Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) là đơn vị phối hợp giữa Mỹ và Canada có nhiệm vụ cảnh báo tất cả mối đe dọa đến từ không gian. Trong những tháng gần đây, mặc dù tình hình trên bán đảo Triều Tiên có những thay đổi tích cực song NORAD vẫn tiếp tục theo dõi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ở mức độ cao như thời điểm Triều Tiên thử nghiệm tên lửa và hạt nhân vào năm 2017.
Đại tá Travis Morehen thuộc quân đội Canada, người đứng đầu Trung tâm Chỉ huy Bắc Mỹ và NORAD cho biết đơn vị này vẫn nhận được từ 3 đến 4 thông tin tình báo về chương trình hạt nhân của Triều Tiên mỗi ngày.
“Chúng tôi vấn tiếp tục theo dõi giống như chúng tôi từng làm từ trước đến nay, cũng như chúng tôi theo dõi các quốc gia khác tạo ra mối đe dọa tới Mỹ và Canada”, đại tái Morehen cho biết.
Đại tá Morehen cho biết ông chỉ đạo NORAD theo dõi 5 vụ thử tên lửa của Triều Tiên và cho biết các hoạt động này không hề bị ảnh hưởng bởi các động thái hay tuyên bố chính trị mà công việc của NORAD là “hoạt động tình báo nghiêm túc”.
“Công việc của chúng tôi được tính bằng từng phút từng giây, với chúng tôi việc tính đến các tuyên bố chính trị không phù hợp với công việc này. Chúng tôi quan ngại về những mảnh kim loại bay trên không gian và nhắm vào Bắc Mỹ”, đại tá Morehen cho biết.
Vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập NORAD, phóng viên CNN được thăm quan tổ hợp tuyệt mật tại núi Cheyenne của NORAD. Tổ hợp này là nơi bố trí trung tâm chỉ huy dự phòng của NORAD, trung tâm này nằm sâu 2 km bên trong ngọn núi dưới độ sâu khoảng 700 m, bên dưới các lớp đá granite.
Trụ sở chính của NORAD đặt gần Căn cứ Không quân Peterson tại bang Colorado, Mỹ, tuy nhiên khi xảy ra vụ tấn công hạt nhân, toàn bộ hoạt động sẽ được chuyển về căn cứ dự phòng tại núi Cheyenne. Tại đây, 2 cánh cửa nặng 23 tấn sẽ cách ly hoàn toàn trung tâm khỏi thế giới bên ngoài để đảm bảo trung tâm vẫn có thể hoạt động sau khi xảy ra vụ tấn công bằng hạt nhân hoặc vũ khí điện từ.
Trong lịch sử hoạt động của mình, bên cạnh những lần diễn tập thì 2 cánh cửa nói trên chỉ đóng lại 1 lần duy nhất vào ngày 11/9/2001, khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào nhiều địa điểm tại nước Mỹ - bao gồm tòa tháp đôi tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Lầu Năm Góc, khiến khoảng 2.966 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương.
Video: Bên trong căn cứ Mỹ luôn trong trạng thái sẵn sàng cảnh báo tên lửa Triều Tiên
Bên trong ngọn núi có 15 tòa nhà được đặt trên 1.300 lò xo cỡ lớn để phòng chấn động từ những vụ tấn công hạt nhân hoặc động đất. Hệ thống công nghệ tại đây đủ hiện đại để phát hiện mọi tên lửa được phóng từ bất cứ nơi nào trên Trái Đất chỉ trong vòng vài giây.
“Chúng tôi có thể khẳng định đây là một trong những cơ sở an toàn nhất thế giới”, Chỉ huy phó đơn vị Không quân Núi Cheyenne.
Căn cứ này được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm tránh bị máy bay ném bom của Liên Xô tấn công, ngày nay căn cứ này được sử dụng để phát hiện các tên lửa được phóng cũng như theo dõi các mối đe dọa từ các tàu ngầm nước ngoài.
Nếu Triều Tiên phóng tên lửa, có khoảng 30 người trong trung tâm chỉ huy được điều động để phản ứng và đưa ra kết luận rằng tên lửa này có nhắm vào Bắc Mỹ hay không, trong trường hợp có, họ sẽ thông báo cho Washington và Ottawa để chuẩn bị cho động thái đáp trả.
Dù hiện tại, mối đe dọa chính được Mỹ xác định là Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với quốc gia Trung Đông này, song NORAD đánh giá rằng Iran không phải mối đe dọa lớn với Washington do Tehran không đe dọa tấn công Mỹ như Bình Nhưỡng từng làm trước đó, cũng như Iran chưa đủ khả năng để tấn công Mỹ bằng tên lửa.
“Chúng tôi sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào những tin tức thời sự. Đó là những tuyên bố đơn thuần. Một lần nữa chúng tôi tập trung vào những động thái thể hiện nghiêm túc năng lực chiến đấu, việc triển khai tên lửa, triển khai tàu ngầm và máy bay ném bom”, ông Steven Rose nói.
Bình luận