• Zalo

Bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận

Bệnh và thuốcThứ Sáu, 07/04/2023 08:47:41 +07:00Google News

Do lượng bệnh nhân điều trị lọc thận quá đông, nhiều bệnh viện tại TP.HCM phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày, có nơi đang rơi vào tình trạng quá tải.

TP.HCM có 39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 8 đơn vị trực thuộc bộ, ngành có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Để đáp ứng nhu cầu lọc thận cho bệnh nhân, mỗi bệnh viện đều phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày. Tuy nhiên, hiện có những bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải.

Nhiều bệnh nhân chuyển nơi chạy thận

Sau nửa tháng chạy thận ở một bệnh viện lớn tại TP.HCM, bà Lê Thị Quy, 48 tuổi, ngụ Đắk Nông được hướng dẫn chuyển về bệnh viện tuyến dưới để điều trị vì quá tải.

Bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận - 1

Bệnh nhân Lê Thị Quý, 48 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông xuống TP.HCM để chạy thận nhân tạo (Ảnh: K.D)

Sau nhiều lần tìm kiếm, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức: “Xin ở lại được nửa tháng thì bệnh viện quá tải, chỉ chạy cho bệnh nhân cấp cứu thôi. Bệnh viện chuyển tôi sang Bệnh viện quận 8 hay là Quận 10 gì đó. Tôi mới liên hệ về tỉnh nhưng họ phải chạy tăng ca buổi tối, sức khỏe tôi không đảm bảo nên tôi xin về quận 2 (TP Thủ Đức) để tiện cho việc đi lại”.

Tình huống này tương tự đối với anh N.T.D.H, 30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức: “Khi ở trên Bệnh viện Thống Nhất thì chạy thận cấp cứu vẫn có máy đảm bảo lọc thận cho mình, tuy nhiên đến khi phải đăng ký chạy định kỳ thì còn dư đúng 4 máy, kể cả máy dịch vụ cũng không còn luôn. Cho nên các bác sĩ đã giới thiệu cho mình về đây. Tại đây thì các y bác sĩ cũng tận tình giúp đỡ”.

Tại Bệnh viện Thống Nhất, chỉ có 45 máy điều trị nhưng phải lọc máu cho khoảng 150 ca chạy thận mỗi ngày. Từ nhiều ngày trước, bệnh nhân phải nằm dọc hành lang chờ. Ngoài các bệnh nhân cấp cứu, Khoa Thận Nhân tạo không thể tiếp nhận thêm các trường hợp chạy thận khác.

Một bác sĩ ở Khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện Thống Nhất cho biết, bệnh viện cũng đã có nhiều máy chạy cho dịch vụ, còn lại vẫn luôn ưu tiên cho trường hợp cấp cứu. Hiện khoa đang có gần 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, các y, bác sĩ tại khoa làm việc liên tục từ 5h-18h. 

“Bệnh nhân đông mà làm cực lắm, làm mà máy móc thì thiếu, điều dưỡng thì cực. Tạm gọi thì làm không nổi đó, tức là làm thì lỗ, máy thì ít, bệnh thì đông. Một số bác có Bảo hiểm y tế cũng phải chuyển đi nơi khác, chuyển về tuyến quận ấy. Tại vì nhiều khi hết máy. Rồi khi nào có máy thì gọi họ về nếu họ đồng ý”, vị bác sĩ nói. 

 “Càng làm, càng lỗ”

BS.CKII Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, thời gian gần đây, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ các bệnh viện khác và có cả người ở những tỉnh thành ngoài TP.HCM đến chạy thận.

Hiện, khoa Thận nhân tạo có 31 máy lọc thận, giải quyết cho gần 200 bệnh nhân, chạy 3 ca mỗi ngày, bao gồm cả chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc máu liên tục, hồi sức.... Nếu chạy đủ 4 ca như nhiều bệnh viện khác, khoa có thể tiếp nhận thêm từ 60 - 70 bệnh nhân nữa. Nếu vậy các điều dưỡng ở đây sẽ bị quá tải.

Bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận - 2

Cơ cấu giá mà bảo hiểm y tế chi trả cho việc chạy thận vẫn chưa tính đúng, tính đủ, nên không đủ để bệnh viện bù chi phí máy móc, dây truyền, vận hành….(Ảnh KD)

Lý giải về nguyên nhân nhiều bệnh viện quá tải chạy thận không chỉ riêng tại TP.HCM, bác sĩ Thanh nhận định, vấn đề tầm soát bệnh đã phát triển, nên người mắc bệnh được phát hiện nhiều hơn. Các kỹ thuật điều trị suy thận ngày càng tiến bộ, chi phí điều trị giảm đáng kể so với trước đây nên bệnh nhân tiếp cận sớm và được điều trị.

Kế tiếp, tuy lượng bệnh nhân gia tăng nhưng việc xây dựng cơ sở vật chất chạy thận lại gặp rất nhiều trở ngại. Bác sĩ Thanh nêu ví dụ, với một khoa phòng khác, nếu quá tải sẽ kê thêm giường cho bệnh nhân nằm, nhưng với bệnh nhân chạy thận sẽ liên quan đến máy lọc máu, hệ thống màng lọc RO, kho chứa dịch… rất tốn kém. Việc mua sắm cũng phải đáp ứng các quy định chặt chẽ về đấu thầu với kế hoạch lâu dài…

Đáng nói, cơ cấu giá mà bảo hiểm y tế chi trả cho chạy thận vẫn chưa tính đúng, tính đủ, nên không đủ để bệnh viện bù chi phí máy móc, dây chuyền, vận hành… Cho nên bệnh viện càng làm càng bị lỗ. Còn nếu bệnh nhân chạy thận ở cơ sở tư nhân thì nhiều bệnh nhân không chi trả được.

“Tính ra chi phí cho một cuộc lọc máu ở Việt Nam là thấp nhất. Dây lọc máu BHYT chi trả sử dụng lại 6 lần, nhưng các khoa thận nhân tạo đều sử dụng 1 lần, không rửa lại. Các chi phí cho xét nghiệm nước RO định kỳ cũng chưa được cơ cấu vào giá. Mình làm vì thương bệnh nhân hoặc là làm vì đủ dịch vụ kỹ thuật, là sân sâu hỗ trợ cho các đơn vị hồi sức, hoặc là những cái bệnh mà cần phải chạy thận”, bác sĩ Từ Kim Thanh nói. 

Đầu tư nguồn lực mở đơn vị chạy thận ở tuyến cơ sở

Theo báo cáo từ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ là 4.254 người (tăng rõ so với cách đây 5 năm, thời điểm lúc bấy giờ chỉ hơn 3.000 người). Điều đáng lưu ý là người bệnh có địa chỉ ngoài TP.HCM chiếm tỷ lệ gần 20%. Dự báo nếu số bệnh viện có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi thì nguy cơ quá tải tại các bệnh viện là khó tránh khỏi. 

BS.CKII Võ Ngọc Cường, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết, nhu cầu chạy thận của bệnh nhân ở Bình Chánh và khu vực lân cận là rất lớn, nhưng người dân phải di chuyển xa đến nội thành để lọc máu. Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã phê duyệt cho bệnh viện 6 máy chạy thận và đưa vào hoạt động trong cuối quý 2, đầu quý 3 tới. Sẽ có chuyên gia ở Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về công tác tại đây.

Bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận - 3

Bệnh viện tiến hành đủ 4 ca chạy thận liên tục trong ngày sẽ khiến cho công việc điều dưỡng quá tải. (Ảnh: K.D)

Về dài hơi, bệnh viện sẽ phát triển từ đơn vị Thận Nhân tạo thành khoa Thận Nhân tạo, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ Võ Ngọc Cường nói: “Sẽ có thể là số lượng tăng gấp 3 lần, với khoảng 20 máy chạy thận nhân tạo để phục vụ cho bà con. Có thể 1 ngày từ 2 hoặc 3 ca/máy. Lúc đó mới hy vọng đáp ứng nhu cầu chạy thận nhân tạo của bà con Bình Chánh trước, sau đó mới nghĩ đến việc đón nhận bệnh nhân ở các tỉnh miền Tây”.

Trước nguy cơ quá tải bệnh nhân chạy thận, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã có buổi họp với các bệnh viện đầu ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận để thảo luận, đánh giá nhanh giữa nhu cầu chạy thận cho người bệnh bị suy thận và khả năng cung ứng của các bệnh viện trên địa bàn.

Các chuyên gia kiến nghị cần sớm củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận. Trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực (từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các bệnh viện), giúp tất cả các bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện để triển khai chạy thận cho người bệnh cư ngụ trên địa bàn.

Kim Dung(VOV-TP.HCM)
Bình luận
vtcnews.vn