Sáng 15/1, TAND quận Cầu Giấy tuyên án với 3 bị cáo trong vụ án bé trai Lê Hoàng Long (Hà Nội) thiệt mạng trên xe ô tô đưa đón của trường Gateway. Cụ thể, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bích Quy (SN 1964, nhân viên giám sát và đưa đón học sinh) 24 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người".
Bị cáo Doãn Quý Phiến (SN 1966, lái xe đưa đón học sinh) bị tuyên phạt 15 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người".
Bị cáo Nguyễn Thị Thuỷ (SN 1990, giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Lê Hoàng Long) bị tuyên phạt 12 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, bị cáo Thuỷ cũng chịu hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ giáo viên trong 1 năm.
Đồng thời, về trách nhiệm dân sự, buộc công ty Ngân Hà phải bồi thường cho gia đình ông Lê Văn Sơn (bố cháu Lê Hoàng Long) số tiền 249 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngay sau phiên tòa, nhiều người thắc mắc trách nhiệm của nhà trường và người đứng đầu nhà trường ra sao khi giáo viên chủ nhiệm phải là người "đứng mũi chịu sào"?
"Tôi thấy còn nhiều vấn đề cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ như tại sao cô giáo chủ nhiệm lớp cháu Long là giáo viên của trường chịu tội, còn nhà trường cũng như người đứng đầu lại vô can?"- chị Hương Thu (Hà Nội) nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, có chi tiết ông Lê Văn Sơn, bố nạn nhân Long nói gia đình ông không yêu cầu trách nhiệm dân sự với trường Gateway và bị cáo Nguyễn Thị Thủy. Nhưng với hai bị cáo Doãn Quý Phiến và Nguyễn Bích Quy cùng những người liên quan khác thì ông lại đề nghị tòa xem xét buộc bồi thường tổng số tiền 1 tỷ đồng.
"Rõ ràng không được đánh giá một cách khách quan và toàn diện khi bỏ qua trách nhiệm của nhà trường và người đứng đầu nhà trường", anh Lê Hoàng (Hà Nội) băn khoăn.
Nhiều người thắc mắc vì sao bố nạn nhân chỉ đề nghị xét xử nghiêm minh các bị cáo, chứ không kiến nghị làm rõ trách nhiệm của những người liên quan như nhà trường hay người đứng đầu nhà trường. "Có điều gì uẩn khúc ở đây?"
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội), người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bích Quy sau phiên tòa cũng cho rằng, việc cháu Long bị bỏ quên trên xe ô tô phải đề cập đến trách nhiệm của trường Gateway.
Theo luật sư này, trong hồ sơ thể hiện rõ thời gian xảy ra vụ việc ngày 6/8/2019, khoảng 8h bị cáo Thuỷ thông báo với nhà trường, phòng giáo vụ là vắng cháu Long, nhưng vì sao trường không đi kiểm tra, không báo về gia đình.
Bên cạnh đó, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, gia đình bị hại có quyền yêu cầu nhà trường phải chịu trách nhiệm về nguyên nhân khiến bé L. thiệt mạng. Nhưng vì nhiều yếu tố tâm lý, nguyên nhân khác họ có thể yêu cầu hoặc không.
Tuy nhiên, luật sư Lực cho rằng, khi xét xử tòa phải đảm bảo đánh giá vụ án một cách khách quan, toàn diện, nên dù gia đình bị hại không có yêu cầu thì tòa án cũng phải đề cập, đánh giá trong bản án trách nhiệm nhà trường, trách nhiệm người đứng đầu nhà trường.
Trong vụ án này nếu gia đình không yêu cầu thì nhà trường sẽ được loại trừ hoàn toàn trách nhiệm dân sự. Còn về trách nhiệm hình sự thì cần phải xem xét đến vai trò của những cá nhân trực tiếp tổ chức công tác đưa đón học sinh của nhà trường.
"Để quên một đứa trẻ trên xe và gây ra cái chết của trẻ như vụ trường Gateway quả thực là khó tưởng tượng, đặt ra nhiều nghi vấn uẩn khúc của dư luận. Hy vọng qua kết luận điều tra, cáo trạng hai cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố sẽ đưa ra được những lý giải logic, khoa học đủ sức thuyết phục về việc bỏ quên một đứa trẻ trên xe và gây ra cái chết cho cháu" - luật sư Lực nói.
Bình luận