Ngày 8/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trả lời VTC News, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông không bất ngờ trước thông tin này và cho rằng đây là việc cần thiết phải làm.
- Việc ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt tạm giam đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Ông nhận xét thế nào về vụ việc này khi mà có ý kiến cho rằng, đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước bị khởi tố khi đương chức do các vi phạm nghiêm trọng của mình?
Trước hết phải nói rằng pháp luật là nghiêm minh và công bằng đối với tất cả mọi công dân. Chuyện một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước bị xử lý do các vi phạm nghiêm trọng của mình cũng là chuyện bình thường. Nếu vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý thôi, ai cũng thế.
Cho nên, tôi không bất ngờ trước thông tin ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt giam. Xử lý cán bộ cao cấp khi có vi phạm là chuyện bình thường. Nước nào trên thế giới cũng thế cả.
Hàn Quốc họ còn khởi tố, tạm giam ngay cả chính bà Tổng thống Park Geun-hye khi bà này còn đang đương chức. Hoặc gần đây là Trung Quốc, họ xử lý rất mạnh tay đối với cán bộ vi phạm. Từ đó có thể nói, chuyện xử lý các cán bộ vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Đảng là rất bình thường. Chỉ khi cán bộ sai phạm mà không xử lý thì đó mới là bất bình thường.
Vì vậy, tôi cho rằng chuyện bắt giam ông Đinh La Thăng là chuyện bình thường thôi. Cơ quan điều tra có đủ chứng cứ, có đủ hồ sơ về việc ông Thăng vi phạm thì họ phải bắt giam để phục vụ điều tra. Luật pháp phải nghiêm minh và công bằng, ở góc độ nào đó qua đây có thể thấy đó là tín hiệu đáng mừng trong thực thi pháp luật của ta hiện nay.
- Qua việc xử lý ông Đinh La Thăng, ông đánh giá thế nào về công cuộc chống tham nhũng hiện nay?
Vụ việc ông Đinh La Thăng là bài học đắt giá trong công tác tổ chức cán bộ.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
Thứ nhất, tôi rất hoan nghênh và ủng hộ vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Kiểm tra Trung ương cũng như Bộ Công an trong công tác phòng chống và xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng trong thời gian qua.
Bằng chứng là trong một thời gian ngắn nhưng đã đưa ra hàng loạt vụ việc ra trước pháp luật như vụ ô nhiễm môi trường Formosa, các sai phạm ở Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí, thành phố Đà Nẵng, bên khối ngân hàng...
Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, đặc biệt là vai trò tham mưu và quá trình thực hiện của Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất quyết liệt và chính xác. Khâu xử lý cũng rất kịp thời.
Thứ hai là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Kiểm tra rồi thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Nhà nước, Ủy ban Quốc hội cũng vào cuộc rất sớm để xử lý, đó là sự vào cuộc đồng bộ.
Việc “đưa củi vào lò” như cách nói của Tổng Bí thư nhiều như vậy thì rõ ràng sẽ có tác động đến đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, đặc biệt là những cán bộ cấp cao. Người ta sẽ nghĩ ngay đến việc phải thay đổi về tư duy, nghĩa là làm cán bộ không phải là để hưởng lợi, kiếm chác, đứng trên đầu dân, đứng trên doanh nghiệp theo kiểu là quan tham mà phải dè chừng và khiêm tốn.
Điều này khiến cho cán bộ công chức phải gắn bó với nhân dân, phụng sự nhân dân, gắn với trách nhiệm của mình. Nếu làm không đúng trọng trách của mình, cán bộ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân.
Thời gian qua có những người giữ những vị trí cao nhưng rồi đã phải đứng trước vòng lao lý và cũng bị xử lý kỷ luật Đảng, nhà nước. Tôi cho rằng đó đã thể hiện sự nghiêm minh và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị của chúng ta.
Nên cán bộ phải thay đổi tư duy. Quyền lực phải gắn với trách nhiệm. Thậm chí người làm cán bộ chân chính phải nghĩ ngay đến trách nhiệm lớn lao của mình.
- Có ý kiến cho rằng, qua vụ việc ông Đinh La Thăng, chúng ta cần phải chấn chỉnh lại công tác tổ chức cán bộ hiện nay. Ý kiến của ông thế nào?
Tôi cho rằng vụ việc ông Đinh La Thăng chính là một bài học cực kỳ đắt giá trong công tác tổ chức cán bộ của ta hiện nay.
Trên lý thuyết thì chúng ta không phải bổ nhiệm một cách vô nguyên tắc mà chúng ta cũng bổ nhiệm rất chặt chẽ. Chỉ tiếc là trong thực tế, các quy định ấy ở khâu thực hiện đôi khi bị lơi lỏng.
Chúng ta có luật cán bộ công chức, viên chức, rồi luật phòng chống tham nhũng. Trong Đảng cũng có quy định về những cán bộ của Đảng được bổ nhiệm, cất nhắc qua những quy trình nào. Nhưng như tôi nói, trong quá trình thực hiện đã bị lơi lỏng, đơn giản hóa, bỏ qua các bước, các quy trình, dẫn đến hệ lụy trong công tác cán bộ.
Tôi cũng nói quy trình là rất chặt chẽ, thậm chí một người muốn vào một vị trí nhất định thì cũng đều phải trải qua rất nhiều bước. Kiểm tra, đánh giá, đề xuất, tiến cử, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ cơ sở, rồi ý kiến cấp ủy, sau đó hội tụ đủ các tiêu chuẩn rồi mới tiến cử.
Quan trọng như tôi đã nói là chất lượng đầu vào của quy trình mới quan trọng. Chất lượng đầu vào đôi khi không phù hợp, đầu vào của quy trình lại là những người không đủ phẩm chất và năng lực, thì đưa qua quy trình mặc dù rất đúng thì đầu ra vẫn là người không đủ phẩm chất, năng lực.
- Xin cảm ơn ông.
Ngày 8/12, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp uỷ (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ ngày 8/12/2017 theo Quyết định khởi tố bị can số 522/C46, ngày 8/12/2017 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46, ngày 8/12/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Cũng trong chiều 8/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV đã họp phiên bất thường và quyết định cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng.
Vụ án thứ nhất là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank).
Vụ án thứ hai là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Video: Những sai phạm của ông Đinh La Thăng
Bình luận