(VTC News)- "Tôi cũng muốn có Drogba lắm chứ... nhưng đâu đủ tiền", đó là lời ví von về thực trạng tài chính khó khăn của bóng đá Việt từ bầu Thắng.
Bỏ qua vụ lùm xùm tranh luận giữa bầu Đệ và các thành viên VPF, bên lề hội nghị tổng kết mùa giải 2012, ông bầu Võ Quốc Thắng với tư cách chủ tịch VPF đã có những chia sẻ thẳng thắn về thực trạng và tương ai bóng đá Việt Nam.
Bóng đá từ trước đến nay được đầu tư rất mạnh nhưng giá trị thực đem lại cho ông bầu và người hâm mộ đã xứng đáng chưa?
Bóng đá Việt Nam so với trước đây đã tiến một bậc. Và chúng ta sẽ tiến lên tầm châu Á chứ không phải Đông Nam Á nữa. Quan sát J-League của Nhật Ban từ năm 1993, họ cũng thành lập công ty bóng đá chuyên nghiệp VPF và cũng gặp những khó khăn tương tự như VPF từng trải qua. Nhưng cuối cùng, J-League đã vượt qua để vươn mình thành giải VĐQG uy tín và hàng đầu châu lục.
Bầu Thắng rất vất vả mới lái được hội nghị tổng kết mùa giải về đúng quỹ đạo (Ảnh: Quang Minh). |
Nhiều người cho rằng bóng đá đang gặp khó khăn. Tôi nghĩ hãy lạc quan hơn trong cách nhìn, hãy nghĩ tới cái xa hơn. Một số câu lạc bộ đốt cháy giai đoạn và đi quá nhanh thì gặp rắc rối là lẽ thường.
Tôi cho rằng mỗi nhà mỗi cảnh, nếu anh không có điều kiện thì ta chơi ở hạng Nhì, hạng Nhất, có điều kiện thì ta phấn đấu lên V-League. Chẳng phải bóng đá Tây Ban Nha cũng đang khủng hoảng nặng nề tài chính hay sao. Có đội lên, xuống hạng là chuyện hết sức bình thường.
Ông đánh giá thế nào về chuyện lương thưởng, cạnh tranh bằng cách phá giá cầu thủ tạo nên giá trị 'ảo' của cầu thủ bóng đá?
Chúng ta đang ở trong cơ chế thị trường. Không ai bắt anh phải trả cầu thủ 100 triệu/tháng chỉ cần đừng thấp hơn quy định của bộ luật lao động thôi. Không ai khống chế mức trần vì anh được quyền mà. Nếu có điều kiện, anh hoàn toàn có thể thuê một tổng giám đốc điều hành và trả lương 100 triệu, 200 triệu/tháng nếu điều đó đem lại lợi ích cho anh.
Giống như mùa bóng năm rồi, câu lạc bộ nào có nguồn thu nhiều từ tài trợ, họ sẵn sàng tung tiền thu hút ngôi sao để đạt thành tích, quảng bá hình ảnh nhà tài trợ. Nếu tài trợ ít, họ phải cắt giảm chi tiêu và cân đối tài chính.
Đó là lẽ hết sức bình thường của cơ chế thị trường. Nếu tôi có tiền, tôi cũng rất muốn Drogba về chơi cho đội bóng của mình. Muốn lăm chứ! Nhưng tiền không đủ. Chúng ta chỉ được phép mua về những cầu thủ chất lượng tương xứng với khả năng chi trả của mình.
Vấn đề nóng bỏng về việc một số đội bóng có thể ngưng hoạt động và không thể tham dự V-League thì sao?
Tôi lấy ví dụ, một cầu thủ được rao giá 1 tỷ nhưng tất cả các câu lạc bộ chỉ trả cao nhất 500 triệu không hơn thì không có chuyện giá trị ảo của cầu thủ gia tăng. Với trách nhiệm của VPF, chúng tôi sẽ chia sẻ với các câu lạc bộ để tháo dỡ vướng mắc. Ai điều kiện thế nào thì ta áp dụng và chơi bóng đá thế đó.
Quan trọng là chúng ta có chung một tiếng nói. 28 đội bóng chung sức chung lòng vì sự phát triển của nền bóng đá. Một khi niềm tin nơi người hâm mộ đã trở lại, dứt khoát các nhà tài trợ cũng sẽ trở lại đồng hành cùng chúng ta.
Về vấn đề đạo đức cầu thủ, điển hình là vụ Huy Hoàng, ông có ý kiến gì?
Trong bóng đá, cầu thủ có người đạo đức tốt, người khác chưa đạt. Chúng ta cần phải uốn nắn và điều chỉnh kịp thời.
Sau nhiều năm đầu tư bóng đá, ông có thể chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp tham gia làm bóng đá. Họ có lợi gì và được trả lại xứng đáng với những gì bỏ ra?
Bóng đá Việt Nam đừng nghĩ tới lợi nhuận. Ngay cả J-League cũng chỉ mới hòa vốn trong 3 năm trở lại đây. Vì thế, nếu nghĩ tới việc kiếm lợi nhuận từ bóng đá, tôi khuyên các doanh nhân đừng tham gia ngay từ đầu. Muốn làm bóng đá, cần phải xuất phát từ tình yêu, từ trách nhiệm với xã hội.
Ngày trước chúng ta hoạt động 100 tỷ/năm thì bây giờ 20 tỷ/năm cũng được. Cầu thủ, tại sao chúng ta trả 100 triệu? Cầu thủ bây giờ chục triệu là đá được rồi. Ở Đồng Tâm Long An, vẫn có cầu thủ lương 6-7 triệu/tháng. Và họ đá tốt, lên hạng bình thường.
Các chuyên gia Nhật từng khẳng định nếu chúng ta có niềm tin, đồng lòng, đồng sức thì trong tương lai gần, chúng ta hoàn toàn có thể vươn tới tầm của họ.
Lý Sơn (ghi)
Bình luận