Một ngày giữa tháng 7/2023, Nguyễn Quang Nhật (sinh năm 2010, trú tại tổ 7, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) ra Hà Nội tham dự trại hè cùng các bạn học sinh đang được hỗ trợ bởi quỹ giáo dục Con đường đến trường.
Đi cùng Nhật là chị Trần Thị Tuyết (39 tuổi). Lần này, chị Tuyết tranh thủ cùng con ra thủ đô để khám lại sau lần mổ u não 3 năm trước.
Năm 2009, chị Tuyết kết hôn với người đàn ông cùng huyện, một năm sau Quang Nhật – con trai đầu lòng của anh chị chào đời. Năm 2012, khi đang mang bầu bé thứ 2 được một tháng thì chồng chị qua đời.
Kể từ đây, mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai của người vợ trẻ. “Mọi chuyện đến quá bất ngờ. Sau biến cố, tôi sa sút tinh thần, nhiều lúc như muốn gục ngã nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng, và Quang Nhật khi đó mới 2 tuổi còn quá nhỏ dại, tôi cố gắng vực dậy tinh thần”, chị Tuyết nhớ lại.
Từ ngày chồng mất, chị Tuyết cực nhọc nuôi các con ăn học nhưng tai ương vẫn chưa chịu buông tha cho người phụ nữ bất hạnh. Một ngày tháng 6/2020, chị Tuyết đau đầu, buồn nôn, uống rất nhiều thuốc nhưng không giảm. Chị bắt xe lên bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ kết luận chị bị u não.
Nhận hung tin, chị Tuyết chết lặng. “Tôi không nghĩ ông trời lại thử thách tôi nhiều như vậy, điều tôi trăn trở nhất là hai con trai. Các con còn quá bé, bố mất sớm, mẹ là chỗ dựa duy nhất thì lại đổ bệnh. Tôi sợ nếu một ngày mình không còn nữa thì lấy ai lo cho các con, nghĩ đến vậy lòng tôi lại đau thắt”, chị nói.
Chị gửi con cho hàng xóm nhờ trông giúp để ra Hà Nội mổ. Gần 10 tiếng sau ca phẫu thuật, chị Tuyết tỉnh lại, nhờ đáp ứng thuốc, sức khoẻ của chị dần hồi phục. Bác sĩ dặn, 6 tháng chị phải quay lại bệnh viện khám định kỳ và mua thuốc nhưng số tiền gần 100 triệu đồng vay mượn để mổ u não trước đó vẫn chưa trả được, chị Tuyết liên tục phải trì hoãn việc tái khám.
Không có thuốc duy trì, cơn đau đến nhiều hơn, gần đây chị thường xuyên đau yếu, phải nằm một chỗ nghỉ ngơi.
Sức khoẻ hạn chế, chị Tuyết không thể xin được việc bên ngoài, quanh năm chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng. Những hôm chị ốm, Quang Nhật lại tranh thủ vừa đi học vừa thay mẹ làm công việc đồng áng.
Quang Nhật luôn nỗ lực hỗ trợ mẹ sau buổi học. Năm học vừa rồi Nhật xếp thứ 3 của lớp về thành tích học tập. Kết quả đó là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo khi mà hoàn cảnh gia đình em còn quá khó khăn.
Nhà nghèo chẳng có đủ đồ dùng học tập, Nhật phải đi mượn, đi xin lại của anh chị khóa trước. Em ao ước được đi học thêm như các bạn. Em cũng mong có thật nhiều tiền để vừa giúp mẹ chữa bệnh, vừa để học lên cấp 3, thi vào đại học.
Với em học chính là con đường ngắn nhất để có thể giúp 3 mẹ con thoát khỏi cảnh nghèo đói, nhưng với điều kiện hiện nay rất có thể Nhật sẽ phải nghỉ học giữa chừng để giúp mẹ chăm sóc em trai.
Theo cô Phạm Thị Xuân, trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, Nhật là học sinh có tinh thần, trách nhiệm với các hoạt động của trường, lớp. Thành tích học tập của em rất tốt. Dù tuổi còn nhỏ nhưng Nhật đã phải gánh nhiều áp lực do bố mất sớm, mẹ đau ốm. Nhà trường cũng thường xuyên quan tâm, chia sẻ khó khăn với học sinh này.
Theo ông Trần Văn Linh – Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, gia đình chị Trần Thị Tuyết thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Chồng chị không may gặp rủi ro, mất khi các con còn quá nhỏ, giờ mọi gánh nặng đều trông chờ vào vai người mẹ, nhưng chị lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật nên không đảm bảo sức khỏe để lao động.
“Thời gian qua, các đoàn thể, thôn xóm có tổ chức chia sẻ, kêu gọi giúp đỡ cho gia đình chị nhưng cũng chỉ hỗ trợ được phần nào. Về lâu dài, thông qua truyền thông, chúng tôi mong bạn đọc trên cả nước giúp đỡ cho hoàn cảnh gia đình chị Tuyết”, ông Linh nói.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.
Bình luận