Ngày 8/12, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp uỷ (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ ngày 8/12/2017 theo Quyết định khởi tố bị can số 522/C46, ngày 08/12/2017 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46, ngày 08/12/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Cũng trong chiều 8/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV đã họp phiên bất thường và quyết định cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Trả lời VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng khẳng định việc xử lý ông Đinh La Thăng là “đúng người, đúng tội”.
"Đó là tất yếu thôi", PGS.TS Phúc nói.
Quy trình xử lý cán bộ trước hết về mặt Đảng, sau đó là xử lý về mặt Nhà nước. Quy trình kỷ luật đó là hoàn toàn phù hợp, không những thể hiện tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng mà còn của pháp luật Nhà nước.
“Miễn chức danh Đại biểu Quốc hội cũng là một hình thức kỷ luật”, ông Phúc nói.
Vì vậy, bước tiếp theo là phải xử lý các bộ theo các quy định trong Bộ Luật hình sự gắn với 2 tội danh được Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành làm rõ.
"Tôi cho rằng việc làm này là cần thiết và bình thường trong đời sống chính trị của xã hội. Việc làm này có sự phối hợp chỉ đạo rất chặt chẽ của Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội và Chính phủ", nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng bình luận.
Ông Phúc cho rằng cơ quan chức năng đã điều tra kỹ lưỡng trước khi bắt tạm giam. Việc bắt tạm giam được thực hiện khi đã có đủ chứng cứ, pháp lý. Vì vậy, ông Phúc cho rằng quyết định xử lý kỷ luật với ông Đinh La Thăng là đúng người đúng tội.
“Đây là những sai phạm của cả một quá trình lâu dài từ trước. Bây giờ các cơ quan điều tra vào cuộc”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.
Trước đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kiểm tra về công tác Đảng. Sau đó, cơ quan điều tra của Bộ Công an cũng vào cuộc để làm rõ.
“Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã có đầy đủ chứng cứ thì mới bắt tạm giam ông Đinh La Thăng được”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng cho rằng hiện nay, nhiều trường hợp quan chức bị khởi tố liên quan đến tham nhũng và dính dáng đến các vấn đề kinh tế. Vì vậy, việc các cơ quan điều tra vào cuộc là hợp lý.
Đánh giá về quá trình xử lý kỷ luật với ông Đinh La Thăng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng việc làm này rất bài bản và cả một quá trình điều tra với đầy đủ chứng cứ pháp lý mới xử lý được.
“Việc này không thể hấp tấp vội vàng được. Tôi thấy rằng kỷ luật nội bộ Đảng đến khi cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc thì tất cả làm theo đúng quy trình và rất căn cơ, bài bản”, PGS.TS Phúc đánh giá.
Bình luận thêm về công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng bày tỏ mỗi khi xử lý cán bộ Đảng viên ở những vị trí cao như vậy thì cũng không ai vui vẻ.
"Giá như không xảy ra những chuyện đó thì tốt hơn. Tuy nhiên, khi cán bộ đã vi phạm kỷ luật Đảng và vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý. Đó là điều tất nhiên thôi. Điều đó thể hiện tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng. Đó là việc siết chặt kỷ luật Đảng theo quy định của Hội nghị Trung ương 4 khoá XII", ông Phúc bày tỏ.
Video: Bắt tạm giam, khám xét đối với ông Đinh La Thăng
Đặc biệt, qua vụ việc xử lý kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng, ông Phúc cho rằng điều đó thể hiện Đảng đã cương quyết xử lý kỷ luật đối với cả các sai phạm của cán bộ cấp cao trong quá khứ.
"Điều đó khẳng định không có vùng cấm, không có chuyện hạ cánh an toàn đối với các cán bộ có chức có quyền và cũng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, của Bộ Chính trị, của Trung ương. Điều đó thể hiện kỷ luật nghiêm minh, không có chuyện hạ cánh an toàn. Đây là dấu hiệu tích cực. Nếu xử lý nghiêm sẽ có ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo đối với cán bộ Đảng viên hiện nay”, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng nói.
PGS.TS Phúc cho rằng quyết tâm xử những vụ tham nhũng vừa qua là quyết tâm của Đảng, của Bộ chính trị, của Tổng Bí thư đã cảnh tỉnh, cảnh báo và có tính răn đe với cán bộ, đảng viên. Chắc chắn những việc làm đó sẽ tác động tích cực và mang lại hiệu quả cao tới cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
"Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng còn rất lâu dài và còn rất phức tạp. Đồng thời, vẫn không thể tránh khỏi việc một số người vẫn rất liều lĩnh coi thường kỉ luật Đảng, coi thường phép nước, cố lao vào con đường tham lam, chuộc lợi.
Cuộc đấu tranh này phải trở thành cuộc đấu tranh của toàn Đảng, của toàn hệ thống chinh trị và của toàn dân cũng tham gia vào thì nhất định sẽ đạt hiệu quả cao. Đây không phải việc việc riêng của bộ chính trị, của Tổng Bí thư mà đây là trách nhiệm của tất cả các cấp. Từ cấp trên chuyển động đã nóng thế rồi thì cấp dưới cũng phải chuyển động, trên quyết liệt dưới cũng phải quyết liệt, các cấp phải quyết liệt. Chứ không phải trên quyết liệt dưới lại đủng đỉnh", nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng bày tỏ.
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV, liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.
Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng.
Vụ án thứ nhất là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank).
Vụ án thứ hai là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Video: Những sai phạm của ông Đinh La Thăng
Bình luận