Bát quái chưởng là một trong những loại quyền thuật lấy các chiêu thuật công, phòng và phương pháp dẫn đạo dung hợp với cách bước chuyển theo đường tròn. Những người tập chủ yếu lấy bước vòng tròn xoay chưởng giống đường nối liền tám phương vị trong bát quái.
Lấy biến ứng biến
Vốn có tên cũ là “chưởng xoay” (chuyển chưởng) về sau gọi là Bát quái chưởng (hoặc Bát quái chuyển chưởng, Du thân Bát quái chưởng, Âm dương Bát quái chưởng hay Bát quái liên hoàn chưởng…).
Trên thực tế, phép Bát quái chưởng chú trọng ngang dọc cắt nhau, tuỳ bước, tuỳ biến. Lối đánh dựa trên sự gặp thời cơ thì ứng biến, lấy biến ứng với biến, hợp với “Cứng mềm mài nhau, bát quái vẫy động” trong Chu Dịch, tức là luôn vận động không ngơi, biến hoá không ngừng mới là đạo lý, và cũng chính vì vậy nên mới gọi là Bát quái chưởng.
Về nguồn gốc Bát quái chưởng, do lịch sử lâu đời của nền võ học Trung Hoa nên truyền thuyết cũng khác nhau mà không được ghi chép trên bất cứ một văn tự nào. Có thuyết cho là do đạo nhân Bích Vân, Thanh Vân ở dải núi Nga Mi tại Tứ Xuyên truyền lại.
Lại có thuyết cho là tiền thân của Bát quái chưởng là “Âm dương Bát quái chưởng” từng lưu truyền một dải Giang Nam. Có nhà nghiên cứu lại suy đoán từ “Lam Di ngoại sử- Tĩnh Biên ký, có ghi: “Gia Khánh Đinh Tỵ (năm 1797 đời vua Thanh Nhân Tôn tức Ái Tân Giác La, làm vua từ 1796-1821) có người tên Vương Tương ở huyện Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông dạy quyền pháp mà quyền đó là tiền thân của Bát quái chưởng.
Một số đòn đánh của Bát quái chưởng nguồn china- culture. com) |
Tuy nhiên, theo khảo chứng là vào nửa cuối đời Thanh, Đổng Hải Xuyên ở thành Văn An, tỉnh Hà Bắc là người sáng tác ra Bát quái chưởng. Hệ thống quyền này cực giống thuật đạo dẫn chạy quanh vòng tròn “chuyển Thiên tôn” của Đạo giáo với phương pháp công, phòng trong võ thuật dung hợp thành hình thức vận động cơ bản, chọn dùng “Dịch lý” để luận thuật về quy luật vận động của quyền thuật, hình thành nên lý luận cơ bản của Bát quái chưởng là: “Lấy động làm gốc, lấy biến làm phép (đánh)”.
Khoảng năm 1866, Đổng Hải Xuyên lúc đó là môn khách phủ Túc Vương ở Bắc Kinh truyền dạy Bát quái chưởng thì môn này nhanh chóng phát triển khắp Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc rồi dần truyền bá đi khắp nơi.
Đặc điểm vận động của Bát quái chưởng là thân nhanh, bước linh, tuỳ bước tuỳ biến, khi giao đấu với đối thủ thì thân hình nhô, hụp, vặn, xoay mau lẹ, đa biến. Quyền phổ ghi: “ Hình như rồng lượn, hình như vượn giữ, ngồi như hổ ngồi, liệng như ưng liệng”. Đường di chuyển của dấu chân ước xoay chia ra chạy theo hình cá âm dương, chạy theo hình vẽ Bát quái (có 2 kiểu hình vẽ Bát quái là Tiên thiên Bát quái của Phục Hy và Hậu thiên Bát quái của Chu Văn Vương).
Thân hình yêu cầu thẳng cổ, đứng hông hạ mông, lỏng vai xuôi khuỷu, giữ nguyên bụng, thoải mái ngực, co háng, nâng bụng dưới. Yêu cầu bộ pháp lên xuống vững vàng, khép mở rõ ràng, thực hư rành rọt. Khi bước tròn, chân trong tiến thẳng chân ngoài khép vào trong, hai đầu gối ôm nhau không được mở hạ bộ. Thân pháp coi trọng vặn, xoay, chuyển, lật tròn vòng không ngắc ngứ, di chuyển và triển khai quyền pháp phải như nước chảy, mây trôi.
Một số phân thức trong tập luyện Bát quái chưởng (nguồn Paku chang journal. com) |
Về hình tay thì có long trảo chưởng (chưởng móng rồng), ngưu thiệt chưởng (chưởng lưỡi trâu)… Thủ pháp chủ yếu bao gồm: Đẩy, nâng, kéo, dẫn, dời, ngăn, cắt, khép, bắt, tóm, móc, đánh, gói, đóng, né… tổng cộng mười sáu phép. Mỗi chưởng phát ra phải lấy hông làm trục xoay, toàn thân là một thể, nội ngoại hợp nhau.
Ngoài chú trọng: Tay, mắt, chân, bộ pháp, trong tu dưỡng: Tâm, thần, ý, khí, lực. Luyện tập Bát quái chưởng chia ra 3 bước công phu: Định giá tử (giàn giá của quyền chưởng), Hoạt giá tử (sử dụng linh hoạt giàn giá) và Biến (hoá) giá tử.
Định giá tử là công phu cơ bản, yêu cầu một chiêu, một thức phải đều đặn, quy củ, cốt sao tư thế chính xác, bước đi vững vàng, chậm rãi, làm cho được “9 yêu cầu nhập môn”, bao gồm:
1. Tạ (xệ, hông).
2. Khấu (khép; hóp ngực lại).
3. Đế (nâng lên; nâng huyệt Vĩ lư, nâng trong Cốc đạo: Vĩ lư là huyệt nằm dưới thắt lưng, trên xương cùng, nơi tập trung nội lực; Cốc đạo là đường tiêu hoá kể từ hậu môn trở lên).
4. Đỉnh (đẩy lên; đẩy đầu lên chỏm, đẩy lưỡi lên vòm họng, đẩy tay ra trước)
5. Khoả (quấn tròn; quấn tay).
6. Tùng (thả lỏng; lỏng vai, trầm khí xuống).
7. Thuỳ (xuôi; xuôi khuỷu tay).
8. Xúc (co; co cơ khớp háng, co trong bả vai).
9. Khởi toản lạc phan (lên dùi xuống lật); nghiêm cấm ưỡn ngực phưỡn bụng, nổi giận, thô lỗ vụng về.
Một số phân thức trong tập luyện Bát quái chưởng (nguồn Paku chang journal. com) |
Còn lại, Hoạt giá tử chủ yếu luyện tập động tác phối hợp hợp điệu khiến các yếu lĩnh cơ bản trong khi chuyển chạy biến hoá phải vận dụng thành thạo. Biến giá tử yêu cầu nội ngoại phải thống nhất, ý dẫn thân theo, biến đổi tự nhiên, làm sao để nhẹ như lông ngỗng, biến như điện chớp, vững như bàn thạch.
Nội dung cơ bản của Bát quái chưởng là Bát mẫu chưởng (Tám chưởng mẹ) hay còn gọi là Lão bát chưởng (Tám chưởng già) nhưng các nơi lưu truyền không giống nhau.
Cụ thể là lấy tám hình làm đại biểu là sư (sư tử), lộc (hươu), xà (rắn), dao (diều hâu), long (rồng), phượng, hầu (khỉ), hùng (gấu), ngoài ra cũng dùng Song chàng chưởng (Chưởng đâm cả hai tay), Du long chưởng (Chưởng lắc thân), Xuyên chưởng (Chưởng xuyên), Khiêu chưởng (Chưởng khều)… là nội dung cơ bản của tám chưởng. Tuy vậy mỗi chưởng pháp trên lại diễn hoá ra rất nhiều chưởng pháp, theo kiểu một chưởng lại sinh ra tám chưởng, thành tám lần tám sáu mươi tư chưởng.
Bát quái chưởng có đơn luyện, đối luyện và tán đả lôi đài (giao đấu). Căn cứ trên quyền phổ thì hệ quyền của Bát quái chưởng thường có 18 đường La Hán thủ, 72 ám cước (đòn đá ngầm), 72 tiệt thoái (chặt chân). Hệ khí giới của Bát quái chưởng có Tý Ngọ uyên ương việt (Búa uyên ương Tý Ngọ), Kê trảo âm dương nhuệ (Vuốt chân gà âm dương), Phong hoả luân (Bánh xe gió lửa), Phán quan bút… là các loại binh khí đôi dạng ngắn, nhỏ. Ngoài ra còn có gậy Thất tinh trong có đổ thuỷ ngân (để cho nặng và biến hoá linh hoạt) và các khí giới lớn, nặng như Bát quái đao, Bát quái thương và Bát quái kiếm.
Theo Dân Việt
Bình luận