Sau 7 năm, lứa cầu thủ đầu tiên của học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG mà bầu Đức chăm bẵm đã hái quả ngọt với danh hiệu đầu tiên tại giải U21 quốc tế.
Mời đá giao hữu được ngay học viện
Bầu Đức chính là người tiên phong trong việc đổ tiền mua sao nước ngoài về chơi bóng tại V.League, tạo nên những cơn sốt về mặt chuyển nhượng. Nhưng sau khi tạo dựng được thương hiệu cùng đội bóng HAGL, ông đã ngưng việc đó lại để đi thương hướng khác là liên kết với 1 CLB nước ngoài, mở học viện bóng đá. Học viện HAGL-Arsenal JMG ra đời theo cách rất tình cờ.
Bầu Đức bên danh hiệu đầu tiên của đội U19 (Ảnh: Quang Minh) |
Năm 2007, bầu Đức cùng phái đoàn của mình sang Anh để mời Arsenal về đá giao hữu, tập huấn nhằm nâng cao trình độ cho đội bóng HAGL. HLV Arsene Wenger khi đó không biết HAGL và nói thẳng họ không có cửa để mời Arsenal sang. Tuy nhiên, Wenger lại khuyên bầu Đức về xây dựng một học viện bóng đá và cam kết sẽ giúp hết mình.
Trước đó, bầu Đức đã cùng với Dusit và Kiatisak bay sang Thái Lan xem cơ ngơi của học viện JMG đặt tại đây. Trở về sau một chuyến đi tốc hành, bầu Đức đã quyết tâm xây cho được một học viện từ lời khuyên của Arsene Wenger.
Sau 7 tháng xây dựng, học viện HAGL-Arsenal JMG đã được khánh thành vào tháng 9/2007 với kinh phí xây dựng hàng triệu USD. Đây là sự kiện trọng đại của HAGL nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung khi lần đầu tiên có một đội bóng danh tiếng của nước ngoài liên kết để đào tạo tài năng bóng đá.
Video trận đấu U19 HAGL 3-0 U21 Thái Lan
Mất tiền tỷ vẫn vui
Để xây dựng học viện, bầu Đức phải cho đốn hạ 5 ha cao su đang vào thu hoạch (bình quân thu được 300 triệu/ha/năm). Tính ra mỗi năm, bầu Đức mất đứt 1,5 tỷ đồng (chưa tính lũy tiến). Bên cạnh đó, phía HAGL của ông còn bỏ ra hơn 2,5 triệu USD trong tổng kinh phí xây dựng học viện lúc đầu.
Điều đó có nghĩa, khi bắt tay xây dựng HAGL-Arsenal JMG, bầu Đức đã chấp nhận mất đi hàng chục tỉ lợi nhuận mà số tiền thu về chưa biết thế nào. Nhưng ông bầu chịu chơi này đã rất kiên định với lựa chọn của mình. “Trồng rừng đã khó, trồng người còn khó hơn.
Nếu chỉ nhăm nhăm vào lợi nhuận từ mủ cao su, biết đến bao giờ HAGL mới có được lớp cầu thủ kế thừa? Biết đến bao giờ đội tuyển VN mới có được thế hệ tài năng thật sự? Và biết đến bao giờ bóng đá nước nhà mới kịp sánh vai cùng bè bạn”, bầu Đức từng lý giải lý do ông xây dựng học viện.
Người mở đường bao giờ cũng gặp khó khăn. Chấp nhận làm bóng đá trẻ đồng nghĩa với việc bầu Đức không còn chăm bẵm cho đội 1 HAGL như trước. Thành tích của đội bóng phố Núi cũng vì thế mà đi xuống sau giai đoạn đầu rất thành công.
Sau 7 năm, bầu Đức vẫn chưa bán được một xu từ lứa cầu thủ của học viện. Nhưng nhờ ông, HAGL đang có một lứa cầu thủ đầy hứa hẹn. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều, Xuân Trường, Văn Sơn, Văn Toàn…đã chứng tỏ được tài năng của mình, tạo nên một đội bóng trẻ đầy sức sống trong màu áo U19 HAGL lẫn U19 Việt Nam.
Hôm qua bầu Đức rất vui trong giây phút đăng quang cùng các cầu thủ, nhưng ông thừa hiểu phía trước vẫn còn một chặng đường rất dài để mang về thêm nhiều niềm vui cho những người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Theo Zing
Bình luận