• Zalo

Bệnh nhân đau đớn trên xe cứu thương, người đi xe quyết không nhường đường

Thời sựThứ Ba, 20/01/2015 12:01:00 +07:00Google News

Tài xế sốt ruột vì bệnh nhân đang đau đớn trên xe cứu thương, nhưng khi hú còi xin ưu tiên có người còn 'trêu ngươi', chửi rất tục.

(VTC News) – Tài xế sốt ruột vì bệnh nhân đang đau đớn trên xe cứu thương, nhưng khi hú còi xin ưu tiên có người còn 'trêu ngươi', chửi rất tục.

Người nước ngoài vẫn nhường đường xe cứu thương ở Hà Nội

Ông Nguyễn Huy Quang, lái xe cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thán phục tinh thần của người dân Đức thể hiện trong video ghi lại cảnh hàng trăm ô tô trên 1 tuyến đường cao tốc của nước Đức nhanh chóng dạt vào 2 bên lề đường để nhường khoảng trống cho chiếc xe cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ tai nạn phía trước.
 Ông Nguyễn Huy Quang - người có kinh nghiệm 19 năm lái xe cấp cứu tại Hà Nội.

“Trước khi về Việt Nam lái xe cứu thương, tôi từng làm việc ở Nga 7 năm và có dịp đi hầu hết các nước châu Âu. Tôi thấy ở đó họ khác nước mình rất nhiều. Người dân tại các nước này, khi thấy còi xe ưu tiên, tất cả người đi bộ hay đi bằng bất cứ phương tiện gì thì họ đều lập tức dẹp vào lề đường để nhường đường cho xe ưu tiên. 

Ngay tại Hà Nội hiện nay, khi nghe tiếng xe cứu thương là người nước ngoài lập tức dẹp ra ngay, còn người Việt Nam mình không thế, dân mình không dẹp đâu.

Nếu có dẹp thì phải trong trường hợp có đường rộng họ mới dẹp. Còn có trường hợp cá biệt, họ không những không dẹp mà còn trêu ngươi mình, thậm chí có người còn chửi cả lái xe cứu thương” - ông Quang nói.

Ông Nguyễn Huy Quang cho hay, tình trạng tắc đường hiện nay là nỗi “ác mộng” của các lái xe cứu thương. Nhiều khi, lái xe muốn chở người bị nạn tới bệnh viện thật nhanh nhưng cũng đành bất lực trước biển người tại các ngã ba, ngã tư.

 

Ý thức của người dân chúng ta vẫn mang phong thái của các nước kém phát triển. Khi tới đoạn đèn xanh đèn đỏ, theo quy định là xe cứu thương được ưu tiên, vì vậy có lúc tôi bấm còi để xin vượt lên. Nhưng khi thấy mình bấm còi, có người đi đường quay lại chửi ngay.
Ông Nguyễn Huy Quang
 
“Cơ sở hạ tầng giao thông, đường xá chúng ta còn hạn chế. Nhiều khi đông quá, có người muốn tránh đường cho xe cứu thương cũng không biết tránh vào đâu. Trên vỉa hè thì các cửa hàng bày bán kín, xe máy cũng chen nhau đi lên. 

Dưới lòng đường xe cộ san sát nhau thì biết tránh vào đâu nữa. Đó là thực tế giao thông ở Hà Nội. Đặc biệt là vào đầu buổi sáng, giữa trưa và cuối giờ chiều thì đường luôn chật kín người, xe cứu thương muốn nhanh cũng không nhanh được,” ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, ngoài việc hạ tầng giao thông còn hạn chế thì lý do chính vẫn là vì ý thức của người dân chúng ta còn kém nên mới xảy ra cảnh tắc đường. Đã không ít lần, ông Quang bị người đi đường “trêu ngươi”, thậm chí chửi mắng vì can tội “bóp còi” xin vượt.

“Ý thức của người dân chúng ta vẫn mang phong thái của các nước kém phát triển. Khi tới đoạn đèn xanh đèn đỏ, theo quy định là xe cứu thương được ưu tiên, vì vậy có lúc tôi bấm còi để xin vượt lên. Nhưng khi thấy mình bấm còi, có người đi đường quay lại chửi ngay. Chuyện đó vẫn thường xuyên xảy ra. 

Ngay cả khi đường thông thoáng, nhiều người vẫn cố tình không chịu nhường đường cho xe cứu thương. Thanh niên thường hay có hành động như vậy. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp một số nhóm thanh niên đi uống rượu uống bia về.

Họ thường đi hàng ngang để vừa đi vừa nói chuyện. Tôi bấm còi xin vượt nhưng có khi họ chẳng chịu tránh, cứ đi lượn lờ phía trước. Gặp những trường hợp như vậy, tôi cũng đành chịu, không dám vượt lên vì không an toàn,” ông Quang chia sẻ.

Vị lái xe kỳ cựu của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết thêm, cũng chính vì cảnh tắc đường mà những người lái xe như ông luôn phải chịu áp lực rất lớn từ phía gia đình nạn nhân. 
 Một xe cứu thương mắc kẹt giữ dòng người tại ngã tư Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, Hà Nội.

“Chúng tôi luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Gia đình nạn nhân thì luôn có yêu cầu và thúc giục xe cứu thương phải tới thật nhanh, phải chạy thật nhanh tới bệnh viện. Nhưng họ có biết đâu là đường thường xuyên tắc nghẽn. 

Nhiều khi, để tránh những tuyến đường ùn tắc, chúng tôi buộc phải đi đường vòng để tới bệnh viện trong thời gian nhanh nhất. Nhưng khi đó, người nhà nạn nhân lại cho rằng chúng tôi thiếu trách nhiệm, họ bảo ‘đường ngắn sao không đi lại đi đường dài’. 

Tới các ngã ba, ngã tư, chúng tôi bấm còi xin vượt thì có khi bị người đi đường chửi, không bấm thì bị người nhà bệnh nhân nói ‘tại sao được bấm, được vượt’ mà không làm?” ông Quang nói.
Do tắc đường, xe cứu thương tới chậm dẫn tới việc người bệnh tử vong là khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, do tắc đường, xe cứu thương tới chậm dẫn đến việc bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời và tử vong là điều khó tránh khỏi.

“Trường hợp bệnh nhân nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời thì làm sao mà cứu được. Tất nhiên, việc một người tử vong còn có nhiều nguyên nhân. Có trường hợp, khi người nhà phát hiện thì bệnh tình và báo xe cấp cứu thì đã qua mất giai đoạn cấp cứu có lợi rồi, khi tới bệnh viện cũng không cứu chữa được nữa. Đó là lý do khách quan.

Trường hợp gia đình người ta báo nhanh, kịp thời, đồng thời giao thông thông thoáng thì mình đến bệnh viện được nhanh, người bệnh có thể được cứu chữa. Nếu gia đình gọi giữa lúc đường đông, xe cứu thương không thể đến được nhanh thì cũng đành chấp nhận chứ biết làm sao được,” ông Quang nói.

Thương bệnh nhân đang đau đớn trên xe

Một nhân viên khác, điều khiển chiếc xe cấp cứu BKS 30M-003XX thuộc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày anh chở khoảng 10-15 ca cấp cứu trên địa bàn Hà Nội.

Trong đó, chỉ các ca chạy vào ban đêm là không tắc đường. Còn lại, ban ngày, hầu như lúc nào cũng gặp cảnh tắc đường, nghiêm trọng nhất là vào các khoảng thời gian từ 7h00 – 8h30; 16h30 – 18h30. 

Video: Người Đức nhường đường cho xe cứu thương


Tài xế này cũng xác nhận, việc anh bị người đi đường phản ứng là điều không lạ lẫm. “Còi không có tác dụng, bây giờ, khi tới các ngã ba, ngã tư, chúng tôi còn không dám bấm còi. Vì còi một cái là có người quay lại chửi luôn. Chửi rất tục. 

Có thể nói, khi gặp tắc đường, xe cứu thương cũng không được ưu tiên gì cả, đành phải nhích từng chút một, có khi phải đứng chôn chân cả tiếng đồng hồ là chuyện bình thường.

Những lúc đó, chỉ thương cho bệnh nhân đang đau đớn trên xe. Nếu chẳng may vì cấp cứu muộn mà họ bị ảnh hưởng tới tính mạng thì thật buồn, thật oan uổng,” lái xe 115 cho hay.

Cùng quan điểm với các lái xe thuộc Trung tâm 115, anh Phan Trọng Đạo – lái xe cứu thương của Công Ty TNHH Vận Chuyển Người Bệnh Bắc Việt cũng tỏ ra bức xúc khi nói tới chuyện tắc đường, người dân chẳng ai chịu nhường ai khi tham gia giao thông.

Anh Đạo cho hay, có lần anh chở bệnh nhân từ khu vực Bệnh viện đa khoa Hà Đông tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phải mất tới 2 tiếng vì tắc đường. Trong khi đó, nếu đường thông thoáng, quãng đường này xe cứu thương chỉ di chuyển trong vòng 10 phút.

“Rất may là ca đó, bệnh tình của bệnh nhận không nguy cấp. Nếu bệnh nguy cấp thì không biết điều gì sẽ xảy ra,” anh Đạo nói.

Lái xe của Công Ty Bắc Việt cho biết, kinh nghiệm của lái xe cứu thương là luôn chọn lựa những con đường thông thoáng nhất để đi. Tuy nhiên, vẫn có khi gặp cảnh “đường nào cũng tắc”.  

“Các tuyến đường hay ùn tắc nhất là Láng Hạ, Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh…Chúng tôi thường tránh các tuyến đường này vào giờ cao điểm. Nhưng nhiều khi, chọn đường khác rồi vẫn gặp tắc đường, CSGT cũng không giúp gì được,” anh Đạo cho hay.

Trước câu hỏi, có trường hợp nào vì tắc đường, nạn nhân không được cấp cứu kịp thời dẫn đến tử vong hay không, anh Đạo nói: “May mắn là từ trước tới nay, tôi chở bệnh nhân chưa có trường hợp nào tử vong trên đường đi cấp cứu.

Tuy nhiên, trường hợp được đưa tới bệnh viện không cứu được, tử vong là có. Còn về lý do tại sao họ tử vong thì tôi không dám khẳng định.”

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn