Bệnh nhi bị biến chứng sởi
Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé T. (7 tuổi, Hà Nội). Mẹ bệnh nhi T. cho biết, cách đây 6 ngày cháu bị sốt liên tục, 39 - 40 độ C. Cháu hắt hơi, sổ mũi, ho húng hắng, mệt mỏi, mắt tèm nhèm nhiều dử.
Một ngày sau, cơ thể cháu T. xuất hiện ban hồng, nhẵn theo thứ tự: Vùng sau tai, lan dần lên hai bên má, cổ, gáy, xuống ngực, bụng, lưng và các chi.
Sau khi khám và xét nghiệm, Ths.BS Nguyễn Văn Tùng, Bác sĩ Khoa Nhi chẩn đoán bé T. bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi, phải nhập viện điều trị.
Hiện tại, bé T đã cắt sốt, các ban sởi bay dần lần lượt như khi mọc và để lại vết thâm trên da xen kẽ vùng da lành.
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan mạnh từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng.
Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, mù mắt do loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng… Bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh lại xảy ra quanh năm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tùng, bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém, đặc biệt những trẻ không được tiêm phòng vắc xin phòng sởi hoặc những trẻ được sinh ra ở những bà mẹ chưa có miễn dịch với sởi trước đó.
Bác sỹ Nguyễn Văn Tùng cho biết, sởi là bệnh lành tính, đa số các trường hợp không có biến chứng và bệnh sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên, bệnh có thể có diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có nguy cơ sảy thai, đẻ non.
Bình luận