Sáng 13/3, VFF đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông báo hoàn tất công tác chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ VII sau khi nhận được công văn cho phép tổ chức từ Bộ Nội Vụ. Trước đó, VFF đã phải trì hoãn nhiều lần việc Đại hội do những vấn đề về nhân sự.
Ông Lê Hùng Dũng (giữa) trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 13/3 (Ảnh: Hà Thành)
Chia sẻ với báo giới trong cuộc gặp gỡ sáng 13/3, ông Lê Hùng Dũng một lần nữa khẳng định, làm Chủ tịch VFF không hề sung sướng như người ta vẫn nghĩ. Đây là nhiệm vụ nặng nề và cũng rất áp lực.
“Bạn bè tôi vẫn hỏi, không hiểu tại sao tôi lại nhảy vào tổ kiến lửa làm gì? Tôi bảo, có lẽ đó là số phận và tôi sẵn sàng “chịu đòn” một nhiệm kỳ nếu trúng cử để thay đổi bóng đá Việt Nam” – Ông Dũng nói.
Đáng ra ở chức danh Chủ tịch VFF còn có sự tham gia ứng cử của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải nhưng ông Hải đã rút lui. Tương tự, ông Phạm Văn Tuấn cũng từng được giới thiệu ứng cử chức danh Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn nhưng đến phút cuối, ông Tuấn cũng được ngành rút về để lo nhiệm vụ khác.
Bầu Đức chấp nhận làm phó cho ông Lê Hùng Dũng nếu cả hai cùng trúng cử (Ảnh: Quang Minh)
Đây là lần thứ 2 bầu Đức chấp nhận làm phó cho người khác để tham gia ứng cử tại Đại hội tới, đồng nghĩa với việc nếu ông Đức trúng cử, ông cũng sẵn sàng “chịu đòn” cùng ông Lê Hùng Dũng (nếu cũng trúng cử) để thay đổi bóng đá nước nhà.
Trong khi đó chức Phó chủ tịch phụ trách truyền thông – đối ngoại nhiều khả năng ông Nguyễn Lân Trung sẽ tái đắc cử khi đối thủ của ông là ông Nguyễn Xuân Gụ (Ủy viên thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam) không được đánh giá cao.
Một ghế nóng khác cũng được quan tâm là Tổng thư ký VFF. Trong trường hợp ông Trần Quốc Tuấn được bầu làm Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, nhiều khả năng Tổng thư ký đương nhiệm Ngô Lê Bằng sẽ tiếp tục công việc của mình sang tiếp nhiệm kỳ VII.
Chia sẻ trong cuộc họp báo, ông Ngô Lê Bằng cho biết, cách đây hơn 1 năm vì lý do gia đình ông đã từng có ý định xin nghỉ. Nhưng sau đó ông đã tự nhủ phải cố gắng. Mọi thứ có thể khó khăn nhưng cũng mang đến cho ông những tự hào. Nếu ở Đại hội tới, tân chủ tịch VFF tín nhiệm và giao trọng trách cho ông, ông vẫn sẵn sằng.
Tại Đại hội tới sẽ có sự khác biệt so với trước về quy trình bầu cử. Các vị trí chủ chốt được bầu trước và những người thắng cử sẽ nghiễm nhiên có ghế trong ban chấp hành. Tiếp đến, Đại hội VFF mới tiến hành bầu 19 ủy viên ban chấp hành từ danh sách 35 ứng cử viên do ban chấp hành khóa VI giới thiệu.
Đại hội VFF sẽ diễn ra trong hai ngày 24 và 25/3 tại Hà Nội. Có tổng cộng 70 đơn vị thành viên sẽ được bỏ phiếu tại Đại hội và hai CLB bị khai trừ là Kiên Giang, Bình Định.
DANH SÁCH ỨNG CỬ VIÊN CÁC VỊ TRÍ CHỦ CHỐT
Chủ tịch: Lê Hùng Dũng (Quyền chủ tịch VFF)
Phó chủ tịch chuyên môn: Trần Quốc Tuấn (Vụ trưởng Tổng cục Thể dục thể thao)
Phó chủ tịch tài chính: Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HAGL); Lê Văn Thành (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Động Lực)
Phó chủ tịch truyền thông - đối ngoại: Nguyễn Lân Trung (Phó chủ tịch VFF); Nguyễn Xuân Gụ (Ủy viên thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam).
DANH SÁCH ỨNG CỬ VIÊN BAN CHẤP HÀNH
1. Lê Xuân Bình (sinh năm 1958, Phó chủ tịch LĐBĐ Thừa Thiên Huế)
2. Cao Văn Chóng (1979, TGĐ Công ty cổ phần thể thao Bình Dương)
3. Lê Ngọc Chức (1962, GĐĐH CLB Đồng Tháp)
4. Dương Hữu Cường (1972, Chủ nhiệm CLB bóng đá Cà Mau)
5. Võ Thành Danh (1959, Giám đốc trung tâm TDTT Đắc Lắc)
6. Lê Hùng Dũng (1954, Quyền chủ tịch VFF)
7. Đoàn Nguyên Đức (1962, Chủ tịch HAGL)
8. Nguyễn Xuân Gụ (1952, Ủy viên thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam)
9. Nguyễn Thanh Hải (1967, Giám đốc trung tâm bóng đá Viettel)
10. Nguyễn Thanh Hải (1979, Giám đốc nhà máy nước giải khát Sana - Yến sào Khánh Hòa)
11. Dương Văn Hiền (1966, Giám sát trọng tài)
12. Bùi Xuân Hòa (1957, Chủ tịch CLB Đà Nẵng)
13. Phạm Phú Hòa (1974, Phó tổng giám đốc VPF)
14. Nguyễn Quốc Hội (1967, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T)
15. Lê Nguyên Hồng (1952, Chủ tịch CLB Quảng Nam)
16. Phạm Văn Hùng (1955, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng)
17. Nguyễn Đức Hưng (1958, Chủ tịch LĐBĐ Lâm Đồng)
18. Lê Hồng Kỳ (1957, Giám đốc trung tâm TDTT Lạng Sơn)
19. Dương Vũ Lâm (1959, Phó chủ tịch LĐBĐ Đông Nam Á)
20. Nguyễn Hiền Lương (1960, Giám đốc trung tâm TDTT Công an nhân dân)
21. Nguyễn Văn Mùi (1955, Giám sát trọng tài)
22. Nhan Thiện Nhân (1969, HLV trưởng CLB An Giang)
23. Đặng Ngọc Oanh (1956, Phó chủ tịch LĐBĐ Hải Phòng)
24. Lê Quý Phượng (1957, Hiệu trưởng Đại học TDTT TP HCM)
25. Nguyễn Hồng Thanh (1950, Tổng giám đốc SLNA)
26. Lê Văn Thành (1959, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Động Lực)
27. Nguyễn Hưng Thái (1955, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định)
28. Trần Quốc Toản (1960, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam)
29. Trần Cơ Trường (1961, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên)
30. Nguyễn Lân Trung (1955, Phó chủ tịch VFF)
31. Phan Anh Tú (1957, Tổng thư ký LĐBĐ Hà Nội)
32. Trần Anh Tú (1963, Chủ tịch LĐBĐ TP HCM)
33. Trần Anh Tuấn (1966, Giám đốc TDTT Quận 1, TP HCM)
34. Trần Quốc Tuấn (1971, Vụ trưởng Tổng cục Thể dục thể thao)
35. Phạm Ngọc Viễn (1950, Tổng giám đốc VPF).
DANH SÁCH ỨNG CỬ VIÊN BAN KIỂM TRA
1. Nguyễn Nam Hùng (1951, Trưởng văn phòng phía Nam VFF)
2. Thái Hồng Hà (1963, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắc Lắc)
3. Trần Đình Huấn (1965, Tổng thư ký LĐBĐ TP HCM)
Bình luận