• Zalo

Bầu Kiên và những sự kiện chấn động bóng đá Việt

Thể thaoThứ Tư, 16/04/2014 04:24:00 +07:00 Google News

Làm bóng đá hơn 10 năm, bầu Kiên không đạt được nhiều vinh quang nhưng nhiều lần tạo bất ngờ cho dư luận với những việc làm khác người.



Làm bóng đá hơn 10 năm, bầu Kiên không đạt được nhiều vinh quang nhưng nhiều lần tạo bất ngờ cho dư luận với những việc làm khác người.

Mở đường cho doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá

Bầu Kiên là người đi đầu trong việc doanh nghiệp làm bóng đá
(Ảnh: Quang Minh)

Bầu Kiên là một trong những người đi đầu trong phong trào doanh nhân đầu tư vào bóng đá. Năm 2000, ông đã cùng Ngân hàng Á châu (ACB) tiếp nhận đội Đường sắt Việt Nam sắp giải thể để cho ra đời CLB ACB. Sau 2 năm đầu tư, ACB được góp mặt ở giải VĐQG nhưng chỉ 1 năm sau đó rơi xuống hạng nhất.

Năm 2004, nhờ lấy lại suất của Hàng không Việt Nam - đơn vị vừa tiếp quản đội bóng Công an Hà Nội - CLB của bầu Kiên tiếp tục dự V.League 2004. Đến năm 2008, đội bóng của ông Kiên xuống hạng lần thứ hai và phải đợi tới hết năm 2011 để lên chơi V.League bằng cách mua lại suất của Hòa Phát Hà Nội.

Đưa huyền thoại bóng đá Hungary đến Việt Nam

Năm 2003, khi V.League mới lên tuổi thứ 3, bầu Kiên đã gây sốc khi mời Lajos Detari, 1 trong 5 cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá Hungary đến làm giám đốc kỹ thuật của đội ACB. Đây chính là cá nhân có đẳng cấp thế giới đầu tiên đến “ao làng” V.League.

Cũng chính bầu Kiên là người “khai quật” được tài năng của HLV Lê Thụy Hải. Trước khi về với Hà Nội ACB, Lê Thụy Hải chỉ là phó cho ông Mai Đức Chung, dẫn dắt các đội bóng nữ và hạng Nhất. Sau Hà Nội ACB, Hải “lơ” liên tục thăng tiến trên nghiệp cầm quân, đặc biệt tại B.Bình Dương.

Chỉ trích VFF, khai sinh ra VPF

Bầu Kiên đã tạo nên cú sốc ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2011
(Ảnh: Quang Minh)

Dấu ấn lớn nhất trong hơn 10 năm làm bóng đá của bầu Kiên là lần cướp diễn đàn trong hội nghị tổng kết V.League 2011 của VFF. Tại đây ông là khách không mời nhưng đã có bài phát biểu táo bạo chưa từng có, công kích thẳng những tiêu cực tồn tại bấy lâu nay ở VFF và bóng đá Việt Nam.

Không chấp nhận thực trạng tệ hại của BĐVN, bầu Kiên cho biết có tới 6 CLB liên hệ với ông đề nghị cùng bỏ giải và sẽ thành lập một giải mới mang tên Super Liga. Ở đây, các đội bóng đều hoạt động chuyên nghiệp, với các trọng tài được trả lương cao để không còn động lực tiêu cực. Màn độc diễn của bầu Kiên khiến các ung nhọt của bóng đá Việt Nam bị phơi bày. Từ đây, các ông bầu nhất trí đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF), trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tổ chức hai giải đấu lớn nhất của bóng đá Việt Nam là V. League và giải hạng Nhất.

Chơi xỏ bầu Hiển vụ Lê Công Vinh

Bầu Kiên đã lấy Công Vinh từ tay bầu Hiển vào giờ chót của mùa chuyển nhượng 2011 (Ảnh: Quang Minh)

Sau khi V.League 2011 kết thúc, tương lai của Lê Công Vinh bị đặt dấu hỏi lớn khi hợp đồng cũ với Hà Nội T&T đáo hạn. Những tin đồn liên tục xuất hiện về việc Công Vinh sẽ về Navibank SG, sang Thái Lan chơi cho Muang Thong hay đến CH Czech thi đấu cho Slavia Praha.

Đến ngày 19/9/2011, Công Vinh tuyên bố sẽ tái ký hợp đồng 3 năm ở Hà Nội T&T với mức lương và lót tay không được tiết lộ (trước đó Công Vinh nhận 8 tỷ đồng lót tay cùng mức lương 40 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, bầu Kiên với tham vọng nâng cấp CLB Hà Nội (đội bóng được sáp nhập sau khi mua suất V.League của Hòa Phát Hà Nội và CLB Hà Nội ACB) đã quyết định "cuỗm" Công Vinh.

Ông bầu có tướng “ngũ đoản” này gặp gỡ với Công Vinh 1 ngày duy nhất tại TP.HCM để mời anh về chơi cho CLB Hà Nội. Đến ngày 22/9, Công Vinh bất ngờ tuyên bố về chơi cho Hà Nội ở V.League 2012. Ít lâu sau, mọi người mới được biết mức lót tay để Công Vinh “lật lọng” lên đến 13 tỷ đồng.

Tuyên chiến với AVG

Sau khi VPF thành lập, với cương vị là phó chủ tịch, bầu Kiên đã lên án mạnh mẽ việc VFF ký hợp đồng độc quyền phát sóng V.League 20 năm với Đài truyền hình An Viên (AVG). “20 năm độc quyền là một thời gian vô cùng dài. Tôi không tin trên thế giới có liên đoàn nào ký hợp đồng độc quyền tới 20 năm. Nhiệm kỳ các anh chỉ kéo dài 3, 4 năm mỗi nhiệm kỳ mà các anh ký tới 20 năm.

Tôi không tranh luận tính hợp pháp, đúng thẩm quyền hay không, nhưng tôi cho rằng về kinh tế, VFF đã tự đưa vào một sự ràng buộc, có ảnh hưởng lâu dài, sâu rộng cho bóng đá Việt Nam những năm về sau”, bầu Kiên cho biết. Sau đó ông còn phát ngôn sốc khi cho rằng AVG chỉ là 1 đài địa phương. Tuy nhiên, đến tháng 4/2012 ông bất ngờ đình chiến và bắt tay với AVG. Ngày 20/4, bầu Kiên tuyên bố VPF đã có được bản quyền truyền hình từ tay đài truyền hình này.

Theo Zing.vn
Bình luận
vtcnews.vn