Hơn một năm rời khỏi chức vụ chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và chính thức rút lui khỏi bóng đá, người đàn ông 52 tuổi này vẫn cháy bỏng mong muốn trở lại và đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Ông bầu nhiệt huyết
Cùng với CLB Hoàng Anh Gia Lai của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, CLB ĐTLA của bầu Thắng một thời được xem là đi đầu trong việc xây dựng và phát triển bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam đầu những năm 2000. Hai chức vô địch V-League 2005-2006 liêp tiếp cùng ba ngôi á quân V-League 2003-2007-2008 đã phần nào cho thấy điều đó.
Không chỉ vậy, ĐTLA cũng đóng góp những tuyển thủ nổi tiếng cho đội tuyển Việt Nam như Nguyễn Minh Phương, Phan Văn Tài Em, Nguyễn Việt Thắng. Đó là chưa kể bầu Thắng sẵn sàng "hi sinh" HLV Henrique Calisto đang dẫn dắt ĐTLA cho đội tuyển Việt Nam, để nhà cầm quân người Bồ Đào Nha này sau đó đưa bóng đá Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Cup 2008.
Bầu Thắng cũng chính là một trong nhóm những ông bầu "nổi loạn" thành lập nên VPF vào năm 2011. Sự ra đời của VPF khi đó được xem là một cuộc cách mạng thật sự trong cách điều hành bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khi nó đem đến luồng gió mới. Bản thân ông cũng được tín nhiệm bầu ở vị trí chủ chốt VPF những hai nhiệm kỳ trước khi rút lui vào cuối năm 2017.
Nhưng cho dù là khi làm chủ tịch CLB ĐTLA hay người đứng đầu VPF, bầu Thắng luôn là người làm việc hết mình cho bóng đá Việt Nam. Sự trân trọng với bầu Thắng còn ở chỗ cho dù Tập đoàn Đồng Tâm có thời điểm làm ăn khó khăn những năm 2011-2012, ông vẫn không quay lưng với bóng đá Long An khi vẫn tài trợ cho đội cho đến tận bây giờ. Phải có tình yêu lớn lao lắm với bóng đá thì bầu Thắng mới chung thủy như thế!
Ngay cả khi ngồi vào ghế nóng điều hành các giải đấu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong 6 năm, bầu Thắng cũng chẳng nhận lương hay xài một đồng của VPF dù bỏ thời gian và công sức rất nhiều.
Chờ ngày trở lại
Rời VPF, bầu Thắng trở lại với công việc bận rộn hằng ngày ở Tập đoàn Đồng Tâm và Ngân hàng Kiên Long, nơi ông làm chủ tịch HĐQT. Tháng 4-2018, ông Thắng cũng quyết định rời ghế chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long vì luật không cho phép đứng đầu thêm ở doanh nghiệp khác.
Cũng dễ hiểu. Ông chọn gắn bó với Tập đoàn Đồng Tâm vì đó là nơi bắt đầu truyền thống của gia đình.
Hơn một năm trôi qua, cái tên bầu Thắng đã không còn xuất hiện trên mặt báo. Ông cũng không còn đến sân xem bóng đá nhiều như trước. Bóng đá, với bầu Thắng, giờ chỉ là xem qua màn hình tivi.
"Cuộc đời doanh nhân càng lúc càng nhiều công việc chứ không bớt đi. Tôi rất muốn ra sân xem bóng đá và hít thở bầu không khí bóng đá như ngày nào. Nhưng thời gian không cho phép. Công việc cứ nở ra hoài, khi tôi còn đầu tư thêm vào nhiều dự án khác nữa, nên áp lực cũng không ít do phải chạy theo tiến độ. Quay qua quay lại thì đã hết quý rồi" - bầu Thắng chia sẻ.
Bầu Thắng thú nhận mỗi sáng mở mắt thức dậy, điều ông suy nghĩ là phải làm sao hoàn thiện các dự án, tạo ra thêm giá trị thặng dư để tạo thêm thu nhập cho người lao động. Nên trong đầu óc bận rộn đó, bóng đá dường như không có chỗ.
Ông chia sẻ: "Giải hạng nhất 2018, tôi cũng chỉ đến được sân Long An xem trực tiếp 1-2 trận của đội bóng quê hương vì quá bận rộn. Các trận đấu ở V-League thì trận xem trận không qua truyền hình, nhưng của đội tuyển Việt Nam tôi không bỏ sót trận nào dù cũng chỉ có thể ngồi xem qua màn hình tivi".
Ấp ủ của bầu Thắng chính là việc làm sao phát triển bóng đá học đường và tự mình cùng bạn bè doanh nhân đầu tư xây dựng thêm vài trung tâm đào tạo trẻ.
"Làm bóng đá suy cho cùng là làm sao đóng góp cầu thủ cho đội tuyển quốc gia một cách tốt nhất. Tôi đang cố làm tốt công việc kinh doanh của mình. Khi ổn định, tôi sẽ quay lại góp phần phát triển bóng đá Việt Nam hơn nữa. Bóng đá muốn phát triển tốt thì cần ươm mầm tốt. Trong đầu tôi đang ấp ủ thành lập vài trung tâm đào tạo trẻ, không chỉ một mình tôi làm mà nhiều người cùng làm. Thời điểm nào và thành lập ở đâu thì chưa tiện tiết lộ" - ông tâm tình.
Bình luận