Bị ong đốt khi làm vườn, người đàn ông sốc phản vệ nặng

Tin tứcThứ Tư, 15/06/2022 09:26:00 +07:00
(VTC News) -

Bị ong vàng đốt khi làm vườn, nam bệnh nhân 40 tuổi rơi vào tình trạng sốc phản vệ nặng với biểu hiện hồi hộp ngày càng tăng, khó thở, tức ngực…

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận trường hợp anh N.X.T (40 tuổi trú tại xã Chi Đám, Đoan Hùng, Phú Thọ) bị phản vệ nặng do ong vàng đốt khi đang dọn vườn nhà. 

Ít phút sau, anh T cảm thấy hồi hộp, tức ngực khó thở tăng nhiều. Anh được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu khẩn cấp.

Diễn biến sau đó rất nhanh, quãng đường từ nhà tới bệnh viện chỉ hơn 1 km nhưng khi tới trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương, anh T rơi vào trạng thái tiền hôn mê, thở rít, SpO2 dưới 80%, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt , da, niêm mạc toàn thân tím tái ...  

Các bác sĩ thực hiện cấp cứu sốc phản vệ, sử dụng kịp thời các thuốc vận mạch, chống sốc, chủ lực vẫn là Adrenalin.

Bệnh nhân đã thoát cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn dần ổn định.  

Bị ong đốt khi làm vườn, người đàn ông sốc phản vệ nặng  - 1

Bệnh nhân bị ong đốt.

Hiện bệnh nhân hoàn toàn ổn định và có thể ra viện trong vài giờ tới.  

Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Một số bước xử trí khi bị ong đốt

- Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.

- Lấy vòi chính của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp.

- Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.

- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm; bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.

- Uống nhiều nước để loại thải độc tố.

- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

- Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.

- Trường hợp bị phản vệ mức độ nặng (bất tỉnh, thở chậm hoặc ngừng thở, ngừng tim) cần được cấp cứu hô hấp, tuần hoàn tại chỗ và gọi hỗ trợ cấp cứu ngay.Với mục đích “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Phòng ngừa thế nào?

TS.BS Phạm Đăng Hải – Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, để phòng ngừa khả năng bị ong đốt, người dân cần phát hiện sớm và tránh xa tổ ong; không chọc phá tổ ong hoặc kích động, làm tổn thương chúng.

Khi đi vào rừng, bạn tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ; không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm có mùi thơm và ngọt.

Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động.

Bạn cũng không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ. Các gia đình cần thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.   

Ngọc Hà
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp