• Zalo

Bầu Kiên, Dương Chí Dũng, Huyền Như đồng loạt ra tòa

Kinh tếThứ Tư, 09/04/2014 09:38:00 +07:00Google News

Đại án tham nhũng Dương Chí Dũng, vụ siêu lừa Huyền Như, đại án Bầu Kiên đang là những trọng án được nhiều người chờ đợi diễn ra.

Đại án tham nhũng Dương Chí Dũng, vụ siêu lừa Huyền Như, đại án Bầu Kiên đang là những trọng án được nhiều người chờ đợi diễn ra.

Dương Chí Dũng liệu có thoát án tử?

Phiên xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng sẽ diễn ra vào ngày 22/4 tới đây. Đây là một trong 10 đại án tham nhũng lớn, phức tạp nhất, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân hàng trăm tỉ đồng. Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã vi phạm nghiêm trọng trong quá trình phê duyệt mua ụ nổi 83M.
Hàng loạt đại gia dính đại án 

Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Dương Chí Dũng và 9 bị cáo khác trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản” diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/12/2013.

Chiều 6/2, TAND Hà Nội đã tuyên phạt mức án tử hình với ông Dương Chí Dũng. Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) bị phạt cùng mức án như ông Dũng về cả hai tội danh. Các bị cáo khác bị tuyên phạt mức án từ 4 năm tù đến 22 năm tù.

Sau phiên xét xử sơ thẩm nhiều thông tin cho rằng bị cáo Dương Chí Dũng có thể thoát án tử hình nếu như khắc phục tốt hậu quả bằng hình thức nộp tiền. Phiên tòaphúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng sẽ diễn ra như thế nào và liệu Dương Chí Dũng có thoát án tử hình vẫn là câu hỏi được bỏ?

Huỳnh Thị Huyền Như có xin lại được nhà cho mẹ?

Vụ siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như cũng khiến báo chí và dư luận tốn không ít giấy mực. Theo bản án của TAND TP Hồ Chí Minh, năm 2007, Như vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành. Từ năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ, Như đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các các khách hàng nên lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động tiền rồi chiếm đoạt.

Để thực hiện ý định, Như đã đưa ra mức lãi suất cao để dụ các tổ chức, cá nhân sau đó thực hiện hàng loạt hành vi gian dối như làm giả 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký và lừa luôn lãnh đạo Vietinbank để chiếm đoạt tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.

Theo HĐXX, căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại tòa có đủ căn cứ xác định hành vi của Như đã phạm các tội như VKS đã truy tố. Sáng 27/1, TAND TP.HCM tiến hành tuyên án vụ Huyền Như và đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như bị tuyên phạt mức án tù chung thân về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Về phần trách nhiệm dân sự, TAND TP.HCM tuyên buộc Huỳnh Thị Huyền Như và các bị cáo liên đới bồi thường toàn bộ số tiền tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng cho 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân được xác định là bị hại và nguyên đơn dân sự trong vụ án.

Chiều 14/2, Huỳnh Thị Huyền Như đã có đơn kháng cáo gửi đến tòa án. Trong nội dung đơn, Huyề Như xin HĐXX cấp phúc thẩm xem xét cho lại bị cáo Như một căn nhà đã bị kê biên trong quá trình điều tra vụ án.

Lý do Huyền Như xin lại một căn nhà là để cho mẹ già của mình và đứa con thơ sinh trong trại giam có nơi trú ngụ, nương tựa vào nhau và mưu sinh.

Liệu trong vụ xét xử sơ thẩm tới đây, Huyền Như có xin lại được căn nhà cho mẹ mình?

Đại án kinh tế “bầu” Kiên: Có hoãn phiên tòa?

Sau khi Tòa án nhân dân TP.Hà Nội có lịch xử sơ thẩm vụ Bầu Kiên, nhiều luật sư đồng loạt cùng đề nghị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội hoãn phiên xử để chờ kết quả xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Đề nghị này của các luật sư đồng thời cũng được gửi cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định bầu Kiên cùng các cá nhân có hành vi cố ý làm trái khi ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank, thiệt hại gây ra là bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank HCM) giả chứng từ để rút tiền chiếm đoạt 718 tỷ đồng.

Ngày 06/01/2014, TAND TP HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án Huyền Như và quyết định: Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phải bồi thường cho ACB 718 tỷ đồng nhưng tòa cũng đồng thời buộc Vietinbank chuyển trả lại cho ACB số tiền 24 tỷ đồng vẫn còn trong tài khoản của các nhân viên ACB tại Vietinbank.

Theo các luật sư, như vậy, án sơ thẩm vụ Huyền Như chưa xác định được chính xác số tiền Huyền Như chiếm đoạt là bao nhiêu. Là toàn bộ số tiền 718 tỷ đồng hay trừ đi số tiền 24 tỷ đồng Vietinbank phải trả.

Hiện vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chưa xét xử phúc thẩm. Các kháng cáo, trong đó có ACB, về việc yêu cầu Vietinbank phải trả tiền sẽ được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm. Như vậy, việc ACB có bị thiệt hại trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như hay không vẫn chưa được xác định.

Nếu kết quả phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như buộc Vietinbank phải trả tiền cho ACB, thì ACB không có thiệt hại. Khi đó, tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không đủ yếu tố cấu thành.

Để tránh gây oan sai, các luật sư đề nghị TAND Tp. Hà Nội xem xét hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên để chờ kết quả phiên tòa phúc thẩm vụ án Huyền Như nhằm xác định chính xác thiệt hại của ACB và trách nhiệm dân sự trong vụ án.


Theo KDPL
Bình luận
vtcnews.vn