Cách đây chừng 3-4 năm, khi ông Đoàn Nguyên Đức "chính thức" bước vào danh sách những người giàu nhất Việt Nam, có câu chuyện thế này: Mấy người đam mê tướng số có đưa ra mấy cái ảnh (chụp trên báo và internet) của những người được coi là "đại phú" như ông Đoàn Nguyên Đức, Trần Đình Long, Đặng Thành Tâm, Phạm Nhật Vượng để "phân tích" về nhân tướng học nhằm lý giải tại sao họ giàu thế.
Có người xem ảnh xong, phán: “Nhìn ông Đức, chỉ thấy có vầng trán là tốt: cao rộng, sắc hồng nhuận, ấn đường rộng rãi. Thần thái khác người. Ngoài ra các bộ vị khác như tai, mũi, miệng thì thấy rất… bình thường. Vậy tại sao lại giàu vào hạng phú gia địch quốc thế này?”. Người khác bảo: “Trong 4 người thì người hãnh tiến và tham vọng nhất là bầu Đức của HAGL. Người này dễ chấp nhận rủi ro để đấm đá. Còn 3 người kia thì gặp vân nhiều hơn”.
Thực ra chỉ là câu chuyện tướng số nói cho vui nhưng giới kinh doanh thì thừa nhận Ba Đức là người có máu liều. Liều trong kinh doanh và liều trong cả cách làm bóng đá.
Liều như trai làng lấy hoa hậu
Chính sự liều lĩnh trong suy nghĩ của bầu Đức đã làm nên mối duyên lành giữa HAGL và Arsenal. Không phải đợi đến chuyến tập huấn của HAGL tại London cuối năm 2006, bầu Đức mới kết Arsenal mà bắt đầu từ giữa năm 2004.
Công bố chuyến du đấu của Arsenal tại VN |
Năm 2004, ông Paul Shipwright – Giám đốc trường dạy bóng đá Arsenal – thông qua kênh báo chí đã mở lời với các câu lạc bộ, các nhà doanh nghiệp Việt Nam rằng nếu muốn kết hợp để tổ chức trường dạy đá bóng tại Việt Nam thì hãy email cho ông ta.
Với tâm lý rụt rè “của bóng đá vùng trũng” hầu hết các ông chủ đều tỏ ra cân nhắc, sợ thiên hạ chê cười vì “đũa mốc chòi mâm son”. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” như ông bầu Nguyễn Đức Kiên – khi đó là Chủ tịch câu lạc bộ LG. Hà Nội ACB, Chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB – cũng tỏ ra rất khiêm tốn bày tỏ rằng: “Để tôi tìm hiểu xem vì Arsenal mở các trường dạy đá bóng ở các nước châu Á là phối hợp với cấp quốc gia chứ không phải với câu lạc bộ”.
Một ông bầu khác là bầu Hưng (đang đình đám với Trung tâm TDTT Thành Long) còn khiêm tốn hơn: “Tôi cho rằng việc kết hợp với Arsenal là một kế hoạch xa vời, có lẽ 5-7 năm tới mới phù hợp”. Thậm chí bầu Hưng còn ví Arsenal mà kết hợp với câu lạc bộ Việt Nam chẳng khác nào “lấy dao mổ trâu giết gà”.
Riêng ông Đoàn Nguyên Đức thì nghĩ khác, không mất thời gian tìm hiểu như bầu Kiên, không quá hạ mình như bầu Hưng, bầu Đức ví mình như anh trai làng, còn Arsenal như… hoa hậu.
Bầu Đức suýt chút nữa đã trở thành cổ đông chính tại Arsenal |
Trả lời báo Tuổi trẻ, bầu Đức ví von: “Tôi nghĩ mình như anh trai làng vậy, dễ gì cưới được cô vợ là hoa hậu. Vì thế, Arsenal đã ngỏ lời thì việc gì mà không thử tìm hiểu. Kết hợp với Arsenal trong việc mở trường đào tạo cầu thủ trẻ là quá lợi. Không được về chuyên môn thì cũng được về danh tiếng cho câu lạc bộ”. Gần như lập tức, bầu Đức mong mỏi giới truyền thông đứng vai trò làm “bà mối” để “trai làng” được gần hoa hậu“”.
Thời điểm ấy, ai cũng mỉm cười và nghĩ về kế hoạch hợp tác với Arsenal của Ba Đức chỉ là trạng thái liều lĩnh, “chơi ngông” như đã từng lấy Kiatisak về phố Núi với mức lương không tưởng, hoặc chiêu mộ dàn sao Việt tạo thành một Dream Team phố Núi 2 năm liền vô địch V-League.
Nói vậy chứ không phải “trai làng” muốn là có “hoa hậu” nagy được. HAGL lúc ấy là thế lực của bóng đá Việt Nam nhưng chỉ là trong phạm vi V-League. Cần phải có cơ hội!
Sang London bắt tay với Tottenham nhưng "túm" được Arsenal
HAGL của bầu Đức có dấu hiệu chững lại. V-League 2005 và V-League 2006 đều cán đích ở vị trí thứ 4 và điều quan trọng là HAGL phải “núp bóng” đại kình địch ĐTLA của bầu Thắng (vô địch V-League 2005, 2006).
Với một người không bao giờ chấp nhận chịu thua ai như bầu Đức thì việc thi đấu lẹt đẹt và đứng sau ĐTLA là không thể chấp nhận được.
Bầu Đức thương thảo với Arsenal |
Nhưng để thay đổi, phải có chiến lược mới. nhận thấy không để “đặt canh bạc” vào tay các ngôi sao Thái Lan và những “cựu sao” như mấy năm trước, trong con mắt tinh đời của bầu Đức nguồn cầu thủ Việt sẽ nhanh chóng cạn kiệt nếu như không có luồng gió mới.
Thế là bầu Đức sang Anh. Kế hoạch ban đầu là bắt tay với Tottenham Hotspur – mối “ruột” của bầu Kiên – vừa là để đặt quan hệ làm ăn, vừa tính chuyện thuê cầu thủ ngoại chất lượng về đá cho HAGL. Chương trình phụ là làm việc với Arsenal, Chelsea và dự phòng là sang CH Czech săn cầu thủ.
Khi đó trong suy nghĩ của các ông bầu Việt Nam, bắt tay với Tottenham có vẻ “vừa tầm” hơn là với Arsenal, Chelsea theo đúng kiểu “anh trai làng” sợ bị chê.
15/10/2006, bầu Đức cùng tùy tùng, một số phóng viên đi London tiền trạm. Đích đến đầu tiên là Tottenham Hotspur, câu chuyện mới chỉ dừng lại ở mức trao đổi. Thế nhưng khi làm việc với Ban lãnh đạo Arsenal, bầu Đức mới thực sự ấn tượng về cung cách làm việc chuyên nghiệp.
Bầu Đức và HLV Arsene Wenger trong lần sang Anh đàm phán |
Tuy nhiên, ở chuyến tiền trạm này, cả HAGL và Arsenal chưa đả động gì đến việc sẽ mở học viện Arsenal HAGL nhưng bầu Đức đã khởi đầu như mơ với 2 việc.
Thứ nhất là cuối năm 2006, HAGL sẽ có chuyến tập huấn tại đại bản doanh của Arsenal ở London. Thứ hai, HAGL sẽ đặt biển quảng cáo trên sân nhà của Arsenal, sân Emirates. Tất nhiên, phía HAGL sẽ trả tiền. Thế nhưng để “chơi đẹp”, bầu Đức đồng ý gắn logo Arsenal trên ngực áo đấu của HAGL hoàn toàn miễn phí.
Chính động thái tiếp thị và chơi đẹp này của bầu Đức đã thuyết phục được Ban lãnh đạo Arsenal.
Cuối cùng thì như một câu chuyện cổ tích, đúng như chia sẻ của bầu Đức 2 năm trước, “trai làng” HAGL đã được “hoa hậu” Arsenal để ý. Nhưng thật sự để có được điều ấy, bầu Đức phải dùng đến cả… nghệ thuật.
Theo Thể thao 24h
Bình luận