Theo Reuters, cả hai ứng viên tổng thống Mỹ năm nay đang bám đuổi sát nút ở Florida và North Carolina, trong khi khoảng cách dẫn trước của bà Clinton ở Michigan thu hẹp rõ ràng. Ohio và Pennsylvania chứng kiến sự vươn lên của ông Trump.
Trump thu hẹp khoảng cách
Dù các cuộc thăm dò vẫn cho thấy khả năng chiến thắng của nữ cựu ngoại trưởng cao hơn nhưng tỷ phú New York đang chứng tỏ ông hoàn toàn có thể lật ngược tình thế, nhất là nếu tỷ lệ cử tri da màu đi bầu giảm mạnh so với năm 2012.
Tuy vậy, ông Trump bắt buộc phải thắng ở cả hai bang Florida và North Carolina thì mới nắm được cơ hội thành chủ nhân Nhà Trắng. Ngược lại, bà Clinton có thể thua ở hai bang chiến trường này nhưng vẫn giành chiến thắng chung cuộc.
Dự án States of the Nation (Các bang trên toàn quốc) của Reuters/Ipsos dự đoán bà Clinton có 90% khả năng giành đủ tối thiểu 270 phiếu đại cử tri, giảm 5% so với dự đoán đưa ra tuần trước. Nếu cuộc bầu cử diễn ra ngày 2/11, ứng viên Dân chủ có chắc chắn 256 phiếu đại cử tri và có thể giành khoảng 302 phiếu chung cuộc. Ông Trump được cho có thể giành 236 phiếu.
Dù thế nào, ứng viên Cộng hòa cũng đã có một tuần tương đối tốt. Tỷ lệ ủng hộ ông tăng lên ở 24 bang và giảm xuống ở 11 bang. Trong khi đó, bà Clinton phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ sụt giảm ở 22 bang, bên cạnh 13 bang cho thấy vẫn đứng về phía bà.
Sự vươn lên của ông Trump diễn ra sau khi FBI công bố họ tìm thấy chứng cứ mới có thể liên quan đến bê bối email của bà Clinton. "Bất ngờ tháng 10" này đã giáng một đòn mạnh lên chiến dịch tranh cử của cựu ngoại trưởng.
Tuy nhiên, việc công bố của FBI có phải là nguyên nhân làm cán cân bầu cử thay đổi hay không vẫn là điều thể khẳng định dù nhiều cuộc thăm dò toàn quốc cho thấy khoảng cách giữa hai ứng viên đã thu hẹp sau sự kiện này. Nếu tuần trước bà Clinton dẫn trước ông Trump từ 4 đến 7 điểm phần trăm thì tuần này khoảng cách ấy chỉ còn 2-3 điểm.
Clinton lo về cử tri da màu
Phe bà Clinton cũng có nhiều lý do khác để lo lắng. Tính trong số cử tri bỏ phiếu sớm, cựu ngoại trưởng dẫn trước ông trùm bất động sản khoảng 8 điểm phần trăm. Cùng thời điểm này năm 2012, ông Obama dẫn 11 điểm trước đối thủ Mitt Romney (dù đến sát ngày bầu cử, khoảng cách này chỉ còn 6 điểm).
Tai Florida, nơi cả hai đều giành được tỷ lệ ủng hộ 47% theo thăm dò, bà Clinton dẫn trước 8 điểm trong số cử tri bỏ phiếu sớm. Năm 2012, ông Obama dẫn trước 15 điểm. Tương tự tại Ohio nơi hai ứng viên không ai hơn kém ai, kết quả bầu cử sớm cho thấy nữ ứng viên Dân chủ dẫn trước đối thủ 20 điểm, trong khi cùng thời điểm cách đây 4 năm ông Obama dẫn 30 điểm.
Những con số trên là cơ sở để dự báo các nhóm cử tri "nòng cốt" của đảng Dân chủ từng góp phần làm nên chiến thắng của ông Obama có thể đi bầu với số lượng ít hơn dự kiến. Thành bại của bà Clinton phụ thuộc vào việc nắm chắc lá phiếu của những nhóm này, đặc biệt là cử tri người Mỹ gốc Phi. Việc mất đi sự ủng hộ của nhóm da màu có thể khiến cựu ngoại trưởng "trọng thương".
Theo tính toán của Reuters, nếu số cử tri da màu đi bỏ phiếu giảm 15%, cơ hội chiến thắng của bà Clinton theo đó cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 72%. Nếu số cử tri da màu giảm 20% thì cơ hội chiến thắng của hai ứng viên sẽ gần như 50-50.
Thậm chí, nếu nhóm truyền thống ủng hộ Dân chủ này chỉ giảm 10% số người đi bầu, đồng thời số cử tri da trắng ủng hộ Cộng hòa tăng 5%, lợi thế cuộc đua đã có thể nghiêng về phía ông Trump.
Tin tốt cho bà Clinton là khoảng 60% cử tri gốc Latin dự kiến đi bầu ủng hộ bà, ngang bằng với ông Obama năm 2012. Đồng thời, 10% tăng trong tỷ lệ người bỏ phiếu thuộc nhóm này có thể bù đắp cho 10% giảm trong tỷ lệ cử tri da màu bỏ phiếu.
Viễn cảnh cuộc đua không hoàn toàn u ám đối với bà Clinton. Tại Arizona, cứ địa lâu đời của phe Cộng hòa, bà đang không bị dẫn quá xa. Ứng viên Dân chủ cũng đang giành lại lợi thế ở Pennsylvania và đang dẫn trước ở Nevada.
Bình luận