• Zalo

Bế mạc Hội nghị Trung ương 8

Thời sựThứ Năm, 10/10/2013 01:17:00 +07:00Google News

Sáng 9/10, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) đã bế mạc sau 10 ngày làm việc liên tục, khẩn trương.

Sáng 9/10, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) đã bế mạc sau 10 ngày làm việc liên tục, khẩn trương.

Trong chương trình Hội nghị, thảo luận về kinh tế-xã hội trong 3 năm qua, Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp đưa kinh tế đất nước vượt qua những khó khăn thách thức, đạt được kết quả tốt, nổi bật là kiềm chế lạm phát và cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, hoạt động của các tổ chức tài chính, tín dụng an toàn, ổn định hơn.

Bế mạc Hội nghị Trung ương 8. Ảnh VGP/Thành Chung
Bế mạc Hội nghị Trung ương 8. Ảnh VGP/Thành Chung 
Chất lượng tăng trưởng ổn định

Theo đó, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài vẫn trong giới hạn an toàn; kinh tế từng bước được phục hồi, tăng trưởng kinh tế bình quân 5,6% trong 3 năm 2011-2013, riêng năm 2013 dự kiến đạt 5,4%, cao hơn năm 2012. Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện.

Công tác chăm lo đời sống nhân dân cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm; trên 98% gia đình người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống người dân địa phương; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực…

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, nợ xấu ngân hàng còn cao, hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thực sự an toàn, cân đối ngân sách khó khăn, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế chậm được cải thiện, thậm chí có mặt còn suy giảm. Lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông còn nhiều hạn chế, yếu kém…

Ngoài ra, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được mục tiêu. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế mới chỉ là bước đầu, còn chậm và nhiều bất cập. Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế chưa thực sự định hướng được cho việc tái cấu trúc các ngành, các vùng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ.

Do đó, Trung ương xác định vẫn phải kiên trì mục tiêu tổng quát do Đại hội Đảng XI đề ra. Song trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, phải nỗ lực hơn nữa để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi nhịp độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân...

Riêng năm 2014, Trung ương đề nghị cần tập trung ưu tiên cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đi đôi với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo động lực, niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Trung ương yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành sớm hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, các đề án tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) bằng các chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể. Song song với đó phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng mạnh các nguồn lực cho các khu vực sản xuất kinh doanh thực, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Thông qua Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị đã thảo luận và nhất trí Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu của đổi mới lần này là: “Giáo dục cho người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của các cá nhân, yêu gia đình, yêu Tổ quốc hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước, có hiểu biết, kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả”.

Trung ương yêu cầu chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phát triển giáo dục và đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ  quốc… Chuyển phát triển giáo dục chủ yếu  theo mục tiêu số lượng sang mục tiêu vừa phát triển số lượng vừa chú trọng nâng cao chất lượng. Chuyển hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông hiện nay sang hệ thống giáo dục linh hoạt, bảo đảm liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập suốt đời.

Cơ bản hoàn chỉnh Dự thảo sửa  đổi Hiến pháp


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp lần này cơ bản đã được hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nội dung của Dự thảo đã phản ánh được được ý chí và nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau Hội nghị này, Trung ương đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan chức năng khẩn trương tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn thiện toàn văn Dự thảo, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 sắp tới. Đồng thời cần sớm có chương trình triển khai thực thi Hiến pháp mới, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống luật pháp, kiện toàn hệ thống các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các tổ chức chính trị-xã hội.

Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc


Bên cạnh những thuận lợi về ổn định chính trị, đảm bảo môi trường hòa bình và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, Tổng Bí thư cũng cho rằng sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức.

Do vậy, Trung ương khẳng định phải tiếp tục thực hiện các mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo mà Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) đã đề ra, đồng thời phải bổ sung phát triển cho phù hợp với tình hình mới.

“Nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của cha ông ta: Dựng nước đi đôi với giữ nước, giữ nước từ khi nước chưa nguy… Trung ương đặc biệt nhấn mạnh phải luôn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”, Tổng Bí thư nói.

Trong những năm trước mắt, cần đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, sớm đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, khắc phục tình trạng sơ hở mất cảnh giác, phòng chống có hiệu quả các nguy cơ chiến tranh, xung đột trên các hướng…

Thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng XII


Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII, 5 tiểu ban được thành lập gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.

Tổng Bí thư đề nghị các tiểu ban khẩn trương xây dựng chương trình kế hoạch để sớm đi vào hoạt động, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế-Xã hội cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu của Đảng và Nhà nước, chắt lọc kế thừa thành quả 30 năm đổi mới để đề xuất với Đại hội XII của Đảng những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa, tạo xung lực mới cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tại Hội nghị này, Trung ương cũng thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Quy chế bầu cử trong Đảng. Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện để trình Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI).





Theo Chinhphu.vn
Bình luận