• Zalo

Bí ẩn căn hầm và dòng sông ngầm khổng lồ ở Hòa Bình

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 30/09/2012 04:52:00 +07:00Google News

Trong lòng núi Chùa Hang ở xóm Á Đồng có một con sông ngầm kỳ lạ. Trên dòng sông ngầm, có một căn hầm khổng lồ được đào xuyên lòng núi đá.

Trong lòng núi Chùa Hang ở xóm Á Đồng, xã Yên Trị (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) có một con sông ngầm kỳ lạ. Trên dòng sông ngầm, có một căn hầm khổng lồ được đào xuyên lòng núi đá.

Con sông ngầm chưa bao giờ cạn, nước chảy ra trong vắt, mùa đông thì ấm, mùa hè lại mát. Đây chính là nơi chứa nhiều bí mật về "kho bạc Nhà nước" cũng như điểm tập kết vũ khí bí mật thời chiến. Trước đây, người Pháp có ý định biến nơi này thành vịnh Hạ Long trên cạn.

Nguồn nước lạ


Người dân sống xung quanh khu vực ngọn núi Chùa Hang đã phát hiện ra một hệ thống sông ngầm âm thầm chảy thông lòng núi đá. Chẳng ai biết con sông ngầm này có tự bao giờ? Chỉ biết rằng, từ lúc họ sinh ra, chẳng khi nào thấy nó cạn nước bao giờ. Trong mùa hạn hán, nắng nóng kéo dài, có khi cả vùng đất Yên Thủy không có nước tưới cho đồng ruộng. Nhưng nguồn nước ngầm trong núi Chùa Hang vẫn chảy.

Con sông ngầm chảy qua lòng núi đá Chùa Hang có lưu lượng khá dồi dào. Ông Phạm Thế Hùng, nhà cạnh ngọn núi Chùa Hang, thường xuyên chui xuống dòng sông ngầm để bơm nước tưới tiêu mùa vụ cho hay: "Sau này chúng tôi mới phát hiện ở dưới ngọn núi ấy là một mạch nước ngầm chảy với lưu lượng lớn. Chẳng biết con sông ngầm này chảy từ hướng nào? Nhưng lượng nước rất nhiều, có người còn nói nó là mó nước, nhưng tôi dám chắc nó là con sông ngầm vì nước chảy rất nhiều, dòng nước trong vắt.

Nó như là nguồn nước khoáng thiên nhiên, không bị lẫn tạp chất. Người dân vẫn thường lấy nước ở sông ngầm về sinh hoạt. Nước có vị mát lành sảng khoái, không cần phải đun sôi cũng uống được. Nước dùng nấu cơm rất dẻo, pha chè có mùi thơm rất lạ.

Dưới cái hang này là con sông ngầm. 

Nước lúc nào cũng trong vắt, dù mưa lũ dữ dội đến thế nào thì chỉ một lúc sau nước con sông ngầm sẽ trong vắt trở lại. Có một khe nước đùn ra khỏi hang đá quanh năm suốt tháng vẫn trong vắt.

Mùa mưa thì nước trong khe này đùn ra cũng trong vắt. Nguồn nước này rất lạ. Mùa đông thì nước rất ấm, mùa hè lại cực mát lạnh, người dân nơi đây chưa thấy ở đâu có hiện tượng lạ như con sông ngầm này. Họ cũng không thể giải thích nổi. Có người cho rằng: Đây có thể là do linh khí của ngọn núi linh thiêng Chùa Hang.

Người dân nơi đây vẫn đồn đại về những chuyện ly kỳ quanh con sông ngầm này. Cứ ba tháng người dân lại tát cá ở khe nước chảy ra từ sông ngầm. Họ cũng không hiểu nổi vì sao cá ở đây lại lớn nhanh đến thế? Có những con cá rất to, cá trê có da bóng nhẫy, vàng óng, râu dài loằng ngoằng.

Cứ mùa mưa lũ người dân lại vác chài, vợt đi săn cá. Cá từ trong hang lúc nhúc bơi ra, nên người dân bắt được rất nhiều. Cứ tưởng bắt cá nhiều như vậy thì cá sẽ cạn kiệt, nhưng càng bắt thấy càng có nhiều.

Trong xóm còn nhiều người bắt được cá to. Mùa nước lũ, cá chui từ hang ra các cánh đồng, nhiều con mắc cạn chết trơ lại xương trên những cánh đồng. Cá nhiều đến nỗi không thể cắm nổi cây lúa xuống đồng. Người dân đồn rằng: Dưới con sông ngầm này còn có rất nhiều ba ba.

Bà Bùi Thị Hạnh, người dân sống cạnh núi Chùa Hang cũng đã từng bắt được 4 con ba ba, những người bắt được 1 hay 2 con thì nhiều vô kể.

Trước đây, người ta chẳng dám bắt dơi ở trong hang, chẳng dám vặt quả ở ngọn núi Chùa Hang chứ đừng nói đến việc bắt cá ở con sông ngầm này. Bây giờ, nhận thức của người dân được nâng cao, người ta thấy đây là con sông rộng lớn nên có rất nhiều cá chứ chẳng phải do thánh thần sản sinh ra”.

Căn cứ bí mật thời chiến

Ông Hùng cũng là người trực tiếp vận chuyển vũ khí đạn dược trong thời kỳ này cho hay: "Năm 1966, vũ khí mới bắt đầu chuyển về, số lượng chuyển đến rất nhiều, chủ yếu là súng đạn. Nó được chất lên thành hai dãy chạy thẳng với đường hầm cao khoảng 5 mét. Toàn bộ số vũ khí được chuyển đến chiến trường ở Camphuchia, Đường 9 - Nam Lào, chiến trường miền Nam. Có những hòm súng đạn nặng phải huy động đến 4 người mới khênh lên xe được".

Cũng theo ông Hùng thì có gì đó rất kỳ lạ, rất nhiều lần máy bay Mĩ ném bom ở xung quanh, nhưng chẳng thấy trúng vào ngọn núi Chùa Hang. Đến năm 1978, người ta mới chuyển hết số vũ khí đi. Cũng có thời gian hầm này còn được làm nơi cất giữ kho xăng và kho quân trang.

Con đường hầm được đào xuyên núi đá. 

Sau khi kho vũ khí được chuyển đi, ngọn núi Chùa Hang này cũng được chọn là nơi để cất giữ tiền bạc của quốc gia. Kho bạc này được Bộ Quốc phòng liên hệ với Bộ Tư lệnh quân khu III ở Hải Phòng quyết định giao cho Ngân hàng Trung ương sử dụng vào việc bảo quản tiền.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Tưởng, 86 tuổi ở xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thủy, Hòa Bình), người trực tiếp bảo vệ kho bạc khổng lồ. Mặc dù, tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông Tưởng vẫn nhớ rất rõ về những ngày tháng bảo vệ kho bạc của Nhà nước thời loạn.

Năm 1978, ông được phái đến nơi sẽ tập kết số lượng tiền khổng lồ này. Lúc đó, ông đang giữ chức phó trưởng Công an huyện. Ông đã nhận được lệnh từ Trung ương giao làm đội trưởng đội bảo vệ kho bạc của Ngân hàng Trung ương. Ông Tưởng nhớ lại: "Đây là trọng trách cực kỳ quan trọng, tôi không dám để sơ suất nào xảy ra. Từ khi có quyết định, tôi cũng cảm thấy hồi hộp vì số lượng bạc khổng lồ được chuyển về đây".

Ông Tưởng kể lại: "Năm 1979, số ngân khố rải rác ở Cao Bằng, Lạng Sơn cũng được đưa về miền xuôi để đảm bảo an toàn, bí mật. Tiền giấy được đưa về Hà Nội, còn số tiền kim loại lại được đưa về Chùa Hang bảo quản. Không ai trong chúng tôi được biết số lượng tiền là bao nhiêu. Chúng tôi không được thông báo, chỉ biết rằng có rất nhiều thùng kín đã được khóa lại cẩn thận và công việc là bảo vệ và bảo vệ. Tôi đếm sơ sơ, số lượng cũng rơi vào 4 nghìn hòm, mỗi hòm nặng khoảng 50 kg. Chủ yếu là số tiền bằng kim loại, được đúc ở Đức, với mệnh giá 1 xu, 2 xu và 5 xu".

Theo ông Tưởng, việc bảo vệ kho bạc khổng lồ rất cẩn mật. Hai cánh cửa vào được bảo vệ nghiêm ngặt bởi một trung đội cảnh sát và ba cán bộ kho bạc. Tất cả có hơn 10 người đứng gác, ngoài ra còn được tăng cường thêm hai con chó Béc - giê (loại chó trung cấp). Chìa khóa cổng được giao cho 3 vị cán bộ ngân hàng giữ, chỉ khi nào có đủ 3 người này để khớp chìa mới mở được.

Do hang động ẩm ướt, ở các nhũ đã tích tụ những giọt nước nhỏ rọt. Phải khơi thông để nước chảy, người ta còn dùng cả bạt, nilon để làm lều che không cho nước từ các hang đá rơi xuống làm cho một số lượng đồng tiền bị gỉ và hư hại nhiều.

Ông Tưởng cho hay: "Chúng tôi đã khơi những rãnh thoát nước, che bạt, nilon qua nhưng cũng không thể tránh được hư hại. Số lượng tiền bị hỏng hóc, hủy hoại khá nhiều. Trước tình hình đó, Ngân hàng Trung ương đã quyết định chuyển kho bạc này đi nơi khác.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Phi Diệp, phó chủ tịch UBND xã Yên Trị cho rằng: Hầm khổng lồ ở ngọn núi Chùa Hang là nơi để tập kết súng đạn của quân khu III và kho cất giữ lượng tiền khá lớn trong thời chiến.

Tuy nhiên, những bí mật về kho vũ khí đạn dược và kho bạc nhà nước thời loạn này chưa có một nguồn tài liệu nào ghi lại kỹ lưỡng

Thời Pháp thuộc, con sông ngầm cũng nằm trong khu vực mà Pháp dự định xây khu du lịch nghỉ dưỡng. Người Pháp đã có ý định đắp đập ở khu vực xóm Đôi, xóm Rại thuộc xã Hữu Lợi (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) để làm khu nghỉ dưỡng.

Khu vực con sông ngầm cũng nằm trong ý tưởng của người Pháp. Có một thời gian, những người dân vùng này đã được huy động đi đào đập, ngăn đê chuẩn bị thực hiện ý tưởng của dự án.

Sở dĩ Pháp chọn vùng này vì nơi đây có hệ thống mạch nước ngầm chằng chịt. Nếu thành công đây sẽ là nơi du lịch hấp dẫn, khách đến nghỉ dưỡng sẽ là các đại gia cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên ý định biến khu vực này thành vịnh Hạ Long trên cạn của người Pháp chưa thực hiện được.

Theo PL&ĐS

Bình luận
vtcnews.vn