• Zalo

Bệnh nhân 91 từ chối chụp ảnh, phỏng vấn: Quyền của họ, sao phải xôn xao?

Ý kiếnThứ Bảy, 11/07/2020 15:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dân mạng đang trách bệnh nhân 91 khi ông từ chối tiếp xúc truyền thông, riêng cá nhân tôi thì thấy đó là quyền của họ, có gì đâu phải xôn xao.

Cộng đồng mạng đang lan truyền hình ảnh văn bản được cho là của Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM gửi Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 9/7 về việc xuất viện của bệnh nhân COVID-19 số 91. Văn bản này thông báo nguyện vọng của phi công người Anh là không tiếp xúc với giới truyền thông khi ông ra viện ngày 11/7. Bệnh nhân không muốn tham gia chụp hình và phỏng vấn của bất cứ báo đài nào.

Nguyện vọng này khiến nhiều cư dân mạng buồn bực, thấy như "bị tổn thương". Không ít bình luận gay gắt cho rằng viên phi công xử sự như vậy giống như không ghi nhận nỗ lực của đội ngũ chuyên gia và tấm lòng của người dân Việt Nam suốt nhiều tháng ngày ông thập tử nhất sinh, nay trở về từ cửa tử.

Bệnh nhân 91 từ chối chụp ảnh, phỏng vấn: Quyền của họ, sao phải xôn xao? - 1

Bệnh nhân 91 được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Về vấn đề này, theo ý kiến cá nhân tôi thì thấy chẳng có gì phải ồn ào. Người phương Tây cực kỳ coi trọng quyền riêng tư và bảo vệ thông tin, hình ảnh cá nhân, nên việc từ chối chụp hình, phỏng vấn theo tôi là rất bình thường.

Được các bác sĩ Việt Nam chạy chữa, chăm sóc hết lòng, được người dân Việt Nam quan tâm, cầu chúc sức khỏe, thậm chí còn đăng ký hiến tạng để cứu mình, phi công người Anh đã nhiều lần bày tỏ sự biết ơn sâu sắc. Ông thậm chí từng thốt lên: “Nếu ở một nơi nào khác, tôi đã chết”.

Vì thế, không lý do gì trách bệnh nhân 91 khi ông muốn được riêng tư hơn ở thời điểm ra viện, lúc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đều còn mong manh yếu đuối, rất dễ mệt mỏi nếu bị vây quanh bởi đám đông, bị làm phiền bởi hàng loạt câu hỏi và lặp lại liên tục lời cảm ơn. Tôi chắc rằng lời tri ân sâu sắc nhất đối với nhân dân và đất nước Việt Nam đã được ông ấy khắc tận trái tim.

Người Việt Nam chúng ta đã trọn tình vẹn nghĩa với công dân Anh không may gặp nạn này. Truyền thống nhân văn của chúng ta là làm ơn không cần báo đáp. Những nghĩa cử từng thực hiện, chúng ta hãy cứ “để gió cuốn đi” vào không gian xã hội bao la, lan tỏa cái đẹp của tình yêu thương, tương trợ đi khắp thế giới. Thực tế chúng ta đã, đang làm thế. Đừng nặng nề chấp nhặt vài hành vi ứng xử, vì còn nhiều việc đáng quan tâm hơn, chẳng hạn như làm sao để Việt Nam vẫn an toàn khi đại dịch COVID-19 có xu hướng diễn biến phức tạp trở lại trên thế giới; như việc chúng ta đang giang rộng vòng tay đón 112 lao động người Việt mắc COVID-19 tại châu Phi về nước. Truyền thông sẽ đầy ắp những bản tin ấm áp nghĩa tình đồng bào như thế, đâu có nhất thiết cần tấm hình hay câu nói của người mà chúng ta đã trọn nghĩa vẹn tình đâu! Làm việc tốt hãy cứ "để gió cuốn đi", đó mới thật sự là tốt.

Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.

Hùng Trần
Bình luận
vtcnews.vn