Đến viện từ 5h sáng để chờ vào khám, bác Trần Bá Hào (68 tuổi, ở Vĩnh Phúc) may mắn khám xong sớm. Tuy nhiên, 2h chiều mới có kết quả nên bác Hào bỏ cơm mang theo ra ăn và nằm nghỉ ngay tại sảnh của Khoa Khám bệnh.
“Tôi bị bệnh thận, dù đã khám ở tỉnh nhưng không yên tâm, tháng nào cũng xuống BV Bạch Mai kiểm tra. Đây là BV tuyến trên không tránh khỏi tình trạng đông đúc nên lần nào tôi cũng đi sớm. Khám xong có thể nghỉ ngơi tại viện chờ kết quả”, bác Hào chia sẻ.
Theo bác Hào, dù đông nhưng bác sĩ khám cẩn thận. Tất nhiên, cũng có lần gặp bác sĩ khám qua qua nhưng không phải thường xuyên. Người bệnh chúng tôi rất thông cảm với BV vì các bác sĩ, nhân viên y tế đã nỗ lực hết mình, BV đông do đa số bệnh nhân vượt tuyến đến khám…
Gian nan hơn trong quá trình khám chữa bệnh, cô Nguyễn Thị Diện (ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Tôi đưa con đi khám u tuyến giáp từ thứ 5 tuần trước đến thứ 4 tuần này chưa xong. Ngày nào cũng xếp số nhưng 1 tuần mới xong thủ tục, giấy tờ xét nghiệm, siêu âm…
Do phải chờ lâu nên mẹ con tôi phải thuê trọ ở Hà Đông để chờ khám và hoàn thiện thủ tục. Ngày nào, tôi cũng phải vật vờ ở bệnh viện, mệt thì trải bạt ra hành lang nằm nghỉ. Nhân viên y tế giải thích, sở dĩ khám lâu vì con tôi phải làm nhiều xét nghiệm, chụp chiếu trong khi bệnh nhân quá đông.
“Nếu bệnh viện có thể nhanh chóng được quy trình khám chữa bệnh thì tốt cho chúng tôi quá. Chúng tôi ở xa cứ phải thuê trọ cũng vất vả. Sáng sáng, tôi phải thuê xe đi, chiều lại thuê xe về nên rất tốn kém. Ở quê, tôi cũng không có công việc gì ổn định, chỉ làm ruộng thôi”, cô Diện nói.
12h30 trưa, tại khu Khám bệnh dịch vụ, người ngồi, người nằm khắp nơi. Đa số người bệnh cho biết, họ đã xét nghiệm xong nhưng phải chờ lấy kết quả vào buổi chiều. Thời gian lấy kết quả lâu nên họ rất mong muốn được rút ngắn.
Không thể "đuổi" bệnh nhân
Theo khảo sát của Bộ Y tế, việc cải tiến quy trình khám bệnh đã giảm được thời gian khám bệnh trung bình là 40 phút/người bệnh.Theo quy định, tất cả các BV đều phải tuân thủ các bước gồm: Làm thủ tục tiếp đón người bệnh; thăm khám lâm sàng; khám cận lâm sàng; thanh toán viện phí; cấp phát thuốc về điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, tùy từng loại bệnh và chuyên khoa thì quy trình có thể khác nhau.
TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Bạch Mai cho hay, trung bình một ngày BV Bạch Mai đón 2.500-3.000 bệnh nhân đến khám. Tính bình quân thời gian từ lúc tiếp nhận đến khi bệnh nhân được kê đơn thuốc, chúng tôi đã đạt mốc 4 giờ. Tuy nhiên, những bệnh nhân nặng, nhiều xét nghiệm chẩn đoán… phải chờ dài hơn.
Nơi vướng nhất là khâu tiếp đón thì thời điểm cao nhất, chúng tôi đã mở 30 cửa để giải phóng nhanh. Lấy bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm cũng tại nơi khám, bệnh nhân không phải chạy tìm nhiều nơi.
Chúng tôi cũng đã mở rộng khoa khám bệnh để các dịch vụ soi dạ dày, trực tràng, điện tim, điện não, đo loãng xương, chụp CT… đều liên hoàn trong khu khám bệnh.
Video: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM: Bệnh nhân chen nhau dưới gầm giường, bác sĩ phải ngồi xuống tiêm
Từ 6h30 sáng hàng ngày, hàng trăm lượt bệnh nhân được tiếp nhận vào khám bệnh thay vì phải xếp hàng lấy số rồi ngồi đợi đến 7-8h mới được khám.
“Để triển khai chính sách này, 100% nhân viên y tế khoa Khám bệnh đã ký cam kết tự nguyện đi làm từ 5h, 5h30 sáng hàng ngày, phía bệnh viện cũng có chế độ đặc biệt cho những nhân viên, y bác sĩ đi làm sớm”, TS Dương Đức Hùng cho biết.
“Nếu tuyến trung ương như BV Bạch Mai làm tốt, bệnh nhân tin cậy, đến đông thì lại khó giảm tải. Vì vậy, các tuyến phải phấn đấu đồng đều, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bệnh nhân không được đến bệnh viện này hay bệnh viện khác chữa bệnh”, TS Hùng cho hay.
Bình luận