• Zalo

Bếp trưởng chia sẻ về dinh dưỡng cho trẻ

Sức khỏeThứ Tư, 03/07/2013 04:08:00 +07:00Google News

(VTC News) – Người phụ nữ này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe các cháu đang ở tuổi mầm non.

(VTC News) – Người phụ nữ này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe các cháu đang ở tuổi mầm non.


Nghề đầu bếp gần đây trở nên hào nhoáng với sự phát triển của gameshow, từ “siêu đầu bếp” đến “vua đầu bếp”. Nhìn rộng hơn, đầu bếp cũng …hai ba “sân khấu”. Suy nghĩ đó thôi thúc tôi tìm hiểu nghề bếp núc. Đặc biệt hơn, người đầu bếp này đóng vai trò quan trọng với sức khỏe của thế hệ tương lai.

trẻ
 
Khá mất thời gian mới hẹn gặp được bà Nguyễn Thúy Hợp, nguyên tổ trưởng tổ nuôi trường mầm non 20/10 lúc trưa muộn. Bà và tổ bếp là những người ăn trưa sau cùng ở trường. Bà Nguyễn Thúy Hợp có 30 năm kinh nghiệm phục vụ dinh dưỡng cho trẻ mầm non. Năm 2011, bà chính thức là bếp trưởng trường mầm non Bright School (khu đô thị Văn Quán, Hà Nội.)

Có lẽ câu hỏi vì sao bà làm đầu bếp thì hơi…thừa. Là một bếp trưởng mầm non, bà đã bắt đầu công việc đó như thế nào?

Mặc dù tôi được đi học trường nuôi dạy trẻ nhưng khi học xong tôi xin làm bộ phận bếp mà không lên đứng lớp. Năm 1982, vườn trẻ 20/10 có 1000 học sinh, nhà bếp phải nấu cho ba chế độ ăn gồm bột, cháo và cơm. Thời đó, nhà bếp phải đun bằng than cám. Hàng ngày chị em phân công làm đủ việc, từ việc đi nắm than để có đủ than nấu.

30 năm làm bếp cho trẻ, khó khăn lớn nhất của bếp trưởng mầm non là gì?

Tôi không dám nói làm bếp cho khách sạn, nhà hàng hào nhoáng thuận tiện hơn bởi vì “thượng đế” trả tiền có những đặt hàng khắt khe để đáp ứng gu ẩm thực của họ. Với trẻ con, khi nấu chúng tôi phải căn chỉnh theo tiêu chuẩn của trẻ. Các nguyên tắc thái nhỏ, nấu nhừ, vừa, không mặn, không nhạt. Nấu bát cháo không bị vữa. Tỉ lệ cho vào các món ăn phải đạt đủ calo, các chất đạm, mỡ, đường, vitamin phải được cân đối.

Có rất nhiều sự cố trong các khâu chuẩn bị tiểu tiết. Hồi xưa, chưa có trang thiết bị hỗ trợ, tôi đun bếp than từ ngày hôm trước, ủ lò rất cẩn thận nhưng đến hôm sau bếp bị tắt. Chị em phải ra sức quạt lò cho thật hồng để kịp giờ ăn của trẻ.

Là người có bằng nuôi dạy trẻ và biết cách chăm sóc trẻ ăn uống, nhưng tôi vẫn thấy khó khăn lớn nhất là đọc được suy nghĩ của trẻ. Trẻ con sẽ chỉ lắc đầu chán ăn và “cự tuyệt” chứ không nói rõ lí do. Làm thế nào đảm bảo dinh dưỡng mà vẫn kích thích con mắt háo hức của các con, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại, đời sống các gia đình khá giả hơn.

Nói về “vườn trẻ 20/10”, đó là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Hà Nội khi con mình học mầm non tại đây…?

Đúng! Niềm tự hào đó luôn đi theo tôi hàng chục năm qua. Ngày đầu tôi vào bếp trong tâm thế nấu cho con mình ăn. Khi con cháu lớn lên và tóc bạc dần, tôi làm việc bằng niềm tự hào của người đã chăm lo cho hàng ngàn con, cháu. Những khó nhọc, mồ hôi, ám khói đều được bù đắp khi thấy bọn trẻ lớn lên dần.

Sau khi về hưu năm 2007, tôi nhận lời về làm cho trường hiện tại cũng bởi chính tình yêu và niềm tự hào đó. Khi rời bỏ môi trường “nhà nước” qua làm trường tư thục, tôi cũng ái ngại. Nhưng chính nhờ quan điểm nghiêm túc của nhà đầu tư trong khâu tổ chức dinh dưỡng cho trẻ, tôi an tâm hơn rất nhiều.

Tiêu chuẩn một bếp ăn mầm non đạt chuẩn là gì, thưa bà?

Dù ở trường công hay trường tư, bếp ăn mầm non đạt chuẩn phải đảm bảo quy trình một chiều. Từ khâu nhận hàng thực phẩm phải rõ nguồn gốc, tươi, ngon, không ôi thiu, dập nát, có nhãn mác xuất xứ, hạn sử dụng. Đồ dùng sơ chế, chế biến được vệ sinh sạch sẽ.

Nguồn nước sạch và luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Người nấu ăn phải có trình độ, khỏe mạnh và am hiểu nhiều điều nằm ngoài…cái bếp của họ. Nhưng tôi thấy không “chuẩn” nào vượt qua được “chuẩn mê ăn” của trẻ. Phải làm trẻ háo hức chờ đợi “giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi” (cười).

Có thể hơi thẳng thắn, phụ huynh thường chăm sóc giáo viên đứng lớp. Còn góc bếp của bà thì sao?  

Thực sự ngày xưa tôi cũng hay tủi thân. Ngày lễ tết sự quan tâm của phụ huynh hầu như không có. Chế độ của cô dạy khác cô nuôi. Thời nay, các phụ huynh, mà nhất là ở trường tư rất văn minh mà cũng khắt khe hơn rất nhiều. Ví dụ ở trường tôi công tác hiện tại, phụ huynh tham quan khu bếp và nhà vệ sinh trước khi gửi con vào học. Đương nhiên, cách họ quan tâm, ứng xử với cô nuôi khiến tôi cũng bất ngờ khi làm ở một trường tư thục.

Kỷ niệm nào với phụ huynh khiến bà nhớ nhiều nhất?

Rất nhiều câu chuyện khiến tôi nhớ và cười tươi mỗi ngày trên đường đến trường. Có ngày, cả bà và mẹ bé chờ gặp tôi ở sân trường để hỏi “bà nấu cháo như thế nào mà lại không bị vữa và ngon thế, tôi nấu cháo ở nhà cháu không ăn”. Hay có một trường hợp cháu ở Linh Đàm, khi gửi vào trường rất biếng ăn. Sau một thời gian học, cháu rất ngoan ăn vì đồ ăn phong phú, trình bày lại đẹp mắt. Lúc bố mẹ chuyển việc đã mang con vào TP.HCM nhưng sau đó lại gửi cháu ra Hà Nội lại ở cùng ông bà vì đồ ăn không hợp. Ngày cháu về trường lại, tôi mừng như đón đứa cháu mình ở xa về...  

Bà luôn đặt ra những yêu cầu gì đối với nhân viên của mình?

Đầu bếp mầm non đòi hỏi cả sự sáng tạo và tập trung kỹ thuật, phải tâm đắc và tuyệt đối có đạo đức. Tôi dạy nhân viên mình đứng vào vị trí người có con nhỏ và phải luôn quan sát trẻ thơ. Kỹ thuật có thể dạy, nhưng đạo đức và tâm huyết thì phải truyền lửa, thấm từng chút một.

Cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện này!




Nhật Ái
Bình luận
vtcnews.vn