• Zalo

Bệnh sởi, hạt mùi: Những điều có thể bạn chưa biết

Sức khỏeChủ Nhật, 20/04/2014 07:50:00 +07:00Google News

(VTC News) – Sử dụng rau mùi, hạt mùi phòng sởi rất tốt, nhưng các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý vài điểm sau để tránh phản tác dụng, gây biến chứng nguy hiểm.

(VTC News) – Sử dụng rau mùi, hạt mùi phòng sởi rất tốt, nhưng các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý vài điểm sau để tránh phản tác dụng, gây biến chứng nguy hiểm.

Không chỉ gây các biến chứng như kiết lỵ ra máu mũi, tiêu chảy kéo dài, viêm phổi, sởi còn có thể là nguyên nhân gây còi xương, suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi nếu không được điều trị đúng.

Trong hơn 300 ca sởi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 90% bệnh nhân là người lớn. Nhiều người nặng phải thở máy, biến chứng viêm não.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cảnh báo, bất cứ ai chưa có miễn dịch (chưa tiêm phòng, chưa từng mắc) thì đều có nguy cơ bị sởi, người lớn cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu trẻ thường biến chứng chủ yếu là bội nhiễm đường hô hấp dẫn tới suy hô hấp nặng thì ở người lớn là biến chứng viêm não.

Hạt mùi già có tác dụng kháng khuẩn rất tốt
Hạt mùi già có tác dụng kháng khuẩn rất tốt 
Dạo qua một số diễn đàn trên mạng, hầu hết các mẹ có con nhỏ đều lan truyền thông tin về việc tắm nước lá mùi và hạt mùi có thể phòng bệnh sởi hiệu quả. Do vậy, nhiều người đã không tiếc thời gian, công sức 'lùng' khắp nơi mua hạt mùi về nấu nước cho con tắm.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên Chủ tịch hội Đông Y Việt Nam cho biết việc phòng ngừa bằng rau mùi và hạt mùi tốt nhưng chỉ phòng bệnh. Khi trẻ bị sởi tuyệt đối không tắm hạt mùi. Có thể cho trẻ uống nước hạt mùi sắc.

Ông Hướng nhấn mạnh:"Tuyệt đối không lấy hạt mùi và lá mùi đun nước tắm cho trẻ trong khi đang bị sốt, ủ bệnh sởi hay khi trẻ đã mọc ban và thậm chí là ngay khi sởi vừa bay".

Cũng theo bác sĩ Hướng, nếu tắm cho trẻ khi đang sốt, ủ bệnh, hoặc khi đã mọc ban hay vừa bay sởi có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương khẳng định cho đến nay chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh rằng tắm lá mùi có thể ngăn ngừa được việc mắc bệnh sởi. Trong dân gian mọi người mới truyền nhau cách dùng lá mùi để tắm gội phòng một số bệnh về da liễu, chứ chưa có bác sĩ nào khuyến cáo chắc chắn rằng tắm lá mùi sẽ phòng được sởi.

Hiện nay cách phòng bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc xin ngừa sởi. Tuy nhiên, ngay cả với vắc xin, dù tốt đến đâu cũng chỉ có 95% hiệu quả bảo vệ. Như vậy, vẫn có 5% trẻ dù được tiêm vắc xin sởi đầy đủ vẫn có khả năng mắc bệnh.

Do đó, trong thời điểm hiện tại, bên cạnh việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho trẻ, các bà mẹ cần hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người.

Ngoài ra, các bác sỹ cũng khuyến cáo, khi bị sởi, cần tránh gió, tránh lạnh, tránh nước. Việc dùng lá mùi, hạt mùi hay bất cứ loại lá nào theo kinh nghiệm dân gian đều phải hỏi ý kiến các bác sĩ.

Chăm trẻ bị sởi ra sao?

Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước
Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước 
Trẻ em bị sởi nên dùng các thực phẩm như củ năng, đậu hũ, cháo đậu đỏ, cháo đậu xanh, cháo cà rốt, bắp cải, cải bó xôi, mía lau, nấm hương, củ cải đường, hoa hiên (hoa kim châm), bí đỏ, bông cải xanh, bí đao, rau dền đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lê, giấm gạo, cá chép, cá da trơn (cá ba sa, sa ba, cá bông lau), cá hồi, cá trích, thịt heo nạc, nho, trà xanh, rong biển, cà chua, cà rốt, chuối, táo, lê, đậu xanh, hạt sen, hạt mè, hạt ý dĩ…

Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, khoảng 6 -8 cốc nước/ngày để giảm thiểu tình trạng mất nước của cơ thể. Không nên uống các loại nước kích thích, có ga.

Nhỏ thuốc mũi hoặc mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày.

Nếu trẻ không bị biến chứng thì tuyệt đối không dùng kháng sinh, chỉ nên dùng B1, vitamin C liều cao. Nếu trẻ bị biến chứng khi liên tục bị sốt nên hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ và đưa trẻ đến bệnh viện uy tín để theo dõi và điều trị.

Trẻ em đang bị bệnh sởi thì không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri, rau thì là… Những thực phẩm này có tác dụng trợ nhiệt, động huyết, gây ra những phản ứng bất lợi cho người bệnh.

Hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói, nội tạng động vật, bánh kem, chocolate… Đây là những thức ăn rất dễ sinh đàm nhiệt, thấp nhiệt, động hỏa, cũng không có lợi cho người bệnh sởi.

Nếu trẻ bị dị ứng khi ăn các thức ăn (như trái cây sấy khô, các loại hải sản như cua, ốc, nghêu, sò, mực, cá biển, đậu phộng, chocolate, pho mát, sữa, trứng, phụ gia thực phẩm, các chất cay nóng, gây kích thích) thì nên tránh, không được dùng.

Cách phòng ngừa bệnh sởi

- Dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay trước khi ăn và trước khi chế biến thức ăn.
- Tiêm phòng vắc-xin sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Đây là biện pháp chủ động để ngừa bệnh sởi.

 

M.Q(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn