Thế nên, toàn vùng Củ Chi đất thép chỉ còn đúng hai cây còn sống, không ai dám chặt dù chỉ một cái cành nhỏ, bởi nó mang sứ mệnh của thần linh.
Cây "tử thần"
Cây Củ Chi được biết đến là một loại độc tố vô cùng nguy hiểm. Nó được ví như lá ngón dùng để tự tử hoặc đầu độc kẻ thù của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc. Chỉ cần hái lá nhai nát nhừ sau đó nuốt vào bụng, thì người đó sẽ chết tức tưởi, không thể cứu chữa nổi.
Hạt của cây cũng chứa chất kịch độc không kém. Toàn huyện Củ Chi bây giờ chỉ còn lại hai cây nằm ở ấp Phú An, xã Phú Hòa Đông. Sở dĩ vẫn còn vì hai cây này thuộc hàng cổ thụ, chứa đựng vô vàn kỳ bí về thần linh, không một ai dám đụng vào.
Để chứng thực những lời truyền tụng linh thiêng và tác dụng kịch độc lợi hại của loại cây này, chúng tôi đã tìm về xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh). Dường như người dân ở đây rất e dè khi nhắc đến loài cây đó. Người ta sẽ không chỉ đường đi cho bạn nếu bạn không minh bạch về danh phận và mục đích đi tìm loài cây ấy.
Hạt Củ Chi còn sống người ăn vào sẽ chết ngay lập tức |
Chỉ có người cao tuổi mới biết nhưng khi chúng tôi nhắc đến cây Củ Chi, họ lắc đầu xua tay: "Hết từ lâu rồi. Nó độc lắm, chẳng ai dám trồng đâu". Họ nhìn chúng tôi, những người đi tìm loài cây độc dược vẻ hoài nghi, một người đàn ông buông tiếng: "Tìm làm gì? Chết như chơi đó". Biện minh thế nào ông ta nhất quyết từ chối, một mực khuyên chúng tôi quay về.
Năn nỉ mãi, cuối cùng một chị bán nước ở ấp Phú An ra vỗ vai: "Bác Hai sợ mấy cô đi tự vẫn, năm rồi có vụ cô bé kia hỏi về cây Củ Chi rồi tìm đến hái lá về chết đó. Nếu tìm để biết thì tôi chỉ cho. Nhà bà Bông còn một cây và trên khu mồ mả đầu dốc còn một cây nữa. Cả xã này còn đúng hai cây thôi".
Chị bán nước nhiệt tình dẫn đường cho chúng tôi vì sợ đường khó đi mà trời gần tối, đến đó coi chừng ma nhát. Nói đến ma, chị lắc đầu lè lưỡi: "Khoảng 8 giờ tối là không một ai dám tới gần gốc cây đó. Người ta nghe thấy tiếng trẻ con khóc nhiều lắm. Nghe mà tôi nổi hết da gà rồi".
Cũng theo lời chị bán nước, ngoài tiếng trẻ con khóc, còn có tiếng hú, tiếng rên và tiếng gì đó tru tréo lạnh lẽo vô cùng. Ngoài độc dược khủng khiếp ra, cây Củ Chi còn được gắn với những câu chuyện thần linh đầy vẻ huyền bí khiến con người tôn thờ.
Khu vườn nhà bà Nguyễn Thị Bông (tên thường gọi Hai Bông, 69 tuổi, ở ấp Phú An) rộng một nửa héc ta và được rào chắn xung quanh bằng lưới B40. Riêng phía có cây Củ Chi thì được đặc cách xây bằng tường bê tông cao quá đầu người. Chính sự khác lạ này đã hé mở những thông tin không bình thường về cây Củ Chi.
Bà Bông cho biết: "Cây này có hơn một trăm năm rồi. Tôi về làm dâu ở đây hơn 30 năm đã thấy có và nghe mẹ chồng kể lại cũng hiểu được phần nào". Hướng quan sát thuận lợi nhất là từ trong vườn nhà bà Bông, chúng tôi nhận thấy có tới hai cây Củ Chi cổ thụ mọc sát vào nhau.
Xung quanh có vài cây con bằng cổ tay người lớn. Như vậy đây là một quần thể cây Củ Chi tỏa tán lá sum suê ra một góc vườn. Gốc cây suôi thẳng, rễ thẳng trồi lên khỏi mặt đất. Bà Bông lưu ý chúng tôi đừng tự ý hái lá hoặc nhặt hạt, sơ sẩy là mất mạng như không.
Bà Bông không quên nhắc lại quá khứ rằng, ngày xưa không rào chắn gì hết nên người ta tìm đến đây hái lá tự vẫn. Bà Bông không nhớ hết bao nhiều người tìm đến kết liễu đời mình bằng lá cây Củ Chi, bà nhẩm tính khoảng 6 - 7 mạng gì đó. Trong đó có một đôi trẻ yêu nhau bị gia đình ngăn cấm nên tìm đến nhặt hạt Củ Chi rồi hai người nhai sống luôn.
Sáng hôm sau, người dân phát hiện hai thi thể nằm chết dưới gốc cây. Khám nghiệm tự thi thấy trong ruột nạn nhân có chứa loại kịch độc từ hạt cây Củ Chi. Mấy người chết còn lại rơi vào tình cảnh già nua, nghèo khổ, bí bách quá nên muốn "đi" sớm.
Đó là những trường hợp tự tử trước mặt cây, xác nằm lại gốc cây mà người ta biết được. Số khác âm thầm đến hái lá, nhặt hạt mang về tự vẫn tại nhà hoặc ở đâu đó thì chưa có thống kê cụ thể.
Gỗ cây Củ Chi đem đun cũng khiến con người ngộ độc vì khói, có thể dẫn đến ngất xỉu hoặc tử vong. Nói tóm lại, tất cả các bộ phận của loài cây "tử thần" này đều chứa chất kịch độc.
Trẻ tránh xa, già hoảng sợ
Hầu như người dân toàn xã đều biết rõ tác dụng tuyệt đối của cây Củ Chi với những người không muốn sống. Họ chỉ cần hái vài cái lá hoặc nhặt một hạt của cây đều có thể toại nguyện mong muốn được chết. Còn người đang sống, thì họ ý thức và cảnh giác rất cao.
Bà Bông dạy con tránh xa cây Củ Chi từ khi chúng chưa đi học, đến đời cháu bà cũng dạy và canh chừng nghiêm ngặt: "Bọn trẻ rất có ý thức, chỉ cần hướng dẫn chỉ bảo vài lần là chúng hiểu được. Ba đời nhà tôi sống ở đây mà chưa xảy ra sự cố nào".
Bà Bông thừa nhận xây tường bê tông không phải để bảo vệ cây Củ Chi mà để cách ly con người. Để trẻ con không tự ý vào lượm trái về ăn, để người lớn không trèo lên hái lá. Tránh những cái chết không đáng có.
Rào như vậy bà Bông vẫn chưa yên tâm, trong nhà bà nuôi một "tiểu đội" chó. Con xích, con thả rông, hễ có bóng dáng người lạ bén mảng vào là đàn chó đồng thanh sủa đinh tai nhức óc, đố ai ngủ được. Nên, bà Bông rất yên tâm.
Trở thành biểu tượng linh thiêng của một vùng đất |
Hiểu rất rõ loài cây chứa độc tố cực mạnh chỉ là một phần, ở góc nhìn khác, người trong nhà bà Bông và nhân dân trong vùng luôn xem loài cây như một vị thần. Từ thời cha ông đến nay, chưa bao giờ gia đình bà dám chặt một cành cây Củ Chi nào.
Cứ kệ nó mọc sum suê, tua tủa lá cành như vậy. Bà Bông cho biết, ngày chồng bà còn sống, có cành cây chườm ra chuồng bò làm vỡ mái lợp, ông ấy phải thắp hương "xin thần cây" cho phép đốn bỏ cành đó.
Còn ông Trưởng ấp Phú An Huỳnh Văn Nhàn khi nghe hỏi về cây Củ Chi cũng thừa nhận: "Độc lắm. Mấy năm trước nhà tôi có mọc một cây con nhưng tôi đã chặt bỏ và đào cả gốc lên đốt. Sợ bọn nhỏ không biết ăn vào là chết".
Dẫn chứng sự hủy diệt ghê gớm của loại cây "tử thần" này, ông Nhàn kể về cái chết thương tâm của bà Nguyễn Thị Tám mới hơn một năm nay. Bà Tám 82 tuổi, có con cái mà không đứa nào quan tâm chăm sóc, bà còm cõi sống một mình.
Hôm đó sau khi lời qua tiếng lại với con cháu, bà lặng lẽ sang vườn bên cạnh có một cây Củ Chi mới mọc cao chưa quá đầu người. Bà hái một nắm lá về nhà giã ra rồi uống. Buổi chiều hàng xóm qua thấy bà chết cứng trên võng, bên cạnh còn bát lá Củ Chi đổ vung vãi.
Ông Nhàn căn dặn: "Loài cây này hễ thấy là phải đốn bỏ ngay, không để nó lớn. Lá cây dù to hay nhỏ nhưng ăn vào đều chết, không bệnh viện nào cứu chữa nổi. Tôi luôn chỉ con mình cách nhận dạng cây Củ Chi để tránh".
Theo bà Bông thì tuy cực độc nhưng hạt của cây Củ Chi được các nhà thuốc thu mua với giá 100 ngàn/ kg. Mỗi mùa hạt Củ Chi, bà Bông bán được vài chục ký. Còn rễ đem ngâm rượu chữa bệnh về xương cốt rất tốt. Một số người cao tuổi dùng hạt để ngâm rượu xoa bóp và uống thấy công dụng tuyệt vời.
Tuy nhiên, chỉ những nhà thuốc mới dám mua loại hạt này, còn bà con trong toàn xã toàn huyện không ai dám dùng. Cả bà Bông, ông Nhàn đều thừa nhận tác dụng chữa bệnh của cây nhưng không ai dám thử một lần cho biết.
Ông Trưởng ấp dè chừng: "Dùng bôi ngoài da, nắn bóp gân cốt thì được, chứ uống thì không ai dám đâu. Những ông già "gần đất xa trời" không còn gì để mất mới liều mình như vậy. Và có một hai ông gì đó uống xong đã "đi" luôn rồi".
Thời kháng chiến chống Mỹ, bọn giặc từng huy động ba xe ủi hạng nặng để san phẳng cái gốc cây đó đi. Nhưng hễ răng cưa "hung thần" chạm vào gốc thì lại bật ra, nhiều lần thất bại, chúng nản quá kéo quân về. Từ đó, gốc cây được người dân vùng Củ Chi nhắc đến như một vị thần hộ mệnh. Loài cây này đã chết danh với vùng đất Củ Chi ngày nay.
Đặc điểm của cây Củ Chi là mọc ở các khu mồ mả, miếu thờ. Để trấn thần linh, người dân chỉ dám chặt bỏ cây con, còn cây có tuổi đời từ 20 năm trở lên đều lập miếu thờ và không ai dám chặt phá.
Sau này do sự độc hại của nó quá khủng khiếp mà người ta dần hủy bỏ, nay có nguy cơ tuyệt chủng. Bà Bông cho biết, hai gốc Củ Chi cổ thụ nhà bà hiện nay trở thành biểu tượng linh thiêng của người dân toàn xã.
TheoCAND
Bình luận