Bết bát
Thoát khỏi cảnh thua lỗ trong 2012, Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã có lãi trong năm vừa qua và quý I/2013 cũng không còn thua lỗ.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, doanh thu bán hàng của Quốc Cương Gia Lai trong quý I/2013 đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng đó, chi phí hoạt động, chi phí lãi vay đều giảm mạnh giúp Quốc Cương Gia Lai ghi nhận lãi trong quý I/2013. Thêm nữa, Quốc Cương Gia Lai đã giảm được đáng kể chi phí lãi vay. So với cùng kỳ năm ngoái, chi phí lãi vay đã giảm còn bằng 1/5.
Tuy nhiên, Quốc Cương Gia Lai vẫn là doanh nghiệp nợ hàng ngàn tỷ đồng, nằm trong top các doanh nghiệp địa ốc nợ “khủng”. Nhưng theo báo cáo tài chính, mức độ vay nợ của Quốc Cương Gia Lai vẫn trong vòng kiểm soát. Nợ ngắn hạn đang bằng 40% tài sản ngắn hạn. Trong đó, khoản nợ ngắn hạn lớn nhất đến từ nợ người mua trả trước và các chi phí phải trả. Nợ vay ngắn hạn đã được Quốc Cương Gia Lai giảm đáng kể.Công ty của mẹ con Cường đô la trông chờ vào ý trời
Điều đáng nói từ một doanh nghiệp mạnh, được xếp vào danh sách chỉ số VN30 - là chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu có vốn hóa và tính thanh khoản tốt nhất thị trường, nhưng nhiều năm liền Quốc Cường Gia Lai liên tục lâm vào vòng xoáy lỗ nặng.
Theo báo cáo tài chính năm 2011, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã thua lỗ 39,83 tỷ đồng. Tiếp tục, trong quý 1, 2, 3 của năm 2012, Công ty này đã liên tục hứng chịu thua lỗ. Tính chung lũy kế trong cả 9 tháng đầu năm, công ty này đã lỗ 2,64 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai cũng sụt giảm một cách đáng lo ngại. Tính đến ngày 1/8/2013, giá cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai chỉ dao động ở mức 7000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, ngày giao dịch đầu tiên là 9/8/2010, cổ phiếu này có giá trị là 45.500 đồng/cổ phiếu, và đầu năm 2012 là 13.900 đồng/cổ phiếu.
Thậm chí, ngày 11/4/2012, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đã có thông báo về việc đưa cổ phiếu của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai vào diện cảnh báo.
Chưa dừng ở đó, sau một thời gian ngắn được xếp vào danh sách chỉ số VN30, thì đến tháng 7/2012, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai cũng ra khỏi trong rổ VN30.
Sự bết bát còn hiện rõ khi mới đây, Quốc Cường Gia Lai cũng đã thoái vốn của 2 công ty con là Nhà Hưng Thịnh (QCG nắm 90% vốn) và Nhà Quốc Cường (90% vốn). Sau đợt thoái vốn, Quốc Cường Gia Lai chỉ còn nắm vốn ở 5 công ty con và 3 công ty liên kết.
Trước đó, quý II/2011, Quốc Cường Gia Lai cũng đã phải bán 65% cổ phần (tương đương khoagr 121 tỷ đồng) của Công ty Quốc Cường Sài Gòn cho công ty CapitaValue Homes (thuộc Tập đoàn CapitaLand).
Tính đến cuối tháng 7/2013, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai chỉ còn giữ 537.500 cổ phiếu QCG, tương đương khoảng…3,8 tỷ đồng (tính theo giá cổ phiếu ngày 1/8 là 7.000 đồng/cổ phiếu).
Trụ sở của công ty cũng được chuyển về nhà riêng của bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Theo bà Loan, chi phí thuê văn phòng lên tớ 300 triệu đồng/tháng, tương đương 10 triệu đồng/ngày thì công ty “chịu không nổi”.
Vị Chủ tịch này cũng thừa nhận: “Bây giờ đất trung tâm của Quốc Cường Gia Lai có nhiều, nhưng không có tiền xây. Chẳng lẽ vì văn phòng làm việc của công ty lại đi vay để trả lãi là điều không thể. Thôi thì khi nào thị trường tốt lên mình bán được bất động sản, thì Quốc Cường Gia Lai sẽ xây trụ sở và trả nhà lại cho tôi”.
Tai tiếng
Tình hình tài chính nói chung của Quốc Cương Gia Lai có dấu hiệu bớt ảm đạm. Nhưng những vụ tai tiếng liên quan đến cái tên Quốc Cương Gia Lai thì vẫn không dứt.
Ngày 17/6, Nhà Quốc Cường (QCN) - một công ty con của Quốc Cương Gia Lai đã bị Tòa án nhân dân Quận 3 (TP.HCM) xử thua kiện một khách hàng mua nhà với mức phạt lãi giao chậm nhà là hơn 258 triệu đồng.
Chung cư Quốc Cường - Gia Lai (Phường Tân Kiểng, Quận 7, TP Hồ Chí Minh) chính thức được bàn giao hơn hai năm. Tuy nhiên, trong thời gian đó, công ty này cũng phải đối mặt với hơn 20 hộ gia đình khởi kiện chủ đầu tư với nhiều lý do khác nhau.
Số vụ kiện có thể sẽ tăng lên khi Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Quốc Cường không chỉ gây bức xúc cho khách hàng trong việc chậm giao nhà mà còn có các lý do khác như nội thất không đúng như các điều khoản trong hợp đồng; thu sai phần thuế giá trị gia tăng VAT.
Không chỉ tai tiếng vì kiện tụng, Quốc Cường Gia Lai còn khiến giới đầu tư liên tục sốc khi doanh nghiệp này thông báo đính chính kết quả kinh doanh.
Theo đó, số liệu sau khi đính chính cho thấy lợi nhuận cả năm 2013 tăng thêm hơn 3 lần và lợi nhuận quý IV hơn 2 lần so với con số công bố ban đầu.
Nguyên nhân chênh lệch số liệu, theo giải trình của Quốc Cường Gia Lai, là trong quá trình hợp nhất số liệu, kế toán đã làm nhầm số liệu doanh thu và lợi nhuận của công ty con dẫn đến kết quả kinh hợp nhất quý IV và cả năm 2012 có sự sai lệch như trên. Bên cạnh đó, do thời gian báo cáo tài chính quý IV/2012 trùng với thời gian nghỉ Tết âm lịch nên để kịp công bố kết quả kinh doanh hợp nhất nên kế toán làm gấp nên xảy ra tình trạng nhầm lẫn trên.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Quốc Cường Gia Lai đính số liệu kinh doanh với mức chênh lệch khủng.
Trước đó, trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý III/2010 của QCG có sự sai lệch thiếu số tiền hơn 83 tỷ đồng. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 của công ty cũng chênh lệch giảm số liệu lợi nhuận so với trước kiểm toán. Lợi nhuân 6 tháng đầu năm 2010 sau soát xét của kiểm toán cũng đã tăng đột biến lên 4 lần…
Gần đây nhất, hôm 30/7, Quốc Cường Gia Lai cũng khiến giới đầu tư ngao ngán khi công bố báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2013 bằng nội dung của năm 2012!
Trang tin của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đăng đường link báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2013 của QCG nhưng nội dung chi tiết lại là báo cáo quản trị năm 2012, được lập và ký vào ngày 24/1. Thông tin trên trang web của Quốc Cường Gia Lai ghi báo cáo quản trị được lập ngày 26/7 và cập nhật vào 30/7 nhưng không có thông tin cụ thể.
Sai nước cờ
Quốc Cường Gia Lai được thành lập năm 1994 với tên gọi xí nghiệp tư doanh Quốc Cường, lĩnh vực kinh doanh chính là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu; mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê; xuất nhập khẩu phân bón, với hơn 500 lao động.
Năm 2005, liên kết với xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh và bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản tại TP HCM, với 2 dự án điển hình là khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh 1 và Hoàng Anh 2.
Đến ngày 21/3/2007 chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ là 259 tỷ đồng. Từ thời điểm này, Quốc Cường Gia Lai được biết đến như một doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, trong đó bất động sản vẫn là lĩnh vực chủ lực.
Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này ngoài ly do khách quan là thị trường bất động sản đi xuống, sản phẩm không thể đẩy mạnh bán ra như dự kiến. Thì còn do nguyên nhân chủ quan là chiến lược đầu tư không hợp lý.
Chẳng hạn, dù xác định thị trường bất động sản trong năm là hết sức khó khăn, nhưng Quốc Cường Gia Lai vẫn đề ra chủ trương tiếp tục đầu tư vào những dự án bất động sản trọng điểm.
Thậm chí, doanh nghiệp còn tiến hành hợp tác đầu tư với các đối tác chiến lược để triển khai các dự án chung cư, văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn, khu thương mại cao cấp và trung cấp.
Ngoài bất động sản, doanh nghiệp này còn “ôm đồm” nhiều dự án không thuộc sở trường. Điển hình là việc đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà máy thủy điện. Quốc Cường Gia Lai đang thực hiện 4 dự án thủy điện gồm: Iagrail I, Iagrail 2, Ayuntrung và Plekeo.
Mặc dù đã chủ động thực hiện chậm lại nhưng Quốc Cường Gia Lai vẫn phải triển khai các việc đo vẽ, đền bù và hoàn tất thủ tục giấy phép đầu tư cho 4 công trình thủy điện. Đây là vấn đề nan giải, bởi đây là lĩnh vực đầu tư đặc thù nên phần lớn các dự án thủy điện thường khan hiếm nhân lực trong giai đoạn đầu tư và xây dựng.
Trong khi đó, gặp phải mùa mưa nên việc xây dựng hết sức khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nhập khẩu máy móc, nếu không địa phương sẽ thu hồi dự án. Vì lý do này, Quốc Cường Gia Lai vẫn phải thường xuyên dồn vốn vào các dự án thủy điện dù chấp nhận đi vay.
Cơ hội
Theo đánh giá của các nhà quan sát, cơ hội chuyển bại thành thắng đối với Quốc Cường Gia Lai chỉ còn phụ thuộc vào “ý trời”, tức là trông chờ vào sự ấm lên của thị trường bất động sản.
Điều này cũng được chính vị chủ tịch của Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan khẳng định trên báo chí: “Giờ mỗi ngày, tôi đều thấy tiền ra đi. Mỗi tháng công ty phải trả lãi vay tương đương vài căn hộ, thấy tài sản ra đi mà không cứu được. Mình bất tài thì biết làm sao! Thị trường giờ khó khăn lắm, rất đau đầu. Thôi thì cứ cố gắng, lạy trời cho qua khó khăn này”.
Để thực hiện quyết tâm xóa nợ, tại đại hội cổ đông Quốc Cường Gia Lai năm 2013, bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết, sẽ tiếp tục bàn giao và ghi nhận doanh thu từ các dự án, vận động cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu chuyển đổi trái phiếu cho VOF PE Holding 5 Limited với tổng giá trị 136,5 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư, sáp nhập Địa ốc Sài Gòn Xanh...
Nhưng vấn đề của Quốc Cường Gia Lai là phải thúc đẩy hơn nữa thanh khoản cho các danh mục đầu tư, giải phóng tồn kho, gia tăng dòng tiền. Dòng tiền cho đầu tư và dòng tiền từ tài chính ở Quốc Cường Gia Lai hiện đang âm. Trong khi Quốc Cường Gia Lai có nhiều dự án như: 24 Lê Thánh Tôn (quận 1, TP. HCM); dự án Lương Định Của (quận 2); dự án Phước Kiểng và các dự án tại Đà Nẵng... cần rót vốn đầu tư.
Để giải quyết được vấn đề này, bà Loan cho biết, công ty chấp nhận lãi ít để hại giá căn hộ. Theo đó, công ty có chủ trương hạ từ 20 triệu đồng/m2 xuống mức giá bán 12 triệu đồng/m2.
“Công ty đã xác định là đừng nói chuyện lời lỗ gì nữa, nếu mình bán sớm, thì mình có tiền trả nợ ngân hàng và trả cho khách hàng, may còn dư một ít”, bà Loan nhấn mạnh.
Theo Hội đồng quản trị của Quốc Cường Gia Lai, trên cơ sở dự án đang triển khai dở dang, lợi nhuận trước thuế của Quốc Cường năm 2013 có thể đạt 50 - 60 tỷ đồng.
Còn theo tính toán từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng xác nhận, nguồn thu của Quốc Cường Gia Lai trong năm 2013 sẽ đến từ các khoản như: khoản thanh toán của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (530 tỷ đồng) cho phần dự án Giai Việt và của BIDV (khoảng 200 tỷ đồng trong năm nay) cho phần dự án cao ốc Sài Gòn Plaza - Lê Thánh Tôn.
Như vậy, sự thành bại của doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc vào sự ấm lên của thị trường bất động sản.
Châu Anh
Bình luận