• Zalo

Bầu Kiên nói gì trước thềm năm mới 2012

Thể thaoChủ Nhật, 01/01/2012 08:00:00 +07:00Google News

Những phát biểu đầy tự tin của bầu Kiên trong buổi lễ xuất quân của CLB Bóng đá Hà Nội (31/12/2011) hứa hẹn một năm 2012 đầy hấp dẫn của thể thao nước nhà.

Tôi không sợ phải ra tòa và nếu phải ra tòa để làm rõ ai đúng, ai sai thì đó cũng là điều tốt. Về phần mình, tôi khẳng định là VPF đang làm đúng chức trách, quyền hạn được giao

VFF tự ký, tự chịu

* VFF đã yêu cầu VPF phải tôn trọng hợp đồng về bản quyền truyền hình đã ký với AVG. Cơ sở để VPF khẳng định quyền sở hữu với bản quyền truyền hình đang ngày càng đuối về lý lẽ?

- Ông Nguyễn Đức Kiên: Sau khi VFF có công văn yêu cầu chúng tôi tôn trọng bản quyền mà VFF đã ký với AVG, VPF đã có công văn trả lời là chúng tôi không chấp nhận bản hợp đồng mà VFF đã ký vì đó là bản hợp đồng không hợp pháp. Ngay sau đó, VFF đã có công văn thừa nhận việc họ ký hợp đồng này khi chưa xin ý kiến các CLB chuyên nghiệp.

Bầu Kiên tự tin với những gì mình đang có trong tay (Ảnh: VSI)

* AVG chắc chắn sẽ không để yên cho VFF nếu bản quyền truyền hình bỗng dưng có thêm chủ sở hữu là VPF. Nếu VFF bị kiện, VPF không thể tránh khỏi liên đới?

- Tôi không sợ phải ra tòa và nếu phải ra tòa để làm rõ ai đúng, ai sai thì đó cũng là điều tốt. Về phần mình, tôi khẳng định là VPF đang làm đúng chức trách, quyền hạn được giao. Tôi đã xem rất kỹ điều 53 Luật TDTT trước khi tuyên bố VPF là chủ sở hữu của bản quyền truyền hình Super League và các giải đấu mà chúng tôi quản lý, điều hành. VFF đã ký một bản hợp đồng không hợp pháp nên trách nhiệm của họ đến đâu thì trong hợp đồng họ đã ký có quy định rõ ràng. VPF chỉ làm những việc mà chúng tôi cho là đúng.

* VPF vừa ra đời nhưng đã có nhiều động thái và cách làm mâu thuẫn gay gắt với VFF. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bóng đá Việt Nam khi cơ quan quản lý nền bóng đá và cơ quan điều hành các giải đấu quan trọng nhất mất đoàn kết nghiêm trọng?

- VPF được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đồng ý thành lập. Chúng tôi là một tổ chức thành viên của VFF nhưng không có nghĩa là mọi chỉ thị và mệnh lệnh của VFF chúng tôi đều tuân thủ tuyệt đối nếu những chỉ thị đó không hợp pháp. Với VPF, pháp luật là tối thượng, chúng tôi làm những việc được pháp luật cho phép nên không có gì phải sợ. Tôi cũng muốn nói thêm rằng hợp đồng mà VFF và AVG đã ký không vì lợi ích của bóng đá Việt Nam. Nếu đã nói đến chuyện bán bản quyền là nói đến kinh doanh nhưng hợp đồng đã ký không phải là kinh doanh.

Derby Hà Nội đã lên sóng truyền hinh trong ngày đầu năm mới
 (Ảnh: Quang Minh)

VPF sẽ bán bản quyền được giá

*Theo ông, VFF đã ký hợp đồng đó với AVG vì điều gì?

- Trước khi VFF ký hợp đồng này, tôi có nói với một số lãnh đạo VFF rằng không nên ký nhưng cuối cùng họ vẫn làm. Bây giờ họ sẽ phải chịu trách nhiệm với những gì mà họ đặt bút ký. Còn với VPF, chúng tôi cũng chưa đề cập chuyện kinh doanh ở đây. Tôi nhắc lại là VPF hiện nay cho VTV và một số đài được phát sóng Super League miễn phí. Sau khi xác nhận được quyền sở hữu của mình với bản quyền truyền hình Super League, chúng tôi sẽ nói đến chuyện kinh doanh.

*Có thông tin nói VPF đã bán bản quyền truyền hình cho VTV với giá 20 tỉ đồng/mùa...?


- VTV là một đối tác lớn của chúng tôi. Hiện tại, VPF và VTV đã cùng nhau đạt được một số thỏa thuận có tính nguyên tắc về bản quyền cũng như phát sóng. Mức giá sàn tôi đưa ra cho bản quyền truyền hình V-League là 10 tỉ đồng/mùa.

Tất nhiên tôi muốn số tiền bản quyền truyền hình thực tế cao hơn nhiều mức đó để đem lại lợi ích chung cho các CLB và bóng đá Việt Nam. Cụ thể giá là bao nhiêu thì chúng tôi sẽ công bố sau nhưng mức giá sẽ cao hơn nhiều so với hợp đồng mà VFF đã bán cho AVG.

Cuộc chiến giữa các nhà đàu còn đầy cam go (Ảnh: Quang Minh)


* Ông đã đọc hợp đồng chưa

- Tôi chưa đọc hợp đồng. Nếu tôi đọc thì người ta sẽ nói là tôi vi phạm. Tuy nhiên, trước khi kí, có nghe về một số điều khoản tôi đã có ý kiến với anh Hỷ, anh Dũng và anh Vũ là không nên ký vì hợp đồng đó không phù hợp, không đúng thẩm quyền. Bây giờ nếu có ý kiến khác nhau thì để cơ quan pháp luật xem xét.


* Ông và ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch AVG, đã có cuộc gặp trực tiếp nào để tìm hướng đi cho những bế tắc hiện nay?

- Ngày 17-12, tôi mời anh Vũ gặp gỡ trực tiếp để bàn về vấn đề này nhưng anh Vũ nhắn tin lại cho tôi rằng anh ấy đang bận và mọi việc nên làm qua văn bản. Tôi tôn trọng anh Vũ nên tôi đã làm thế.

*Ông Lê Hùng Dũng là phó chủ tịch VFF và phó chủ tịch VPF. Ông ấy nói ủng hộ quan điểm của VFF, tôn trọng bản quyền với AVG...

- Vấn đề bản quyền truyền hình Super League, anh Võ Quốc Thắng, Chủ tịch VPF, đã xin ý kiến bằng văn bản tới các thành viên trong HĐQT VPF và nhận được sự đồng tình của các thành viên giao vấn đề này cho tôi. Tôi cũng là nói chuyện với anh Dũng về vấn đề nêu trên từ trước khi chuyện này xảy ra. Đây là nguyện vọng của các thành viên HĐQT và là cam kết của VPF vì lợi ích bóng đá Việt Nam cũng như đông đảo người hâm mộ.

Theo NLD

Bình luận
vtcnews.vn