• Zalo

Bé 5 tuổi bại não bị bệnh viện trả, ông bố đơn thân ôm con cầu cứu khắp nơi

Lá lành đùm lá ráchThứ Ba, 29/08/2023 11:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Con trai bị bại não bẩm sinh, không có vợ bên cạnh, anh Hiếu vẫn không từ bỏ hy vọng, tìm mọi cách đưa bé đi chữa bệnh khắp nơi.

Túc trực cạnh giường bệnh của con trai, anh Trần Đức Hiếu (sinh năm 1995, khu 1, xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) liên tục dùng khăn lau đờm dãi cho bé Trần Quốc Hiệu (sinh năm 2018). Thi thoảng anh lại đưa tay vỗ nhẹ lưng để con được dễ thở hơn.

Các gia đình theo con đi chữa bệnh tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ đều quen cảnh này. Họ kể, anh Hiếu làm bố ở độ tuổi còn khá trẻ nhưng rất chu toàn và cẩn thận, nhiều hôm bé Hiệu quấy khóc nhưng chỉ cần anh vỗ về khéo léo, đứa trẻ lại ngoan ngay.

Bé Trần Quốc Hiệu năm nay 5 tuổi.

Bé Trần Quốc Hiệu năm nay 5 tuổi. 

Giữa năm 2017, anh Hiếu kết hôn, hai vợ chồng sinh được con trai đầu lòng trong niềm vui khôn xiết. Thế nhưng, chào đời được một tháng bé Hiệu bỗng sốt cao nhiều ngày, da cũng vàng hơn so với những đứa trẻ khác. Các bác sĩ tại trung tâm y tế huyện lập tức chuyển bé xuống Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Bác sĩ bệnh viện tuyến trên kết luận Hiệu bị bại não, bệnh quá nặng, không thể cứu chữa được và khuyên gia đình nên đưa về tự chăm sóc tại nhà. Tin dữ khiến vợ chồng anh Hiếu vô cùng đau khổ, chứng bệnh này không thể chữa khỏi, xác định bố mẹ sẽ phải theo đuổi, chăm sóc con cả đời.

Có con bị bệnh nặng, kinh tế của đôi vợ chồng trẻ vốn khó khăn nay lại càng trở nên chật vật. Những vất vả chồng chất trong cuộc sống cùng lo lắng về sức khoẻ con cái khiến vợ anh áp lực, bỏ ra ngoài đi làm thuê nhưng mãi chẳng quay về.

Ngày anh Hiếu nhận được cuộc gọi của toà án thông báo vợ anh đơn phương ly hôn anh mới biết người phụ nữ ấy đã hết tình nghĩa với hai bố con.

Kể từ ngày đó, anh Hiếu một mình vừa làm cha vừa làm mẹ chăm sóc đứa con thơ bị bệnh bại não. Để có tiền mua thuốc, anh phải gửi bé Hiệu cho ông bà nội trông nom để xuống Hà Nội làm thuê trong khu công nghiệp.

Công việc của một công nhân may giúp anh mỗi tháng có thu nhập khoảng 7 triệu đồng, chưa trừ tiền thuê trọ, ăn uống. Nhiều tháng anh phải vay mượn thêm anh em chỗ làm mới đủ xoay sở thuốc thang cho con.

Mỗi lần nhận cuộc gọi từ bố mẹ già ở quê báo “bệnh của cu Hiệu trở nặng”, anh lại viết vội lá đơn xin nghỉ phép để khăn gói từ Hà Nội về Phú Thọ đưa con trai nhập viện. Cũng bởi vậy mà anh khó có thể tập trung hoàn toàn cho công việc, tiền công mỗi tháng cũng vì thế bị hao hụt.

Gần đây nhất vào giữa tháng 7/2023, bé Hiệu lên cơn co giật, người tím tái, khó thở, gia đình phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bé vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện.

Anh Hiếu túc trực bên giường bệnh của con trai.

Anh Hiếu túc trực bên giường bệnh của con trai.

Suốt nhiều năm nay, Hiệu ra - vào bệnh viện liên tục như vậy. Từ một ông bố trẻ vô lo vô nghĩ, nay anh Hiếu nhớ tên, liều lượng của từng loại thuốc vào người con. Việc ăn uống của trẻ mắc bệnh bại não luôn gặp khó khăn nhưng anh rất kiên nhẫn và cẩn thận.

Ông bố ấy nhìn các mẹ khác, cũng học cách vệ sinh, xoa bóp, nịnh con ăn. Hiện tình trạng suy hô hấp của Hiệu đã được cải thiện, trẻ vẫn đang dược theo dõi tại bệnh viện.

Theo ThS.BS Nguyễn Võ Lộc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, bệnh nhi Hiệu có tiền sử bị bại não, gần đây trẻ nhập viện trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy.

Trẻ bại não thường tăng tiết đờm dãi nhiều, kèm theo khả năng nuốt kém nên hay ứ đọng đờm, dãi ở hầu họng, các bác sĩ đã phải mở khí quản để tiện cho việc hút đờm dãi. “Trong đợt điều trị này, sức khoẻ của bệnh nhi Hiệu tiên lượng đang tốt dần lên”, bác sĩ thông tin.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, trưởng khu 1, xã Phú Mỹ xác nhận, ở địa phương gia đình anh Hiếu hiện tại thuộc diện khó khăn, anh vừa một mình chăm sóc đứa con bị bệnh nặng, lại vừa phải lo kinh tế nuôi bố mẹ già và cụ nội năm nay 103 tuổi.

Sau khi nắm được hoàn cảnh gia đình có bé bị bệnh phải đi viện điều trị, các đoàn thể của địa phương cũng đã quyên góp ủng hộ. Tuy nhiên, bệnh của bé sẽ còn phải điều trị lâu dài, tốn kém. Thông qua truyền thông, địa phương cũng rất mong các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ để bé có kinh phí điều trị.

Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn