Theo nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2020, Công ty CP Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn cùng tên) đã thống nhất không thực hiện tăng vốn điều lệ theo nghị quyết cổ đông bất thường trước đó.
Cụ thể, ban lãnh đạo Kim Liên từng dự kiến tăng vốn điều lệ từ gần 70 tỷ hiện tại lên 2.768 tỷ đồng (gấp 40 lần) để đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho việc triển khai Dự án Khu phức hợp Kim Liên tại khu đất số 5-7 Đào Duy Anh (phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội). Đây chính là khu đất mà khách sạn Kim Liên đang tọa lạc.
Sau quá trình nghiên cứu thị trường và xem xét ý kiến của cổ đông, HĐQT khách sạn nhận thấy việc tăng vốn là không khả thi. Vì vậy, đã trình cổ đông thông qua việc không tăng vốn để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, cổ đông của khách sạn này vẫn thông qua việc tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư để triển khai dự án.
Hồi đầu năm 2020, HĐQT Kim Liên đã trình cổ đông thông qua việc lựa chọn các nhà đầu tư, đối tác chiến lược để triển khai, hợp tác phát triển dự án Khu phức hợp Kim Liên, dưới hình thức ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Đây được xem là dự án tham vọng nhất của bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy) với tổng vốn đầu tư lên tới 615 triệu USD, tương đương gần 14.300 tỷ đồng theo kết quả nghiên cứu thị trường, tư vấn của Savills Việt Nam.
Việc tăng vốn điều lệ lên gấp 40 lần là để đáp ứng quy định tổng vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư phải tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án.
Cùng với việc không tăng vốn, HĐQT Kim Liên cũng thông qua đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch và Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Đức Thụy và ông Nguyễn Chí Kiên từ ngày 24/5.
Thay vào đó, cổ đông lớn nhất tại khách sạn - ThaiGroup đề cử thay thế 2 ứng viên HĐQT mới là ông Phan Mạnh Hùng và Trịnh Văn Thiệm. Trong đó, ông Thiệm đang là Tổng giám đốc của Bình Minh Group (cổ đông sở hữu 11% vốn khách sạn).
Đồng thời, ông Thiệm cũng sẽ là người đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT mới tại khách sạn Kim Liên từ ngày 24/5.
Từng trả cao gấp 10 lần giá khởi điểm để trở thành cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối hoạt động tại khách sạn Kim Liên, bầu Thụy đã đánh bật nhiều đại gia trong đợt thoái vốn của SCIC khỏi khách sạn này cuối năm 2015.
Mức giá gần 1.000 tỷ đồng cho 52,3% vốn tại khách sạn có doanh thu bình quân hơn 100 tỷ và lợi nhuận trên dưới 10 tỷ/năm được xem là quá đắt. Tuy nhiên, giá trị của khách sạn này lại là việc tọa lạc trên khu đất rộng 3,5 ha mặt phố Đào Duy Anh.
Đây cũng là lý do ban lãnh đạo khách sạn này lên kế hoạch triển khai dự án khu phức hợp 14.300 tỷ tại đây.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2019, khách sạn này ghi nhận 102 tỷ đồng doanh thu, giảm 13% so với năm liền trước và chỉ đạt 76% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế công ty thu về lại đạt 16 tỷ, tăng gần 80% và giúp khách sạn này bù đắp hết lỗ lũy kế.
Kế hoạch kinh doanh năm nay thậm chí còn đi xuống mạnh hơn khi Kim Liên dự kiến chỉ đạt 62 tỷ đồng doanh thu và lỗ trước thuế hơn 8 tỷ đồng.
Chia sẻ về kế hoạch nói trên, lãnh đạo khách sạn cho biết dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến ngành du lịch khách sạn, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu công ty trong quý I. Trong đó doanh thu tháng 3 của khối khách sạn, nhà hàng chỉ đạt 400 triệu đồng.
Đà ảnh hưởng nghiêm trọng dự kiến tiếp tục trong quý II (tháng 4 dừng hoạt động theo yêu cầu của nhà nước). Công ty dự kiến doanh thu 6 tháng đầu năm rất thấp và sẽ đẩy mạnh doanh thu 6 tháng cuối năm để bù đắp.
Trong cơ cấu cổ đông Kim Liên, ThaiGroup của bầu Thụy hiện vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 52,43% vốn. Ngoài ra, còn 1 số cổ đông lớn khác là Công ty CP Bình Minh Group của ông Trịnh Văn Thiệm nắm 11%; GPBank nắm 9,69%; Công ty Tài chính Bưu điện nắm 6,69%; Công ty TVXD dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình nắm 6,62%; ông Nguyễn Cao Cường sở hữu 6,2% và các cổ đông nhỏ lẻ nắm 7,37%.
Bình luận