BS Nguyễn Diệu Vinh, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị ong đốt nguy kịch tính mạng.
Bệnh nhi là bé trai 5 tuổi được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng sốc phản vệ do bị ong đốt. Qua kiểm tra trên cơ thể của trẻ, bác sĩ ghi nhận 40 vết đốt rải rác toàn thân, vùng bị đốt nhiều nhất là đầu và mặt của trẻ.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước đó cháu đang chơi trong vườn nhà thì bất ngờ bị đàn ong lao xuống bao vây và tấn công. Người nhà đã kịp thời giải cứu và đưa đến bệnh viện nhưng bệnh nhi bị đốt quá nhiều vết dần rơi vào tình trạng nặng phải chuyển viện.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhi bị nhiễm độc nặng, tổn thương đa cơ quan. Hiện các bác sĩ đang nỗ lực điều trị với hy vọng giúp trẻ sớm vượt qua tình trạng nguy kịch.
Từ trường hợp trên BS Nguyễn Diệu Vinh cảnh báo, ong đốt là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ em. Khi bị ong đốt, trẻ có thể bị tử vong do sốc phản vệ và biến chứng suy thận cấp sau đó.
Để tránh tai nạn tương tự, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên để ong làm tổ gần nhà. Người lớn cần cảnh báo, nhắc nhở, không để trẻ đến gần, dùng cây chọc phá tổ ong.
Khi bị ong đốt, cần nhanh chóng sơ cứu bằng cách dùng nhíp lấy vòi chích phát tán độc của ong ra khỏi da nạn nhân càng sớm càng tốt. Phụ huynh không nên cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương vì có thể làm lan tràn độc tố. Sau khi lấy vòi chích cần dùng xà phòng rửa vết thương dưới vòi nước sạch, có thể dùng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh vết thương hằng ngày.
Phụ huynh lưu ý, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ bị ong rừng, ong bắp cày hay ong vò vẽ đốt; cơ thể trẻ có nhiều vết bị ong đốt; vết ong đốt sưng đỏ nhiều; trẻ có các triệu chứng khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu, đại tiện phân lỏng.
Bình luận