Khi thị trường chứng khoán chao đảo, bất động sản bộc lộ nhiều rủi ro, gửi tiết kiệm lại trở thành kênh được nhiều người chú ý hơn. Kênh này càng “nóng” khi mà nhiều nhà băng đồng loạt tăng lãi suất huy động trước Tết.
Lãi suất lập “đỉnh” 7,6%/năm
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thời gian gần đây liên tục nâng lãi suất lên mức mới và cao nhất thị trường.
Cụ thể, trong tháng 12/2021, SCB điều chỉnh biểu lãi suất, một số kỳ hạn dài nhận được ưu đãi lớn hơn. Khách hàng gửi tiết kiệm online các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng hưởng lãi suất 7,15%/năm, tăng mạnh so với con số 6,95%/năm của tháng 11/2021.
Chưa dừng lại ở đó, trong tháng 1/2022, SCB một lần nữa tăng ưu đãi cho khách hàng. Lãi của các khoản vay kỳ hạn 6 tháng tăng từ 6,45% lên 6,65%, kỳ hạn 7 tháng tăng từ 6,55% lên 6,7%, kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,8% lên 7%…
Đáng chú ý hơn cả, lãi suất kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng tại SCB tiếp tục nhích lên 7,35%/năm, tăng 0,2% so với tháng cuối cùng của năm 2021.
7,35% chưa phải mức cao nhất tại SCB. Từ 10/1/2022, SCB áp dụng mức “đỉnh” 7,6%/năm. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được ưu đãi này. Để được hưởng mức lãi suất đặc biệt, khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
7,6%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường ở thời điểm trước Tết nguyên đán.
Trước Tết Nguyên đán, không chỉ SCB mạnh tay tăng lãi suất, ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thậm chí còn “bứt tốc” mạnh hơn. Kỳ hạn 36 tháng cung cấp mức lãi suất cao nhất cho khách hàng. Trong tháng 1/2022, con số này lên đến 6,3%/năm, tăng 0,9%/năm so với tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, khách gửi tiết kiệm trên 50 tỷ mới được hưởng mức lãi này. Còn với khách hàng phổ thông, lãi suất kỳ hạn 36 tháng chỉ là 5,1%/năm, tăng 0,2%.
Nhiều ngân hàng khác cũng cùng xu hướng tăng lãi suất: Lãi suất tại Techcombank tăng 0,15%-0,8%, tại Sacombank tăng 0,2%, tại OceanBank tăng 0,1%-0,5%…
Trong khi đó, vẫn có một số đơn vị đi ngược xu hướng thị trường khi điều chỉnh giảm lãi suất. Đó là BacABank, GPBank và NCB.
Còn nhóm “tứ đại gia ngân hàng” bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank vẫn duy trì biểu lãi suất cũ. Mức cao nhất tại Vietcombank và VietinBank chỉ là 5,6%/năm, tại BIDV và Agribank là 5,5%/năm.
Sau Tết, lãi suất có “nóng” hơn?
Mặc dù lãi suất đang có xu hướng tăng đáng kể nhưng vẫn có khách hàng có tâm lý chờ ra Tết để được hưởng lợi cao hơn.
Chị Lê Thanh Thuý (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết cũng như nhiều người khác, chị thường chờ dịp đầu năm mới gửi tiền vào ngân hàng để mong cả năm “ăn nên làm ra”. Thứ nữa, các nhà băng cũng thường tung chương trình khuyến mãi như tăng lãi suất tiền gửi, lì xì cho khách hàng sau Tết nguyên đán.
“Trước Tết, chứng khoán lao đao, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro nên tôi chọn lại kênh gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, tôi tin rằng sau kỳ nghỉ Tết, lãi suất sẽ cải thiện hơn nữa nên tôi chưa vội gửi ngay”, chị Thúy chia sẻ.
Trong khi đó, giới chuyên gia cũng đã đưa ra những dự báo của mình về xu hướng lãi suất trong tương lai gần.
Công ty chứng khoán VCBS bình luận việc thu hẹp các gói chính sách tiền tệ nới lỏng là xu hướng trong năm 2022. Tuy nhiên, sẽ có thời điểm nghỉ trước khi ghi nhận các mức tăng lãi suất.
Về tốc độ điều chỉnh chính sách, VCBS nhận định sẽ có sự phân hoá khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng là Ngân hàng Trung ương đi đầu trong quá trình này.
Theo VCBS, chính sách tiền tệ nới lỏng phi truyền thống đã được áp dụng khó có thể đảo ngược khi việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của các Ngân hàng Trung ương gặp nhiều khó khăn. Kèm với đó, phải kể đến sự phục hồi mong manh của nền kinh tế sau dịch. Vì vậy, quá trình trung hoà các chính sách này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng.
VCBS dự báo lãi suất huy động có thể đi ngang, mức tăng nhẹ nếu có chỉ cục bộ và khoảng 50 điểm. Đó là do quá trình trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới sẽ diễn ra với tốc độ chậm rãi, thời điểm FED bắt đầu tăng lãi suất có thể xuất hiện vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, theo VCBS, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo thanh khoản hệ thống, giữ lãi suất huy động ở mặt bằng thấp và dành nguồn lực xử lý nợ xấu.
Vì vậy, VCBS đánh giá áp lực tăng lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay. Mặc dù vậy, VCBS nhận định áp lực này nếu có sẽ không lớn.
Về lãi suất cho vay, VCBS nhận định mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch có thể đạt được nhờ các yếu tố: Dòng tiền nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước chủ động điều tiết cung tiền và thanh khoản một cách hợp lý khi cần thiết; tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, với mức biến động hợp lý của VND so với các quốc gia trong khu vực; lãi suất huy động ổn định ở mặt bằng thấp đủ lâu là tiền đề cho xu hướng giảm của lãi suất cho vay.
Theo VCBS, mặt bằng lãi suất được dự báo đi ngang trong biên độ hẹp, áp lực tăng của lãi suất huy động, nếu có, được dự báo là không lớn.
Bình luận