Bầu Đức không chỉ là người đầu tiên “chơi” máy bay riêng ở Việt Nam, chiếc Beechcraft King Air 350 mua với giá 7 triệu USD vào năm 2008, hiện ông chủ của Tập đoàn HA.GL còn đang xây dựng 2 sân bay tại Lào và chuẩn bị mua thêm trực thăng để tiện cho công việc lẫn phát triển bóng đá.
Sân bay trị giá 40 triệu USD
Sau bữa cơm trưa với những đặc sản ở Attapeu, do không còn thời gian để nghỉ ngơi, chính “Tư lệnh Nam Lào của HA.GL” Phan Thanh Thủ đốc thúc, đích thân ôm vô-lăng dẫn cả đoàn lướt qua thăm 2 sân bay đang xây dựng của HA.GL.
Sân bay quốc tế Attapeu nằm cách đại bản doanh của bầu Đức chừng 1 km, cách thủ phủ của tỉnh này 30 km. Anh Thủ cho biết, đầu năm nay bầu Đức đã làm lễ động thổ khởi công xây dựng, lấy mặt bằng trên diện tích 200 hec ta, với tiền đầu tư 40 triệu USD….
Tuy nhiên do thời tiết năm nay mưa nhiều nên thời gian qua khối lượng công việc đã triển khai hơi có phần khiêm tốn. Bây giờ khí hậu bắt đầu bước vào mùa khô, đây cũng là lúc công việc được tiếp nối trở lại.
Số tiền trên là của Tập đoàn HA.GL tự bỏ ra làm, sau đó sẽ được nước bạn khấu trừ dần vào thuế. Sân bay sẽ xây dựng trong 2 giai đoạn, giai đoạn đầu từ nay đến 2020, chủ yếu tiếp nhận các loại máy bay nhỏ như ATR 72, Fokker 70. Sau năm 2020 trở đi, có thể tiếp nhận các loại bay bay cỡ lớn như Airbus A320… Tôi cắc cớ, đất nước Lào nói chung và Attapeu nói riêng, đất rộng người thưa, tại sao các anh không làm ngay trung tâm tỉnh lỵ, mà dời tuốt luốt ra xa tới 30 cây số?
Anh Thủ lí giải: “Thời gian di chuyển 30 cây số tới đây chỉ bằng khoảng 7-8 cây số ở Pleiku, tương đương 3-4 cây số ở Hà Nội, Sài Gòn.…Đường sá ở Lào nhìn chung rất tốt, hầu như nhà nào cũng có xe ô tô, vì mật độ dân số thưa thớt, đường rất vắng, nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân Lào không thể chê vào đâu được, do đó cự ly xa hay gần không phải là vấn đề quan trọng.
Ở đây, khi ra đường nếu bóp còi xe, chẳng khác gì xúc phạm người ta. Lúc mới qua đây làm việc, theo quán tính tay tôi cứ bấm còi liên tục, sau nhiều lần bị người ta chỉnh lý, đến nay thói quen đó coi như biến mất”.
Đảo ngược đầu xe, trước khi hun hút vào rừng cao su, chúng tôi lạng qua bãi đất trống, nằm bên cạnh sân bóng đá, đó là sân bay trực thăng cũng đã lấy xong mặt bằng, chuẩn bị thảm nhựa. Một thành viên trong đoàn vui mừng thốt lên, Attapeu là quê hương của đương kim Tổng Bí thư, kiêm Chủ tịch nước Lào, Chummaly Sayasone. Sau này mỗi lần về thăm quê, nguyên thủ quốc gia của nước bạn sẽ không còn cảnh ngồi xe dài dài, có thêm thời gian để tính chuyện quốc sự.
Bầu Đức tiếp tục chơi ngông?
Theo một nguồn tin cho biết, sau khi làm xong sân bay, bầu Đức sẽ tiếp tục tậu thêm chiếc trực thăng để tiện bề việc đi lại, trong việc quản lý các cơ sở kinh tế tại đây. Chưa dừng lại ở đó, ông chủ này cũng đã lên kế hoạch “lên đời”, đổi chiếc Beechcraft King Air 350 cánh quạt hiện nay bằng động cơ phản lực.
Cánh nhà báo tham gia đưa tin giải U21 Quốc tế báo Thanh Niên sang Lào theo lời mời của bầu Đức |
Anh Thủ giải thích, hiện nay rừng cao su của Hoàng Anh-Attapeu đã trồng lên tới 25 ngàn héc ta. Trong thời gian tới, con số này lên tới 40 ngàn héc ta, trong tương lai là 100 ngàn héc ta. Để thăm hết vườn cao su hiện nay và một số dự án khác tại Attapeu, phải mất 3 ngày trời ròng rã ngồi ô tô mới có thể đi hết. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên nhanh trong thời gian tới, là một người suốt ngày bận rộn, trăm công ngàn việc như bầu Đức, chỉ có ngồi trực thăng mới có thể chiêm ngưỡng hết những thành quả đã và đang làm tại đây.
Một con số khiến mọi người phải giật mình. Chỉ tính riêng cao su, hiện nay mỗi tuần Hoàng Anh-Attapeu phải chi ra 1 triệu USD chi phí các khoản. Khi mủ cao su đi vào thu hoạch đồng loạt, mỗi ngày họ thu về hơn 1 triệu USD… Lúc đó, chiếc trực thăng chỉ giá vài triệu đô-la hay nuôi một đội bóng, giúp giải VĐQG hay ĐTQG Lào chẳng phải chuyện nhỏ…
Minh Vỹ (Thể thao 24h)
Bình luận