• Zalo

Bế tắc, ô tô nằm im chờ giảm thuế

Xe Thứ Ba, 02/12/2014 07:05:00 +07:00Google News

Bộ Tài chính và Bộ Công thương bất đồng trong việc đưa ra các chính sách thuế để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, khiến doanh nghiệp cảm thấy bế tắc.

Bộ Tài chính và Bộ Công thương bất đồng trong việc đưa ra các chính sách thuế để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, khiến các DN cảm thấy bế tắc và cách duy nhất là chờ đợi.


Sau khi có chiến lược và quy hoạch phát triển ô tô mới, điều mà nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô quan tâm là lộ trình giảm thuế nhập khẩu với ô tô nguyên chiếc từ ASEAN đến năm 2018 và có áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới đánh vào ô tô hay không.

Bất đồng

Đề xuất của Bộ Công thương trong dự thảo về cơ chế, chính sách cụ thể cho Chiến lược và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn 2020 đến 2035, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN cần giữ nguyên 50% từ nay tới năm 2017, sau đó hạ về 0% từ năm 2018.

Theo Bộ Công thương, với thuế nhập khẩu ô tô ở mức 50%, sản xuất lắp ráp tại Việt Nam còn lợi thế nhất định so với xe nhập khẩu, giúp các DN duy trì sản xuất lắp ráp từ nay tới 2017, thông qua đó có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô.

Với thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe nhỏ, có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống, Bộ Công Thương đề nghị giảm xuống còn 20% -25%. Mục đích chính là giúp giá ô tô trở nên rẻ hơn và nhiều người dân có khả năng mua xe.

Qua đó, giúp tăng quy mô thị trường ô tô, tạo cơ hội cho các DN ô tô tại Việt Nam có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng nội địa hóa, thu hút công nghiệp hỗ trợ, trong thời gian ít ỏi còn lại.


Bộ Tài chính và Bộ Công thương bất đồng trong việc đưa ra các chính sách thuế để phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam 
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại có quan điển hoàn toàn khác.

Bộ Tài chính cho biết, theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, đối với xe ô tô chở người, trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, giai đoạn 2015-2018, sẽ giảm dần từ 50% vào năm 2014 và 2015, xuống còn 40% vào 2016, 30% vào năm 2017, rồi về 0% vào năm 2018.

Theo Bộ Tài chính, phương án giảm dần đều từ mức 50% vào năm 2015, xuống 0% vào năm 2018, sẽ nới lỏng mức độ bảo hộ, tránh được việc giảm thuế đột ngột về cuối lộ trình. Khi đó ngành ô tô có thời gian thích nghi nhất định, trước khi đối mặt với việc xóa bỏ hoàn toàn thuế.


Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính cho rằng, cắt giảm theo đề nghị của Bộ Công thương là không cần thiết. Khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, ngân sách Nhà nước sẽ bị giảm thu khá nhiều.

Trước bối cảnh giảm thu từ thuế nhập khẩu và thuế thu nhập DN (giảm xuống mức 20% vào năm 2016), Bộ Tài chính cho rằng, nếu giảm thuế TTĐB với ô tô, thì NSNN Nhà nước sẽ càng giảm thu, trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước vẫn không đạt được, vì phải giảm thuế TTĐB cho cả ô tô nhập khẩu nguyên chiếc cùng loại.


Mặt khác, qua khảo sát chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô của các nước trong khu vực, Bộ Tài chính cho biết, thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45%, là mức trung bình trong khu vực, thấp hơn Malaysia, Lào và bằng Singapore, Campuchia. Indonesia có mức thuế TTĐB thấp (20%) nhưng thuế trước bạ và phí đường bộ lại cao hơn nhiều (2% trên giá bán đã có thuế GTGT).

Với những lý do đó, Bộ Tài chính cho rằng, chính sách điều tiết thuế TTĐB đối với ô tô hiện hành là phù hợp trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tới, phù hợp với thông lệ của những nước xung quanh.Vì vậy không cần thiết phải sửa đổi thuế suất theo như đề xuất của Bộ Công Thương và các DN.

Doanh nghiệp bế tắc

Trong bối cảnh các nước Thái Lan, Indonesia đang có nhiều chính sách hấp dẫn, để thu hút vốn đầu tư lớn cho công nghiệp ô tô, trước khi mở cửa, thì việc các cơ quan chính sách của Việt Nam vẫn bất đồng có thể sẽ khiến cho mong ước phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam thất bại.

Điều này khiến các DN cảm thấy bế tắc và cách duy nhất là nằm im
chờ chính sách.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phân Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), trong lúc DN đang nỗ lực chạy đua với thời gian, để có mẫu xe riêng của Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, thì việc Bộ Tài chính muốn đẩy nhanh hạ thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, sẽ làm nản lòng tất cả.

Ông Huyên phân tích, lúc này DN muốn duy trì mức thuế nhập khẩu, đủ để cạnh tranh với xe nguyên chiếc nhằm thúc đẩy sản xuất, thì hạ thuế sẽ đẩy các DN đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.

DN không lo việc thuế nhập khẩu ở mức 50% nếu được giữ đến hết năm 2017) hạ đột ngột xuống 0% vào năm 2018, sao Bộ Tài chính lại lo? Hạ thuế như vậy, chỉ khuyến khích tiêu thụ hàng ngoại nhập và Việt Nam sẽ chẳng làm được gì về ô tô cả, ngoài việc trở thành thị trường cho các DN nước ngoài hưởng lợi, ông Huyên nói.


Ngược lại, việc giữ thuế TTĐB cao sẽ khiến người dân không có cơ hội được sở hữu xe giá rẻ. Với đề xuất của Bộ Công thương, giảm thuế TTĐB cho xe nhỏ còn 20-25% bắt đầu từ 2015, thì người dân chắc chắn có cơ hội mua xe giá rẻ, nhất là từ 2018 khi thuế suất thuế nhập khẩu về 0%. Còn với quan điểm của Bộ Tài chính thì sau 2018 người dân vẫn không được mua xe rẻ.

Bộ Tài chính lo ngại, giảm thuế TTĐB sẽ giảm thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu giảm thuế TTĐB, sẽ giúp cho số người mua xe tăng lên, qua đó thu ngân sách cũng tăng lên, ông Huyên phân tích.

Theo ông Huyên, nếu Bộ Tài chính không muốn giảm thuế TTĐB, thì nên đánh thuế theo giá trị đơn hàng nhập khẩu với ô tô, như vậy sẽ giúp cho DN ô tô trong nước có khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu. Nếu xe của chúng tôi sử dụng 40% linh kiện trong nước, chỉ nhập khảu 60% thì đánh 45% thuế TTĐB với số linh kiện nhập khẩu đó.

Như vậy chắc chắn giá thành sẽ rẻ hơn so với xe nguyên chiếc nhập khẩu cũng chịu thuế 45%. Điều này sẽ khuyến khích DN ô tô sử dụng linh kiện trong nước và thúc đẩy nội địa hóa.


Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn