• Zalo

Bernard Tapie: 'Cáo già' không thoát được lưới trời

Thể thaoThứ Tư, 01/02/2017 15:24:00 +07:00Google News

Ở Marseille, công chúng gọi Tapie là “Berlusconi của nước Pháp”.

1993 là một năm đặc biệt của bóng đá Pháp. Ngay trong năm đầu tiên Cúp C1 châu Âu đổi tên thành Champions League, Marseille đã nhanh tay ẵm Cúp về dinh. Đó cũng là chức vô địch duy nhất của bóng đá Pháp sau 24 năm giải bước vào giai đoạn phát triển mới. Nhưng cũng chính là Marseille, niềm kiêu hãnh của thành phố Cảng, đã hủy hoại danh tiếng của nền bóng đá lâu đời bậc nhất châu Âu. 

Góc khuất sau tấm màn nhung

Ngày 26/5/1993, tại SVĐ Olympic ở Đức, Marseille và AC Milan đứng trước ngưỡng cửa lịch sử. Nếu thắng, một trong hai đội sẽ trở thành nhà vô địch đầu tiên của Champions League – giải đấu mang tên và thể thức thi đấu hoàn toàn mới. 

Marseille không phải quá yếu thế. Nhưng rõ ràng đặt họ lên bàn cân thăng bằng với Milan, tập hợp của Baresi, Van Basten, Maldini và Frank Rijkaard là cả một quyết tâm và dũng cảm to lớn. À còn chưa kể, ngồi trong cabin là HLV đại tài Fabio Capello.

Vậy mà đội bóng thành phố Cảng đã khiến tất cả những ai theo dõi trận đấu ấy phải há hốc miệng. Một lối chơi chặt chẽ, đầy kỷ luật cộng hưởng một bàn thắng của Basile Bosi đủ để nhấn chìm Rossoneri. 

Hai ngày sau, Marseille thắng nốt đại kình địch PSG và chính thức bảo vệ thành công danh hiệu quốc nội. Thực ra trận đấu ấy chỉ mang ý nghĩa thủ tục và hình ảnh bởi trước khoảnh khắc diệu kỳ ở Munich 7 ngày, Marseille đã sớm lên ngôi nhờ thắng lợi trước Valenciennes. 

anh_phu_1_marseille_fuyl

Đằng sau chức vô địch Champions League năm 1993 của Marseille là 1 âm mưu bẩn thỉu 

Giữa những tràng pháo tay hân hoan, góc khuất sau tấm màn nhung dần hé lộ. Hóa ra, Marseille đã dính vào vụ dàn xếp tỷ số làm chấn động làng bóng châu Âu. Đội chủ động “rao kèo” và đề nghị Valenciennes đá “lỏng chân” để đồng thời đảm bảo ngai vàng quốc nội và giữ chân trụ cột cho trận quyết chiến với Milan. Tất nhiên, là đi kèm khoản “lót tay” khoảng 250.000 francs, sau này được cảnh sát điều tra phát hiện giấu kỹ trong vườn nhà của một thành viên trong đội Valenciennes.

Oái oăm hơn cả, kẻ đầu sỏ của phi vụ ấy là Bernard Tapie, ông chủ tịch đáng mến. Chứ không phải ai khác.

Phải nhấn mạnh vào Bernard Tapie vì chẳng ai có thể tượng tưởng, vị tướng quân La Mã trở về Veledrome rạng ngời trong cơn say chiến thắng như lời bình của tờ Le Figaro lại là chủ mưu của phi vụ bẩn thỉu ấy. Mà bạn biết rồi đấy, nước Pháp được người ta nhớ tới vì sự mộng mơ, nét thánh thiện và trong sáng.

Giấy không bọc được lửa

Tapie không phải cái tên xa lạ gì. Tới từ vùng ngoại ô Le Bourget nằm về phía Đông Bắc của thủ đô Paris, Tapie đã leo tới vị trí cao nhất trong hội đồng quản trị của hãng sản xuất dụng cụ thể thao danh tiếng Adidas. Năm 1992, Tapie dấn thân vào chính trường khi ngồi vào ghế Bộ trưởng các vấn đề đô thị trong chính phủ nội các của thủ tướng Pierre Beregovoy.

Là ứng viên độc lập, Tapie nhanh chóng chiếm trọn niềm tin của tổng thống Francois Mitterrand. Đã xuất hiện tin đồn, Tapie là được người được chọn cho vai trò đứng đầu nền đệ tam cộng hòa. Ở Marseille, công chúng gọi Tapie là “Berlusconi của nước Pháp”.

anh-chinh-marseille_LSCS

 

Lắm tài và dĩ nhiên, Tapie cũng nhiều tật. Tapie có rất nhiều thủ đoạn để thăng tiến, mà điển hình là “hối lộ”. Vụ gian lận thuế cổ đông ở tập đoàn điện tử Toshiba buộc Tapie phải rời chức bộ trưởng sau 7 tuần nhận bàn giao. Tháng 12/1992, ông ta mới được phục hồi chức vụ.

Danh hiệu Ligue 1 của Marseille năm 1992 sớm đặt ra nhiều dấu hỏi cho NHM khi hàng loạt cầu thủ gửi đơn tố cáo Tapie vì hành vi thanh toán lương thưởng mập mờ của ngài chủ tịch.

Một năm sau, cao trào lên tới đỉnh điểm. Ngày 20/5/1993, Marseille gặp Valenciennes. Tapie vừa muốn Marseille vô địch sớm, nhưng cũng cần cầu thủ của đội đạt thể trạng khỏe nhất cho trận chung kết sau đó 1 tuần.

anh_phu_2_marseille_oiei

 Eydelie (giữa) là thành viên của Marseille trực tiếp liên hệ với 2 đồng đội cũ tại Nantes lúc đó đang đá cho Valenciennes là Robert và Burruchaga để bán độ

Dưới chỉ thị của Tapie, tổng giám đốc CLB Jean-Pierre Bernes – nhờ sự móc nối của Jean-Jacques Eydelie (cầu thủ mới tới Marseille), liên lạc qua điện thoại với Jacques Glassmann, Jorge Burruchaga và Christophe Robert (của Valenciennes). Bernes đề nghị 3 người này nhận tiền, đổi lại “buông” chân giúp Marseille dễ dàng đút túi ba điểm mà không mất sức hay lo đội hình sứt mẻ.

Trong một cuốn sách phát hành năm 2006, Eydelie kể lại: “Tapie dặn tôi nhắn những đồng đội từ ngày còn khoác áo Nantes nay đã chuyển tới Valenciennes không nên cư xư như những thằng ngu và phá hoại giấc mơ của Marseille ở Munich. Trước khi cúp máy, ông ta lên gân: Hiểu chưa?”.

Robert nhận tiền. Burruchaga dù chưa nhúng chàm nhưng bị cáo buộc là tỏ thái độ hưởng ứng dẫn tới hành vi lệch lạc. Duy nhất Glassmann từ chối. Anh này báo tin lên ban điều hành Valenciennes. Tin đồn lan tỏa và cuộc điều tra chính thức được mở rộng.

Tapie cáo ốm và từ chối mọi cuộc hẹn gặp. Ông ta tuyên bố nhận tội là treo cổ tự sát vì tin chắc cơ quan chức năng không đủ bằng chứng. Nhưng mọi chuyện vỡ lở khi vào ngày 30/6, Robert thú tội. Anh ta dẫn cảnh sát tới khu vườn sau nhà riêng ở thị trấn Dordogne, Perigueux và đào lên bọc chứa tiền đựng 250.000 francs, khoảng 30.000 euro.

Thời khắc của sự thật

Nhật báo Le Monde tường thuật bao bì và giấy gói tiền ở nhà Robert trùng khớp với mẫu vật tìm thấy ở văn phòng Marseille. Tổng giám đốc Bernes bị cáo buộc “cố tình gian lận” nhưng bằng cách nào đó, được chuyển vào trại tâm thần ở Lille. Jean-Louis Pelletier, luật sư của Bernes biện hộ “Ông ấy bị trầm cảm khi người ngoài liên tục ném bọc bùn vào nhà”.

Bằng quyền lực và mạng lưới quan hệ của mình, Tapie vẫn tạm thời bình an vô sự. Ông ta còn trơ tráo nhờ Boro Primorac, HLV trưởng Valenciennes nhận tội thay với “mức giá” 66.000 euro.

Càng kỳ lạ hơn là dân chúng Marseille lại ủng hộ Tapie. Đám đông ở thành phố có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 18% từ lâu đã coi bóng đá và CLB của Tapie như ngọn hải đăng soi chiếu cuộc đời. Nhiều người u mê tin rằng đấy là âm mưu của thủ đô Paris, những người muốn phá vỡ ách thống trị của Marseille trên sân cỏ.

Văn phòng chính phủ không đủ chứng cứ khởi tố Tapie. Tất cả dừng lại ở “tạm giam”, nơi Tapie phô trương sự kệch cỡm với hàng loạt bình loạn xúc phạm vào hệ thống nhà tù ở Pháp. “Tôi bị đối xử như con vật”, Tapie kêu oan.

anh_phu_3_marseille_ukoy

 Sau nhiều lần chối cãi, cuối cùng Bernard Tapie cũng phải cúi đầu nhận tội

Marseille sau đó bị tước chức vô địch Ligue 1, đồng thời không được tham gia chiến dịch bảo vệ ngôi vương Champions League. Những nhân vật dính líu tới vụ dàn xếp đều nhận án cấm tham gia hoạt động trong 2 năm.

Tapie trong khi đó vẫn già mồm bao biện “Các người định ném tôi cho chó gặm đúng không?” và còn dọa tự tử. Nhưng tới tháng 10, mọi chuyện bung bét. Eydelie cáo buộc Tapie mua chuộc sự im lặng của ông và phiên điều trần đầu tiên xuất hiện.

Video: Những pha xử lý bóng ngớ ngẩn của thủ môn khiến đồng đội lao đao

Các nghị sỹ Pháp đồng loạt bỏ phiếu nhằm bãi bỏ quyền miễn trừ quốc hội. Kết quả là 432-72. Tháng 2/1994, Tapie chính thức bị buộc tội tham nhũng, gian lận và hối lộ. Ngày 20/4, Tapie mất ghế chủ tịch Marseille.

Nhưng trong tháng 3, sự mù quáng của dân Marseille giúp Tapie có ghế trong hội đồng thành phố. Phải tới tháng 3/1995, với tuyên bố của Bernes “thời khắc của sự thật”, cuộc đấu tranh công lý mới đi tới hồi kết. Bernes khai toàn bộ những hoạt động tham nhũng và dàn xếp của Tapie tại CLB.

Nguồn: Bóng đá & Cuộc sống
Bình luận
vtcnews.vn