Đời sống

Bẻ gãy thẻ ETC vì đi nhầm làn, dọa 'mày chết với tao' nếu không được qua trạm

Thứ Ba, 02/08/2022 07:15:00 +07:00

(VTC News) - Tài xế bẻ gãy thẻ vì đi nhầm làn, người dân tộc thiểu số dọa "mày chết với tao" nếu không được qua trạm để đi tắm biển... là chuyện bi hài tại các trạm thu phí ETC.

Kỷ niệm "có một không hai" khiến ông Nguyễn Huy Bình - Trạm trưởng Trạm thu phí cuối tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và các đồng nghiệp nhớ mãi là lần hướng dẫn chiếc xe chở khách du lịch từ Hà Giang qua trạm. Họ là người dân tộc, lần đầu được đi tắm biển và chưa từng biết tới khái niệm thu phí không dừng.

Bẻ gãy thẻ ETC vì đi nhầm làn, dọa 'mày chết với tao' nếu không được qua trạm - 1

Trạm thu phí cuối tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Dọa nạt nhân viên nếu không được qua trạm

 Chiếc xe chở đoàn khách du lịch ở Hà Giang đi du lịch Hạ Long (Quảng Ninh), khi qua trạm phải dừng lại vì chưa dán thẻ ETC. Lúc này, tài xế và hướng dẫn viên du lịch được ông Bình giải thích, hướng dẫn việc dán thẻ ETC để có thể lưu thông trên tuyến bình thường. Bất ngờ, một người đàn ông trung niên mặc trang phục dân tộc bước xuống nói với ông Bình và cán bộ trạm thu phí: “Lần đầu tao xuống biển, không được xuống tắm biển mày chết với tao”.

Ông Bình cười và giải thích với họ. Thủ tục hoàn tất, một lúc sau, một người khác lại bước xuống xe và bảo: “Tao không tắm biển được, tao điên lắm rồi”.

“Họ sống ở vùng cao, quanh năm gắn với núi rừng, lần đầu đi du lịch biển ở Hạ Long nên rất thích thú, biển với họ giống như thiên đường. Những lời họ nói với chúng tôi cũng rất vô tư. Sau khi dán thẻ ETC và đi qua trạm, cả đoàn đồng loạt vẫy tay chào và cảm ơn chúng tôi”, ông Bình kể.

Theo Trạm trưởng Trạm thu phí cuối tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong tháng đầu thí điểm thu phí không dừng, công tác vận hành còn gặp nhiều khó khăn do tồn tại nhiều lỗi phát sinh từ ý thức của người tham gia giao thông (chưa dán thẻ, không nạp tiền, không đảm bảo số dư tài khoản, không tuân thủ tốc độ, khoảng cách giữa các xe, đèn biển báo tại làn thu phí...).

Bẻ gãy thẻ ETC vì đi nhầm làn, dọa 'mày chết với tao' nếu không được qua trạm - 2

Tại các trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong tháng đầu thí điểm thu phí ETC, công tác vận hành còn gặp nhiều khó khăn.

Câu chuyện của tài xế một công ty vận tải ở Hải Phòng là ví dụ được ông Bình nhắc tới khi đề cập việc thẻ ETC không đảm bảo số dư tài khoản khi qua trạm. Phát hiện số dư trong tài khoản không đủ, cán bộ trạm thu phí nhắc nhở người này nạp thêm tiền. Trong lúc nóng nảy, lái xe nói nặng lời và cho rằng "công ty tôi không thiếu tiền thì làm sao hết tiền trong tài khoản ETC được".

“Doanh nghiệp này dùng chung một tài khoản ETC cho nhiều xe. Các tài xế vì thế thường không kiểm tra số dư nên dẫn tới tình huống trên. Lái xe cũng gọi điện cho chủ doanh nghiệp đề nghị nạp thêm tiền. Anh ấy cũng thắc mắc tại sao công ty để tài khoản hết tiền, để anh ấy xấu hổ.

Tài xế sau đó xin lỗi vì nóng nảy. Chúng tôi cũng giải thích để khách hàng nắm được, phải đủ tiền trong tài khoản thì hệ thống mới cho qua, nếu không đủ tiền không thể qua được. Nhiều doanh nghiệp không muốn nạp vài chục triệu đồng vào tài khoản ETC mỗi lần vì họ không muốn để “tiền chết” trong đó", ông Bình chia sẻ.

Với trường hợp này, ông Bình cũng đề nghị lái xe trước khi đi nên kiểm tra tài khoản ETC để không xảy ra sự cố tương tự.

Trạm thu phí cũng từng ghi nhận trường hợp xe sang chủ động đi vào làn xử lý sự cố, mặc dù đã dán thẻ ETC.

"Lái xe sau đó đề nghị trả tiền mặt. Khi kiểm tra tài khoản ETC của khách hàng, chúng tôi thấy còn nhiều tiền. Chúng tôi giải thích với khách hàng việc phải đi vào làn ETC và trừ tiền trong tài khoản nhưng khách hàng không đồng ý, xin gặp mặt nói chuyện riêng”, ông Bình kể khách hàng này sau đó trình bày vấn đề tế nhị vì đi việc riêng, nếu trừ tài khoản sẽ bị lộ hành trình.

Cán bộ tại trạm thu phí cũng mất 10 - 15 phút để thuyết phục, giải thích. Tuy nhiên, khách hàng vẫn không ngừng năn nỉ, xin được trả tiền mặt.

“Sau một thời gian thuyết phục, khách hàng cũng chấp nhận và trạm cũng hướng dẫn khách phải chủ động công việc, lịch trình, đi đúng vào làn thu phí không dừng khi qua các trạm thu phí”, ông Bình nói.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có 30 phương tiện từ chối sử dụng dịch vụ, không dán thẻ và được hướng dẫn ra khỏi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trong tháng 6/2022, 3 trường hợp lái xe cố tình gây rối, trạm thu phí đã phối hợp lực lượng công an xử lý các trường hợp trên.

Bẻ gãy thẻ ETC vì đi nhầm làn, dọa 'mày chết với tao' nếu không được qua trạm - 3

Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ (Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội).

Bẻ gãy thẻ, để lại xe tại trạm vì đi nhầm làn

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường có lưu lượng xe cộ thuộc diện lớn nhất nhì cả nước với khoảng 70.000 lượt xe/ngày. Đến thời điểm hiện tại, trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ có khoảng 75% các phương tiện sử dụng thẻ ETC.

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết, hiện nay, không ít tài xế vẫn chưa phân biệt được thế nào là làn thu phí không dừng (ETC) và thế nào là làn thu phí một lần dừng (MTC). Điều này gây ùn ứ giao thông, bức xúc cho các tài xế và cũng tạo không ít khó khăn cho nhân viên tại trạm thu phí.

Theo ông Oánh, nhân viên trạm từng chứng kiến trường hợp "bi hài" khi xe không dán thẻ vẫn chạy vào làn ETC và cố tình gây rối, ăn vạ.

"Ngày 23/7/2020, chúng tôi ghi nhận trường hợp xe đã có tài khoản ETC nhưng lại đi vào làn MTC. Nhân viên giải thích rằng, hệ thống không ghi nhận tài khoản ETC nữa. Bằng những lời lẽ gay gắt, người này vẫn yêu cầu thanh toán bằng thẻ ETC và không chịu lùi xe về làn quy định khiến ùn ứ cục bộ.

Đỉnh điểm của sự việc này là tài xế trên bẻ thẻ ETC, nằm ăn vạ, để lại xe tại trạm rồi rời đi. Đây là trường hợp chống đối buộc chúng tôi buộc phải nhờ cơ quan công an giải quyết, thu xe đưa về bãi. Ngoài việc người này phải nộp phạt, tôi làm 2 văn bản gửi lên cơ quan công an đề nghị không truy tố với lý do vi phạm lần đầu, tuy nhiên đã thành án rồi nên không thay đổi được", ông Oánh kể.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, khi xe chưa gắn thẻ Etag đi vào làn ETC, nhân viên trạm thu phí buộc phải rà soát, giải thích và thanh toán bằng tiền mặt, rất mất thời gian. Hay khi xe gắn thẻ Etag rồi nhưng lại đi nhầm vào làn MTC thì bắt buộc phải thu tiền mặt, bởi con chíp không cập nhật được lên hệ thống thông tin. Việc này dẫn đến ùn tắc làn ETC, MTC.

"Trong quá trình làm việc, các nhân viên của tôi rất hay bị công kích bằng những lời lẽ khó nghe. Nhiều lúc, xe đi sai làn thu phí khiến giao thông bị ùn ứ, các xe bị dừng lại quá lâu, tài xế phía sau bấm còi, lăng mạ nhân viên thu phí và dù rất giận, chúng tôi vẫn phải nhẫn nhịn", ông Oánh chia sẻ.

Bẻ gãy thẻ ETC vì đi nhầm làn, dọa 'mày chết với tao' nếu không được qua trạm - 4

 

Xe đi sai làn thu phí khiến giao thông bị ùn ứ, các xe bị dừng lại quá lâu, tài xế phía sau bấm còi, lăng mạ nhân viên thu phí và dù rất giận, chúng tôi vẫn phải nhẫn nhịn.

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Ngoài ra, không ít trường hợp dù phương tiện đã gắn thẻ thu phí không dừng nhưng vẫn không thể lưu thông qua làn ETC, gây ra tình trạng ách tắc. Lý giải về điều này, ông Oánh cho hay, các phương tiện đã gắn chíp ETC nhưng không qua được vì trong tài khoản của họ không đủ tiền hoặc không giữ đúng khoảng cách tối thiểu.

"Có những trường hợp, phương tiện đã gắn thẻ ETC nhưng lại không qua được. Chúng tôi kiểm tra thì phát hiện tài khoản họ không đủ tiền. Biện pháp khắc phục nhanh chóng nhất là nạp tài khoản và lưu thông. Vậy nhưng, một vài trường hợp, chủ phương tiện không dùng điện thoại thông minh, không thể nạp tiền, chúng tôi buộc phải thanh toán bằng hình thức trả tiền mặt.

Một vấn đề nữa, trong quá trình lưu thông qua làn ETC, nhiều lúc, các phương tiện không giữ đúng khoảng cách yêu cầu 8 m trước khi đi qua làn. Việc không giữ đúng khoảng cách dẫn đến xe trước đã qua, xe tiếp theo không qua được, vì hệ thống không nhận diện được và barie sẽ không mở", ông Oánh lý giải.

Một vấn đề nữa khiến nhân viên gặp không ít khó khăn trong quá trình giải thích và giải quyết chính là việc xe ưu tiên không dán thẻ Etag đi vào làn ETC. Hiện nay, các cơ quan nhà nước thống nhất là có thêm làn xử lý sự cố để xe ưu tiên có thể đi vào khi cần thiết.

"Xe ưu tiên đã vào làn ETC thì khó sang làn sự cố. Tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, có 18 làn lưu thông, làn sự cố theo nguyên tắc chỉ nằm phía ngoài cùng theo chiều di chuyển. Trường hợp xe ưu tiên ở làn ETC mà chưa gắn thẻ, muốn sang làn sự cố, phải bắt qua những làn khác, không dễ chút nào", ông Oánh cho hay.

Với lưu lượng tham gia giao thông lớn như tại trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ, trên lý thuyết, việc thu phí không dừng sẽ giảm nhân viên, tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư. Nhưng thực tế cho thấy, dù là thu phí không dừng, vẫn cần các nhân viên để giám sát hệ thống, xử lý sự cố và chi phí sử dụng máy móc, bảo trì, giám sát.

Từ ngày 1/8, trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ tổ chức giao thông để bắt đầu triển khai thu phí không dừng hoàn toàn. Phó Tổng Giám đốc Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khuyến cáo người tham gia giao thông nên triển khai dán và bảo quản thẻ tốt, thường xuyên kiểm tra tiền trong tài khoản để tránh những rắc rối không đáng có.

Sẽ bị xử lý nghiêm nếu gây khó khăn cho việc dán thẻ thu phí tự động

Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng Lào Cai, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC; Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam.

Văn bản nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp các địa phương, nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan đơn vị có liên quan, triển khai thu phí ETC đồng bộ trên toàn quốc từ ngày 1/8 tới, trong đó triển khai thu phí ETC hoàn toàn trên tất cả tuyến cao tốc.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan, nếu gây khó khăn cho phương tiện dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC).

Theo điểm c, khoản 4 và điểm b, khoản 11, điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, trường hợp xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng, đồng thời còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Minh Khang - Đàm Linh - Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn