên, theo anh Tòng Văn Quang, bản thân anh đã có 40 năm gắn bó với quần thể tổ ong khoái khổng lồ trên "cây tổ ong", nên chẳng chuyện gì liên quan đến cái tổ ong ấy, mà anh không biết.

Từ đời tổ tiên, đời ông nội, đời bố anh, kể không biết bao nhiêu chuyện kỳ bí liên quan đến những tổ ong này. Tuổi thơ của anh, cũng như những đứa trẻ ở bản Púng Ngừu, đều được nghe những câu chuyện kinh dị, để cảnh báo những đứa trẻ nghịch ngợm, không được liều mạng chọc giận "thần ong".

Cũng theo lời anh Tòng Văn Quang, không ai biết, quần thể tổ ong, với cả triệu con ong, có mặt ở trên ngọn cái cây khổng lồ này từ khi nào. Người Thái ở đây gọi cây khổng lồ đó là mạy nỏng, còn tên phổ thông, hay tên khoa học nó là gì, thì anh cũng không biết. Các cụ xưa gọi tên thế, thì anh cũng chỉ biết vậy.

Mạy nỏng tương đối giống cây trám, nhưng to hơn, gỗ tốt hơn. Người Thái ở Púng Ngừu gọi trám là mạy cưởm, để phân biệt với mạy nỏng. Cây trám có nhiều, nhưng gỗ giòn, có giông bão, là đổ ngả nghiêng, bật gốc, gãy ngọn, thậm chí gãy ngang thân, nên dù trám có nhiều ở Púng Ngừu, thì cũng không có cây cổ thụ. Thế nhưng, gỗ mạy nỏng vừa dẻo, lại vừa cứng, nên giông bão quật mạnh thế nào cũng chẳng ăn thua gì.

Ông nội anh Quang qua đời đã 30 năm trước. Từ nhỏ, ông nội đã kể với anh rằng, cách nay trăm năm, cây mạy nỏng đã lớn như thế, to 5 người ôm. Bây giờ, cây mạy nỏng này vẫn như vậy, chẳng lớn lên chút nào. Cứ theo truyền thuyết của người Thái ở Púng Ngừu, thì cây mạy nỏng đã có tuổi cả ngàn năm (?!).

Cây tổ ong trên núi ông Nục
Cây tổ ong trên núi ông Nục 

Khi tổ tiên người Thái di cư, thần linh mách bảo, đi về hướng tây, gặp cây mạy nỏng khổng lồ, tán cao như đỉnh núi, thì dừng lại, vì đó là đất tốt, sinh cơ lập nghiệp ngàn đời. Có lẽ, cũng từ truyền thuyết lập bản, mà cây mạy nỏng biến thành cây thần, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Thái.

Điều đặc biệt, cũng theo lời tổ tiên truyền lại, thì trên cây mạy nỏng ấy, những tổ ong khoái cũng đã có mặt từ đời nảo đời nào, không ai biết rõ. Các cụ già nhất bản, như cụ Tòng Văn Khọ, 100 tuổi, cũng kể với con cháu, dân bản rằng, đời tổ tiên cụ đã bảo có tổ ong rất nhiều trên ngọn cây, còn có từ khi nào, thì cụ kỵ của cụ Khọ cũng không biết.

Người Thái ở đây thì tin rằng, loài ong làm tổ trên cây mạy nỏng, là loài "ong thần" và cây mạy nỏng khổng lồ, cũng là cây thần, có từ thời lập bản. Theo lời anh Quang, ngoài ngày lễ Xên Bản vào dịp cuối năm, thì anh cũng như người dân trong bản không dám bén mảng đến gốc cây, bởi những câu chuyện "dọa ma" hãi hùng.

Theo lời các cụ già ở Púng Ngừu, hồi thực dân Pháp xâm lược, xây dựng căn cứ ở Điện Biên Phủ, đã diễn ra một chuyện lạ lùng liên quan đến cây tổ ong này.

Tổ ong chi chít trên cây mạy nỏng
Tổ ong chi chít trên cây mạy nỏng 

Ngày xưa, giặc Pháp đóng bốt ở phía tây cánh đồng Mường Thanh, cách địa phận xã Thanh Chăn không xa, để chặn đường Việt Minh xâm nhập từ hướng Lào về. Bộ đội trú ẩn rất đông ở trên đỉnh núi, thi thoảng xâm nhập vào cánh đồng Mường Thanh tiêu diệt các căn cứ của địch.

Khi đó, quả núi có cây tổ ong gọi là núi Ông Nục, vì chỉ có ông Nục làm nhà ở trên quả núi đó, rồi sống cô đơn một mình, còn mọi người đều dựng nhà ở chân núi.

Bộ đội và nhân dân ở đây thân tình, bao bọc nhau. Đồng bào Thái còn thay nhau đi lấy quả trám, kho thịt đem cho bộ đội ăn. Hàng trăm bộ đội trú ngụ ở quả núi này rất an toàn. Ngoài lý do rừng rú hoang rậm, được người dân che giấu, thì lính Pháp cũng sợ lời đồn… "thần ong" ngự ở trên quả núi ấy. Biết rằng những tổ ong trên cây mạy nỏng mang ý nghĩa tâm linh với dân bản, nên bộ đội không bao giờ xâm phạm.

Một tên đồn trưởng của Pháp, sau khi nghe chuyện vì cây tổ ong trên núi Ông Nục, mà toán lính không dám kéo lên núi tấn công bộ đội, đã tức giận, vác súng hô quân kéo vào núi. Nhận được tin báo, toán bộ đội vượt sang bên kia núi, thuộc địa phận Lào, để tránh va chạm với toán lính Pháp.

Để thị uy với đám lính, tay đồn trưởng này giương súng xả đạn lên ngọn cây, khiến tổ ong rơi lả tả. Thế nhưng, vừa bắn rơi mấy tổ ong, thì đàn ong hàng vạn con sà xuống tấn công, khiến bọn chúng chạy trối chết. Tuy ra được ngoài đồn, nhưng tên nào tên nấy mặt mũi sưng vù vì bị ong khoái đốt.

Tổ ong rơi nhiều xuống đất
Tổ ong rơi nhiều xuống đất 

Bẽ mặt, tên đồn trưởng lại xua quân vào núi Ông Nục. Dân bản kéo đến phản đối, nhưng bọn chúng lăm lăm súng ống, lưỡi lê, nên không ai dám làm gì. Tên đồn trưởng xua người vác rơm rạ, chất củi đốt ở dưới gốc cây, để khói bay lên, đuổi hết ong đi. Chúng tính đuổi xong đàn ong, thì sẽ cưa đổ cây mạy nỏng, "cưa đổ" luôn niềm tin vào thần linh trong đời sống tâm linh của người Thái ở Púng Ngựu.

Thế nhưng, theo lời kể của ông Lò Văn Sét, thì giặc Pháp châm lửa mãi, mà đống rơm không chịu cháy. Ngọn lửa cứ nhen lên, lại tắt luôn. Lát sau, giông gió nổi lên, mưa như trút nước, khiến củi rơm ướt đẫm, không đốt nổi nữa.

Những chuyện như thế xảy ra, khiến toán linh Pháp càng khiếp hãi. Tức mình, tên đồn trưởng này sai lính ra đồn lấy xăng vào tưới, quyết đốt luôn cả cây mạy nỏng khổng lồ. Thế nhưng, tên lính vừa định chạy xuống núi đi lấy xăng, thì bị một cành củi khô từ trên cây rơi trúng đầu, ngã lăn bất tỉnh, máu me bê bết. Nhìn cảnh ấy, đám lính Pháp sợ hãi chạy tán loạn, không dám quay lại nữa. Tên đồn trưởng cũng sợ hãi, bỏ chạy luôn.

Sau vụ ấy, các cụ già ở bản Púng Ngừu kể rằng, những tên lính Pháp tham gia phá tổ ong cứ ngơ ngơ như những kẻ mất hồn, như bị bắt mất vía. Thời gian sau, toán lính ở đồn này bị bộ đội tập kích, tiêu diệt sạch sẽ trong ngày đầu của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chuyện những tên trộm mật ong, rồi những người liều mạng, không tin vào những lời đồn, tìm cách trèo lên cây mạy nỏng lấy ong, gặp vận rủi, thì có kể cả ngày không hết. Có kẻ, đang trèo cây, thì rơi xuống đất gãy xương, bất tỉnh nhân sự. Có kẻ dùng tên bắn rụng tổ ong, thì bị ong sà xuống đốt cho sưng mặt.

Lại có chuyện hài rằng, có mấy tay trộm ở bản bên, đang tìm cách trèo lên ngọn cây lấy ong, thì bị rắn hổ mang to bằng bắp chân chui ra từ cái miếu nhỏ đuổi chạy tan tác…

Chẳng rõ thực hư những câu chuyện ấy như thế nào, nhưng cư dân bản Phúng Ngừu đều tin tuyệt đối. Chính vì thế, họ đưa chuyện bảo vệ tổ ong vào lệ làng, không bao giờ xâm phạm. Họ coi "cây tổ ong" là tài sản tâm linh chung của cả bản.


Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn