Cuộc chiến về bản quyền truyền hình và những quả đại bác công văn qua lại giữa các bên đang khiến Super League rơi vào trạng thái hỗn loạn với những lý do ngoài chuyên môn. Để cuộc chiến này không dai đẳng và các bên đặt những vấn đề của mình lên bàn, thậm chí lôi nhau ra tòa đã đến lúc phải cân nhắc đến giải pháp: Tạm dừng Super League.
5 lý do để Super League phải lạm dừng
Super League đã qua được một vòng đấu, nhưng điều đáng tiếc là với những động thái mới nhất của VFF trong công văn gửi VPF cho thấy thực tế đây là giải đấu vô chủ.
Trong công văn số công văn số 06 của VFF về việc làm rõ nội dung Nghị quyết số 426/NQ-LĐBĐVN, VFF đã thừa nhận rằng “VPF vẫn chưa đáp ứng cả hai điều kiện hoàn thành thủ tục là thành viên của VFF và hoàn tất việc ký kết hợp đồng nhận ủy quyền điều hành các giải bóng đá nên việc ủy quyền của VFF cho VPF là chưa đủ hiệu lực pháp lý”.
Điều này đồng nghĩa là VFF cho rằng VPF chưa đủ tư cách tổ chức giải đấu.
Trước đó, Bộ VHTTDL, bằng văn bản nhất trí với chủ trương thành lập VPF dưới hình thức Công ty Cổ phần để tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng của các giải đấu, đồng thời khai thác có hiệu quả các nguồn tài chính, tăng nguồn thu để phát triển bóng đá Việt Nam.
Tạm dừng Super League! |
Câu hỏi đặt ra là thực sự Super League là của ai bỗng dưng đi vào vũng lầy và có cơ sở để lo ngại nếu ngay ở vòng 2 Super League “xảy ra chuyện” như từng xảy ra năm 2008 thì ai sẽ chịu trách nhiệm hay lúc đó lại đùn đẩy nhau.
Và điều quan trọng là khi Super League chưa xác định được đơn vị tổ chức thì phải dừng lại.
Thứ hai, cuộc tranh cãi về bản quyền truyền hình mà bên nào cũng viện dẫn ra những điều luật để chứng minh mình có quyền, là chủ sở hữu dẫn đến sự hỗn loạn trong truyền bá hình ảnh của giải đấu thì cũng phải dừng Super League lại theo đúng tinh thần của VFF trong công văn số 06: “chờ đợi để hoàn thành các thủ tục để VPF nhận ủy quyền đầy đủ của VFF điều hành, quản lý và tổ chức”. Trong trường hợp không thể ngồi vào bàn thỏa thuận thì cần phải phân xử bởi một tòa án để khẳng định đúng, sai.
Thứ ba, nếu tranh cãi liên miên có khả năng dẫn đến việc chuyển tải hình ảnh nhà tài trợ tới công chúng. Hôm qua, một tờ báo dẫn lời lãnh đạo VFF, đồng thời là chủ tịch HĐQT nhà tài trợ cho biết: do bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi quanh giải đấu, nhà tài trợ, ở đây là Eximbank không loại trừ khả năng hủy hợp đồng, không tiếp tục tài trợ cho Super League nữa.
Thứ tư, việc hoãn giải đấu để giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình đã từng diễn ra ở nhiều giải đấu chuyên nghiệp. Nghĩa là đã có tiền lệ.
Thứ năm, bản thân VFF hiện nay, sau khi TTK Trần Quốc Tuấn từ chức, hiện tại bóng đá Việt Nam không có người đứng đầu ở cấp điều hành, trong đó có vai trò tổ chức các giải đấu. Super League tạm dừng cho đến khi VFF có TTK mới.
Premier League chỉ thành công sau khi "li khai" hoàn toàn khỏi những cách làm cũ |
Chờ đợi điều gì?
Việc dừng Super League (nếu xảy ra) có thể ảnh hưởng tới nhiều bên liên quan tới giải đấu. Nhưng suy cho cùng, đó sẽ là điều bất đắc dĩ để bóng đá Việt Nam có thêm thời gian làm những việc sau:
1.VPF có thêm thời gian hoàn thành các thủ tục để có “đủ tư cách pháp nhân” điều hành, tổ chức giải đấu trong đó có việc hoàn thành “Điều lệ giải Super League 2012”. Hiện giải đấu này vẫn chưa có điều lệ và vẫn đang sử dụng điều lệ năm 2011.
2.Giải quyết triệt để vấn đề bản quyền truyền hình, xác định thận rõ ai có quyền sở hữu về hình ảnh giải đấu này. Nếu AVG đúng, thì các bên phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng theo đúng pháp luật. Nếu bản hợp đồng đó là vô hiệu (theo quan điểm của VPF) mà đúng thì cần phải thanh lý hợp đồng và tiến hành ký kết mới
3.Xem xét lại vai trò và khả năng tổ chức của VFF bằng một Đại hội bất thường- cơ quan tối cao trong bộ máy VFF- để xem xét lại năng lực của các nhân vật chủ chốt trong bộ máy VFF để lấy lại lòng tin của người hâm mộ về tổ chức này.
Trong tình hình hiện nay, việc dừng giải đấu Super League là việc cả VFF, VPF và Bộ VH-TT-DL cần xem xét khi những bất đồng chưa được giải quyết một cách thấu đáo.
Nhật Thành (Thể thao 24h)
Bình luận